Thứ Sáu, 22/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Bảy, 16/4/2016 21:24'(GMT+7)

Di sản xanh giữa sóng gió Trường Sa

Cây mù u di sản trên đảo Sơn Ca.

Cây mù u di sản trên đảo Sơn Ca.

Lá chắn xanh giữ đảo

Ở Trường Sa có những loài cây trở thành biểu tượng bất diệt cho tinh thần bất khuất, kiên cường của người lính nơi đảo xa. Dường như mỗi đảo có loài cây đặc trưng riêng, chẳng hạn như cây phong ba ở đảo Song Tử Tây, cây bàng vuông đảo Sơn Ca hay dừa đảo Nam Yết. Cây xanh không chỉ tô điểm vẻ đẹp cho đảo mà còn chắn gió biển, bão cát, bảo vệ cuộc sống cho các chiến sĩ.

Sắc xanh trên đảo Nam Yết.

Nhìn rộng ra, cây xanh tại Trường Sa cũng góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền. Chính vì vậy, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã chọn lựa những cây tiêu biểu để công nhận cây di sản, mặc dù nếu so sánh về tuổi đời thì những cây di sản tại Trường Sa không “già” như cây di sản trên đất liền đã được công nhận.

Nhớ lại những ngày đầu sau giải phóng (1975), Trường Sa chỉ toàn cát, sỏi đá và lớp phân chim mỏng nên rất ít cây cỏ sống được. Các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây kể lại rằng, gần như tất cả các đảo đều không có một bóng cây lớn nào. Năm 1978, một buổi sớm trên đường tuần tra, các chiến sĩ trẻ phát hiện mép đảo có một bụi cây, lá như lá mít, có khía trắng, thân mềm, vững vàng trước gió và những đợt sóng vỗ bờ. Trên một hòn đảo nắng rát, nhìn thấy một cành cây ngọn cỏ đã là niềm vui. Vậy nên các chiến sĩ đã đem bụi cây đó về trồng. Thế rồi mầm xanh ấy vươn cao giữa hoàn cảnh sống khắc nghiệt, chỉ có cát cháy, sỏi đá và nước biển mặn chát.

Cây mù u di sản trên đảo Sơn Ca.

Sau đó, các chiến sĩ đã tỉa cây ra trồng khắp đảo. Loài cây này như được sinh ra để sống trong môi trường biển, cây sinh trưởng tốt, được nhân rộng ra trồng khắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Do có sức sống dẻo dai nên cái tên cây phong ba cũng ra đời từ đó.

Cùng với phong ba, bàng vuông cũng là loài cây đặc hữu của Trường Sa. Đặc hữu ở chỗ, dù gió biển mặn mòi nhưng cây vẫn nở hoa trắng phớt hồng rất đẹp mắt, quả có hình vuông. Nhiều người đã thử mang giống cây này về đất liền để trồng nhưng cây rất hiếm nở hoa, kết quả. Ngoài ra, khắp các đảo nổi của Trường Sa hiện có hàng nghìn các loại cây mù u, dừa, phi lao…

Trung tá Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng ban Tuyên huấn, Lữ đoàn 146 (đơn vị bảo vệ Trường Sa) cho biết: “Những cây bàng vuông, cây phong ba, mù u… chính là lá chắn xanh cho các đảo. Giữa biển khơi, các loài cây này sinh trưởng mạnh mẽ, xanh tốt. Ngoài tác dụng cải tạo đất, tạo cảnh quan môi trường cho đảo, cây xanh còn được dùng để ngụy trang, che chắn công sự. Cây xanh như một trợ thủ đắc lực giúp bộ đội ta giữ vững chủ quyền biển đảo”.

Dưới bóng cây di sản

Trên đảo Song Tử Tây, hòn đảo lớn nhất phía bắc quần đảo Trường Sa, có một cây phong ba già nhất, lớn nhất, vững chãi đứng sau lưng tòa nhà trung tâm của đảo. Cây này đã được trao danh hiệu cây di sản năm 2014. Với hơn 30 năm tuổi đời, cây phong ba này đã chứng kiến nhiều kỷ niệm của những người lính đảo Trường Sa.

Các chiến sĩ đọc báo giải trí dưới bóng cây phong ba di sản trên đảo Song Tử Tây.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, nhân viên cơ yếu đã có hơn 30 năm làm việc trong quân đội, trong đó có hơn 10 năm công tác tại đảo Trường Sa cho biết, khi anh mới ra đảo, cây còn nhỏ, tán hẹp, nhưng đến giờ, cây đã cao vượt tòa nhà hai tầng, tỏa bóng mát sum suê một góc đảo. Qua nhiều trận mưa bão, tán cây nhiều lần bị gió giật ngả nghiêng nhưng rồi vẫn đứng vững vàng, chưa từng bị gục ngã. Với sức sống ấy, cây phong ba xứng đáng là biểu tượng cho những người lính Trường Sa. Những người lính trên đảo coi nó như một người bạn tâm giao, hằng ngày làm việc, sinh hoạt, giải trí dưới bóng mát của cây. Cũng chính dưới bóng cây di sản này đã chứng kiến cuộc hội ngộ của hai cha con, hai người đồng chí cùng thực hiện nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng và con trai trò chuyện dưới những tán cây phong ba xanh mướt trên đảo Song Tử Tây.

Con trai anh Nguyễn Đức Thắng là chiến sĩ Nguyễn Thành Lợi vừa mới “chân ướt chân ráo” ra đảo. Là một người cha, cũng là đồng đội của con trai, anh Thắng trước khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền không chỉ dặn dò con trai vẫn vững vàng làm nhiệm vụ nơi đảo xa mà còn mong các chiến sỹ trẻ tiếp tục chăm sóc bảo vệ cây di sản nơi đảo xa.

Chàng trai Nguyễn Thành Lợi mới ra đảo nhưng nước da đã sạm màu sương gió. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, mặc dù bạn bè đăng ký thi đại học nhưng Lợi đã xin bố mẹ được vào quân đội, với một ước nguyện là được khoác trên mình bộ quân phục giống cha. Niềm vui như được nhân lên khi Lợi lại được cùng cha làm nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây.

“Tôi đã được nghe bố kể về lịch sử của cây phong ba nơi Trường Sa. Khi chưa ra đảo, tôi chưa từng biết cây phong ba là gì. Nhưng khi trực tiếp được trải qua nắng gió Trường Sa, tôi cảm thấy khâm phục sức sống của loài cây này. Tôi nghĩ cây phong ba cũng giống như người dân và người lính nơi đảo Trường Sa, càng trải qua gian khó thì càng thêm bền gan vững chí”, Lợi tâm sự.

Cũng dưới bóng cây di sản này, đã có biết bao thế hệ chiến sĩ đến bảo vệ hòn đảo thiêng liêng và nói lời chào tạm biệt. “Lớp cha trước, lớp con sau. Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Cây phong ba thì vẫn vậy. Vẫn hiên ngang và cao cả, chở che cho các thế hệ chiến sĩ. Năm này qua năm khác, thân cây ngày càng cao, tán cây ngày càng lớn. Dưới gốc cây, biết bao cây phong ba nhỏ đã và đang mọc lên. Những mầm xanh không dễ bị gió biển mặn mòi vùi dập, cũng như sức sống của những con người nơi đây.

Đi khắp đảo Song Tử Tây, có thể thấy phong ba tràn ngập bốn bề đảo, bởi vậy đây được coi là một trong những đảo có nhiều cây phong ba nhất. Cây phong ba di sản trên đảo này đã hơn 30 tuổi. Có lẽ không bao lâu nữa, sẽ có thật nhiều những cây phong ba khác được trở thành cây di sản quý của Song Tử Tây.

Còn trên đảo Sơn Ca, chúng tôi lại được chứng kiến cảnh các chiến sĩ quây quần đọc sách, chơi đùa dưới bóng cây mù u cổ thụ. Đây là loài cây đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ nhưng lại sống rất khỏe trên đảo Sơn Ca. Tán cây lớn, che mát một góc đảo. Đến nay cây cũng đã hơn 30 năm tuổi và cũng được công nhận cây di sản Việt Nam.

Cùng với cây phong ba di sản trên đảo Song Tử Tây, cây mù u trên đảo Sơn Ca, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam còn trao danh hiệu cây di sản cho 1 cây mù u khác trên đảo Sinh Tồn và 1 cây bàng vuông trên đảo Nam Yết. Theo GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, những cây này đều có tuổi trên 30 năm và có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nguồn gen và cảnh quan môi trường.

Đến Trường Sa những ngày biển động, bão tố, chúng tôi càng cảm thấy trân quý những di sản xanh trên đảo. Chúng như những người bạn đồng cam cộng khổ, cùng chung chiến hào với chiến sỹ để bảo vệ biển đảo quê hương.

Hoàng Dương/Báo Tin tức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất