Thay vì 5% như hiện tại, lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất, mức trích nộp kinh phí đóng góp cho hoạt động phòng cháy chữa cháy sẽ là 1% tổng số phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Đây là một phần của dự thảo tờ trình sửa quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc vừa được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến.
Theo dự thảo, kết quả kinh doanh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hiện còn thấp. Giai đoạn năm 2013-2015, kết quả hoạt động kinh doanh toàn thị trường lỗ 746 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá, mức trích nộp kinh phí đóng góp cho hoạt động phòng cháy chữa cháy là 5% tổng số phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thu được chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm trong kinh doanh.
“Do đó, cần sửa đổi quy định theo hướng điều chỉnh tỷ lệ trích nộp của các doanh nghiệp bảo hiểm song vẫn đảm bảo được nội dung đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng cháy chữa cháy,” dự thảo nêu lên.
Cụ thể, dự thảo đề xuất, mức kinh phí đóng góp là 1% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của doanh nghiệp bảo hiểm.
Với mức tăng trưởng dự kiến bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 14%/năm trong các năm tiếp theo, số tiền đóng góp theo lãnh đạo ngành tài chính sẽ vẫn đảm bảo duy trì việc hỗ trợ cho hoạt động phòng cháy chữa cháy, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.
Ở hướng khác, dự thảo cũng nhắc tới quy định sử dụng kinh phí phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, phải được lập dự toán.
Theo đó, nội dung sử dụng kinh phí gồm: hỗ trợ đầu tư trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (40%); công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc(30%); hỗ trợ giám định, kiểm tra an toàn (20%); khen thưởng thành tích cho các tổ chức, cá nhân trong công tác (10%).
Thống kê cho thấy, từ năm 2007 tới năm 2016, các doanh nghiệp bảo hiểm đã trích nộp hơn 72 tỷ đồng kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Hiện nay, trên toàn quốc có 77.892 cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định pháp luật, trong đó có 43.693 cơ sở đã mua bảo hiểm cháy, nổ (chiếm 56%).
Cơ sở thuộc diện phải mua như: Cơ sở sản xuất vật liệu nổ, cơ sở khai thác, chế biến dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt; Nhà máy điện; trạm biến áp từ 110 KV trở lên; Nhà ở tập thể, nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; Bệnh viện tỉnh, bộ, ngành, các cơ sở y tế khám chữa bệnh khác có từ 50 giường trở lên;…/.
Xuân Dùng/VietNam+