Qua nhiều năm thực hiện, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tuy nhiên quá trình thi hành Bộ luật đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc. Một số quy định về trình tự thủ tục tố tụng hình sự chưa cụ thể dẫn đến việc áp dụng luật không thống nhất. Đây là ý kiến được nhiều đại biểu nêu lên tại hội nghị khảo sát thực tiễn thi thành BLTTHS năm 2003 do Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao tổ chức, ngày 14/8, tại TP Hồ Chí Minh.
Nhiều đại biểu đề xuất: BLTTHS cần bổ sung quy định về quyền được bảo vệ các quyền dân sự và các quyền liên quan cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Khi chưa bị kết án bằng một bản án có hiệu lực thì họ chưa bị coi là phạm tội, nên chưa bị tước hết các quyền công dân. Thực tế áp dụng pháp luật những năm qua cho thấy, biện pháp bắt tạm giam đang áp dụng quá nhiều, thậm chí bị lạm dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo. Trong khi các biện pháp khác mang tính tiến bộ hơn như bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm lại hầu như không được áp dụng. BLTTHS hiện không có quy định nào về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của bên gỡ tội cũng như không có quy định về cơ chế đảm bảo cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và người bào chữa thu thập chứng cứ hoặc coi các tài liệu, đồ vật mà họ đưa ra là chứng cứ. Do vậy cần bổ sung quy định về cơ chế thực hiện quyền tự bào chữa, thu thập chứng cứ, xác định lại khái niệm chứng cứ, cơ chế chuyển hóa các tài liệu, đồ vật do bị can, bị cáo, người bào chữa cung cấp thành chứng cứ.
Theo kiểm sát viên Nguyễn Quang Vinh, VKSND TP Hồ Chí Minh: Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của điều tra viên trong BLTTHS năm 2003 đang tạo những rào cản ảnh hưởng đến chất lượng, tính kịp thời của hoạt động tố tụng; mặt khác không tạo ra cơ sở rõ ràng về trách nhiệm của thủ trưởng (hoặc phó thủ trưởng) cơ quan điều tra, viện trưởng (hoặc viện phó) VKSND đối với điều tra viên, kiểm sát viên theo nguyên tắc “quyền hạn đi đôi với trách nhiệm”.
Bà Hồ Thị Phấn, Phó Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh cho rằng: BLTTHS cần bổ sung quy định về việc kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác tội phạm của cơ quan hải quan, kiểm lâm, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển. Thiếu sót này trong BLTTHS năm 2003 đã dẫn đến nguy cơ tố giác, tin báo về tội phạm không được xử lý đầy đủ, kịp thời, bỏ lọt tội phạm. Khi hội đồng xét xử (HĐXX) vào nghị án, kiểm sát viên không được vào phòng nghị án do đó không thể xác định việc nghị án có đúng quy định hay không.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng 3, VKSND TP Hồ Chí Minh cho hay, trong cơ cấu thành phần HĐXX, Hội thẩm nhân dân vẫn chiếm đa số, trong khi thẩm phán là người am tường hơn về chuyên môn, kinh nghiệm. Vì vậy cần tăng số lượng thẩm phán lên 2 người (đối với hội đồng 3) hoặc 3 người (hội đồng 5) để đảm bảo chất lượng phiên tòa. BLTTHS cũng cần có những quy định cụ thể để hạn chế việc tự sửa chữa bản án như hiện nay dẫn đến một vụ án có khi có 2-3 bản án cùng ngày, cùng số nhưng khác nội dung hoặc phần quyết định./.
Trần Xuân Tình - TTXVN