Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 3/7/2016 14:16'(GMT+7)

Đề thi Địa lý được đánh giá là thú vị với những nội dung thời sự

Thí sinh Đặng Thị Thu Huệ ở Thành phố Thái Nguyên dự thi tại Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết: “Em thấy thú vị với câu hỏi phân tích những thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ của ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm ở nước ta và tại sao sản phẩm của ngành này lại trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đây là nội dung em đã ôn tập nhiều nên chắc chắn sẽ được điểm tối đa”. 

Tại Khánh Hòa, ghi nhận tại các điểm thi, nhiều thí sinh thi môn Địa lý đã ra khỏi phòng thi trước thời gian hết giờ thi khoảng 30 phút. Tuy nhiên, tâm trạng của hầu hết thí sinh khá thoải mái và tự tin. Đối với nhiều thí sinh thi môn Địa lý chỉ để xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông thì có thể đạt được 5 hoặc 6 điểm. Thí sinh thi môn này vừa để xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông, vừa xét tuyển vào đại học thì tự tin đạt được 7 hoặc 8 điểm. 

Theo thí sinh Nguyễn Quốc Dũng, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), đề thì môn Địa lý năm nay khá vừa sức với thí sinh, tuy nhiên để đạt được điểm cao thì rất khó. Với em, khó nhất là một ý trong câu hỏi thứ 4: Tại sao trong thời gian qua, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra hết sức nghiêm trọng? Do không thường xuyên theo dõi thời sự trên báo chí, truyền hình nên em làm không tốt câu hỏi này. 

Thí sinh Nguyễn Thị Bích Ngọc, thành phố Nha Trang thì cho rằng: Câu hỏi khó nhất là một ý trong câu hỏi thứ 4: Tại sao một số sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm lại trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ? Em khá lúng túng trước câu hỏi này, còn lại các câu hỏi khác em làm khá tốt và có thể đạt được điểm 7 hoặc 8. 

Tại Đà Lạt, kết thúc môn thi Địa Lý trong buổi sáng 3/7, nhiều thí sinh dự thi tại Cụm thi do trường Đại học Đà Lạt (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) tổ chức rất phấn khởi vì làm được bài, nhiều câu hỏi khá sát với đề cương ôn tập và những đề thi thử trước đó. 

Theo các thí sinh, phần câu IV trong đề thi có đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua mang tính thời sự cao. Các kiến thức về vần đề này trong quá trình ôn tập thí sinh đã được tìm hiểu và phân tích. Thí sinh Nguyễn Thị Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) dự thi ngành Sư phạm Ngữ Văn trường Đại học Đà Lạt cho biết: “Đề thi ra trúng phần đã được ôn tập nên em hoàn thành bài thi khá tốt, nhất là câu hỏi về tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Còn với em Trần Đức Nghĩa, thí sinh tự do đến từ huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), chia sẻ: “Phần đầu em làm tương đối, riêng chỉ có câu về Đồng bằng sông Cửu Long là phân tích hơi lâu. Em tự chấm cho mình ở mức hơn 7 điểm”. 

Tại Phú Thọ, theo đánh giá chung đề thi môn địa lý có sự phân hóa rõ ràng giữa kiến thức cơ bản và nâng cao, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng thành thục các kiến thức đã học. Đặc biệt, nhiều câu hỏi mở giúp rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết và khơi gợi rất tốt tư duy, kỹ năng làm bài của thí sinh.
 

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất