Thứ Tư, 18/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 11/6/2015 16:8'(GMT+7)

Đề xuất nhiều giải pháp ổn định đầu ra cho nông sản

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Bên cạnh đó là thực trạng “liên kết 4 nhà” và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam hiện nay; giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường.

Tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) và một số đại biểu khác đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết về những giải pháp của ngành trong việc ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Trả lời thẳng thắn câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ hiện chúng ta đang thực hiện theo cơ chế thị trường nên tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với thị trường. Đất nước nói chung trong đó có ngành nông nghiệp đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên việc định hướng sản xuất cũng phải phù hợp với thế giới. 

Tuy nhiên Bộ trưởng nhìn nhận, thế giới luôn vận động và thay đổi, chính vì vậy chúng ta không thể trông mong, kỳ vọng một thị trường ổn định mà phải làm sản phẩm bám sát và phản ứng nhanh với yêu cầu của thị trường, cả trong nước và thế giới. 

Theo Bộ trưởng, phải lựa chọn những sản phẩm là lợi thế của đất nước, có sự hỗ trợ bà con làm ra sản phẩm với chất lượng cao, giá thành hạ, để trong mọi tình huống vẫn có khả năng bán ra nhiều sản phẩm hơn với giá trị lớn hơn cho người nông dân.

Đánh giá trong thời gian tới, hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng vẫn cần tiếp tục cách tiếp cận như thời gian vừa qua. Trong đó tiếp tục hỗ trợ nông dân để nâng cao sức cạnh tranh nông sản, hỗ trợ nông dân khi thị trường có biến động bất lợi, một mặt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ bà con để duy trì giá, không bị giảm quá sâu; mặt khác thực hiện các giải pháp có thể giảm thiểu những tổn thất như hỗ trợ nông dân vay vốn vượt qua khó khăn…

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh ngoài giúp nâng cao khả năng chất lượng cạnh tranh cần tập trung vào bảo quản và chế biến, giúp ổn định thị trường.

Thúc đẩy liên kết 4 nhà phát triển


Nhìn nhận việc liên kết 4 nhà trong thời gian qua chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, các đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) và một số ý kiến khác đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về những giải pháp để thúc đẩy liên kết này trong thời gian tới.

Trả lời nội dung này, Bộ trường Cao Đức Phát cho biết chủ trương liên kết 4 nhà đã dược thực hiện từ 10 năm nay. Bộ trưởng nhận định một số sản phẩm như bò sữa, mía đường… việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được thực hiện khá phổ biến. 

Tuy nhiên những sản phẩm không nhất thiết phải gắn bó với nhà máy, chế biến hoặc doanh nghiệp tiêu thụ thì sự liên kết còn lỏng lẻo. Qua tổng kết 10 năm thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo và đề nghị Chính phủ ban hành Quyết định 62 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để khuyến khích liên kết này mạnh mẽ hơn. 

Bộ trưởng cho biết trong năm 2014, đã triển khai thực hiện đối với cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, đã có hơn 100 doanh nghiệp liên kết với nông dân thực hiện 72.000 ha. Tuy nhiên chỉ có 45.000 ha thành công, còn lại là bỏ cuộc giữa chừng.

Đánh giá doanh nghiệp có vai trò chính trong trong mối liên kết này, tuy nhiên việc thực hiện mối liên kết 4 nhà chưa thành công theo Bộ trưởng, một phần rất quan trọng do số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít. Những doanh nghiệp thực sự muốn liên kết, có năng lực tài chính, có kho tàng, cơ sở chế biến, có thể liên kết và thực hiện liên kết không nhiều. 

Thêm nữa, trong nông thôn hiện nay, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, các hợp tác xã rất ít, doanh nghiệp rất khó khăn khi liên kết trực tiếp với hàng chục nghìn hộ nông dân. Bộ trưởng cho biết cần có các tổ hợp tác và hợp tác xã để làm trung gian giữa doanh nghiệp và nông dân. 

Một yếu tố quan trọng khác, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát đó sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp chính quyền địa phương sẽ quyết định tới thành công trong thực hiện liên kết. Bộ trưởng nêu phải thành lập ban chỉ đạo, đưa ra tiêu chí cánh đồng lớn của địa phương, có quy hoạch… tuy nhiên số địa phương làm được điều này rất ít. Theo thống kê của Bộ trưởng thì chưa đến 10 tỉnh làm được yêu cầu này.

Để thúc đẩy chủ trương liên kết 4 nhà trong thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh ngoài tuyên truyền, vận động nhân dân, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện thực hiện liên kết với nông dân. 

Đồng thời phát triển mạnh mẽ hơn tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong mối liên kết này; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của chính quyền các cấp…

Hỗ trợ ngư dân vay vốn


Trước lo lắng của một số đại biểu Quốc hội về hiện trạng ngư dân tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết vấn đề này đã được nhìn nhận nghiêm túc và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67 trong đó nội dung có một phần chính sách hỗ trợ ngư dân đó là cho ngư dân vay vốn để ra khơi sản xuất. 

Việc hỗ trợ này với chủ trương giúp ngư dân chủ động về vốn từ nguồn của nhà nước, từ đó không bị phụ thuộc vào thương lái để rồi khi về phải bán sản phẩm cho thương lái, một số trường hợp bị ép giá. Bộ trưởng cho biết thực hiện Nghị định 67, tới nay đã có nhiều ngư dân được vay vốn với số lượng tổng hợp ban đầu là 23 tỷ đồng. 

Thời gian tới việc cho vay vốn này sẽ tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đây chỉ là một giải pháp. Cùng với đó cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất, thành lập các tổ, đội sản xuất, hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần và phát triển mạnh hơn hệ thống chế biến để trực tiếp thu mua các sản phẩm của ngư dân.

Hạn chế sản xuất tự phát, theo phong trào


Nêu hiện trạng nông dân thiếu liên kết, sản xuất chạy theo phong trào, được mùa mất giá, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này. Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo trong đó tập trung rà soát quy hoạch để hướng dẫn nông dân những hướng sản xuất, cây trồng vật nuôi có khả năng cạnh tranh, có thị trường, có khả năng tiêu thụ tốt hơn. 

Mặt khác, hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, về vốn để nông dân có thể sản xuất ra những sản phẩm với năng xuất cao hơn, giá thành hạ hơn. Đồng thời phát triển mạnh hơn 2 thành phần trong chuỗi giá trị là các tổ hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng chỉ khi phát triển theo chuỗi với sự gắn kết thì sự tự phát của nông dân có thể hạn chế, hiệu quả sản xuất sẽ ổn định hơn.

Đất lúa là di sản của dân tộc

Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) về hiện nay người dân không thiết tha trồng lúa và cần những chính sách hỗ trợ như thế nào, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng đât trồng lúa. 

Trong đó, nghị định đã đưa ra những chính sách để ngăn cản việc chuyển đổi một cách quá dễ dãi đất trồng lúa sang các mục đích khác, đặc biệt là những mục đích phi nông nghiệp như: làm các khu đô thị, xây dựng khu dân cư… 

Nhờ đó, từ việc mỗi năm chuyển 50.000 ha đất lúa sang việc khác thì đến nay giảm xuống chỉ còn 10.000 - 15.000 ha/năm. Bộ trưởng nhìn nhận đó là một thành công. 

“Đất lúa là di sản của dân tộc. Đất nước ta không còn đất lúa để mở mang, chúng ta chỉ có vậy và mãi mãi muôn đời. Đây là nguồn sống nên chúng ta phải bảo vệ. Nhưng không phải bảo vệ một cách để nông dân phải gắn với cây lúa, trong khi không có thu nhập cao hơn, mà có thể thay thế bằng những cây trồng khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chính phủ đã có hỗ trợ đối với nông dân trồng lúa. Điều này đã được quy định rõ trong Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng có hiệu quả đất trồng lúa; chính sách hỗ trợ địa phương trồng lúa để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên cả nước. 

Theo Nghị định này, sẽ không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, mà Chính phủ sẽ chuyển giao cho chính quyền các cấp để xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện cho nông dân giữ đất lúa và có thu nhập cao hơn khi có cơ hội sản xuất. 

Vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn việc giữ đất lúa, nhưng có trồng những loại cây khác có thu nhập cao hơn.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) về nông dân bao giờ làm giàu từ trồng lúa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: phát triển sản xuất lúa gạo vừa đảm bảo an ninh lương thực, nhưng cũng để tạo điều kiện cho nông dân tăng thêm thu nhập. 

Ở nhiều nơi hiện nay nếu không trồng lúa thì chưa thể trồng cây gì khác. Theo các nhà nghiên cứu, để một hộ trồng lúa có thể sống được bằng thu nhập từ lúa thì phải có diện tích ít nhất 2 ha, nhưng ở nước ta có 4,1 triệu ha trong khi có tới 9,3 triệu hộ nông dân trồng lúa. 

Như vậy, mỗi hộ nông dân trồng lúa chỉ có chưa đến 1/2ha. Bộ trưởng đưa dẫn chứng các tỉnh Thái Bình và Nam Định chỉ 0,3ha; Hậu Giang có 0,8ha. Vụ hè thu năm nay, ở Hậu Giang với sản xuất lúa và giá thành 3.200 đồng, nhưng bây giờ đã bán được 4.200 đồng và 1 kg lúa chỉ lãi 1.000 đồng. 

Năng suất lúa đạt cao hơn năm trước là 6 tấn/ha, nhưng nông dân trồng lúa ở Hậu Giang cũng chỉ lãi được 6 triệu đồng. Với 0,8 ha thì người trồng lúa ở Hậu Giang chỉ được 5 triệu đồng/ha. Bộ trưởng nhận định làm giàu từ trồng lúa là rất khó, nhưng để sống được từ trồng lúa phải có một nền tảng.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo mang lại thu nhập cho người nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng một kế hoạch xuất khẩu lúa gạo một cách đồng bộ, căn cơ, hiệu quả, nhưng cần phải có thời gian và nguồn lực- Bộ trưởng cho biết.

Liên quan đến việc vì sao Luật hợp tác xã triển khai chậm và có phải sửa luật hay không của đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Sau khi Luật hợp tác xã được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn, trong đó có nêu những chính sách riêng đối với các hợp tác xã nông nghiệp. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều cố gắng cùng với các địa phương triển khai thực hiện và đến nay có 10% hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi theo luật, nhưng vẫn còn chậm. Khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các Bộ, ngành để tiếp tục triển khai trong thời gian tới. 

Để làm tốt điều đó, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát phải có một cách nhìn mới và không coi hợp tác xã nông nghiệp là một đơn vị sản xuất độc lập mà phải đặt hợp tác xã nông nghiệp trong cả chuỗi sản xuất và không phát triển các hợp tác xã đơn lẻ. 

Mặt khác, về cơ chế chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc ban hành một nghị định về hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian tới. Trong nghị định này sẽ đề xuất những cách tiếp cận, cách làm và các chính sách đặc thù cho từng loại hình hợp tác xã nông nghiệp…

Bố trí vốn thỏa đáng cho nông nghiệp, nông thôn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Danh Út (Kiên Giang) về Quyết định số 580/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Trước tình hình tiêu thụ lúa gạo khó khăn, trong khi chúng ta lại nhập khẩu hơn 5 triệu tấn ngô năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Theo Quyết định này, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long thay vì trồng lúa sẽ chuyển sang trồng ngô cũng như những cây trồng khác và được hỗ trợ 2 triệu đồng tiền giống. Thực hiện chính sách đó, các địa phương đã triển khai và có trên 53 ha đất trồng lúa được chuyển sang trồng các cây khác. Các địa phương cũng đã hỗ trợ 93 tỷ đồng cho người dân. Riêng tỉnh Kiên Giang đang chờ Sở Tài chính chưa phê duyệt, do đó chưa hỗ trợ được tiền cho người dân.

Làm rõ thêm vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong những năm qua, Trung ương và địa phương đã tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Kết quả từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các địa phương bố trí, sắp xếp, ưu tiên, nên vừa qua chi cho nông nghiệp, nông thôn tăng cao hơn với 20,1%/năm, trong khi tăng chi cho ngân sách nhà nước 16,1%/năm. 

Tỷ lệ chi cho nông nghiệp, nông thôn, tổng chi ngân sách nhà nước tăng từ 32,8% năm 2008 lên 41,3% năm 2013 và năm 2015 là 41,8%; gấp 3 lần so với năm 2008. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp. Theo Bộ trưởng Tài chính, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, việc bố trí vốn cho nông nghiệp, nông thôn đối với địa phương là tương đối thỏa đáng.

Đối với Quyết định số 580 về hỗ trợ lúa trồng màu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Bộ Tài chính đã có văn bản nhắc các địa phương báo cáo và đến nay đã có 7 địa phương: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp và Cà Mau. 

Từ đầu năm, Bộ đã ứng chi cho các địa phương 55,5 tỷ đồng để thực hiện. Các địa phương khác chưa có báo cáo, trong đó có tỉnh Kiên Giang, Bộ Tài chính sẽ đôn đốc và khi có báo cáo sẽ xử lý ngay.

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

 (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất