Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 14/2/2013 21:55'(GMT+7)

Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt

Tối 14/2, tại Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa, UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Đông Anh và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích này. Tới dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương và Hà Nội, các vị khách quốc tế cùng bà con nhân dân xã Cổ Loa và các vùng lân cận.

Phát biểu tại lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Việc công nhận Cổ Loa là di tích quốc gia đặc biệt không những khẳng định giá trị lịch sử hào hùng của vùng đất Cổ Loa, mà còn khẳng định những giá trị văn hóa ở nơi đây. Thủ đô Hà Nội đã rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử gắn với phát triển du lịch, góp phần thực hiện tốt việc xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những thành tựu đó có ý nghĩa quan trọng để Hà Nội phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tôi đề nghị trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân Thủ đô đoàn kết, năng động sáng tạo, chủ động khai thác các tiềm năng lợi thế về con người, truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa trong đó có khu di tích Cổ Loa đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt”.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: “Đi liền với niềm tự hào Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, là sự nỗ lực không ngừng của chúng ta trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tôi đề nghị các sở, ban ngành thành phố, các cấp chính quyền huyện Đông Anh, xã Cổ Loa và nhân dân tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác này”.

Sau nghi thức trao Bằng di tích quốc gia đặc biệt, buổi lễ được tiếp nối với chương trình văn nghệ kết hợp giữa truyền thống và hiện đại ca ngợi đất nước, mùa xuân, ca ngợi vùng đất huyền thoại Đông Anh và thành Cổ Loa. Các đại biểu và nhân dân Cổ Loa còn được hiểu hơn giá trị văn hóa, lịch sử thành Cổ Loa cũng như công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích qua phóng sự Lịch sử thành Cổ Loa.

Cách đây 2300 năm, từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, Cổ Loa đã là kinh đô cổ của nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương với vai trò là kinh thành, quân thành và thị thành. Sau chiến thắng quân Nan Hán trên sông Bạch Đằng, năm 938 chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc giành lại độc lập cho dân tộc, Ngô Quyền đã chọn Cổ Loa là kinh đô.

Khu di tích Cổ Loa là một quần thể kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ độc đáo, trung tâm là tòa thành cổ với kiến trúc 3 vòng thành dài trên 16 km đạt đến quy mô và trình độ kiến trúc cao nhất của Việt Nam và vùng Đông Nam Á. Cùng với tòa thành cổ là những công trình tưởng niệm, công trình mang chức năng tôn giáo, tín ngưỡng, vừa mang giá trị lịch sử văn hóa, vừa mang giá trị nghệ thuật được chạm khắc tạo hình, trang trí trên nhiều chất liệu có giá trị thẩm mỹ cao.

Khu di tích Cổ Loa hiện có trên 60 di tích trong đó có 7 di tích xếp hạng di tích quốc gia, 3 di tích xếp hạng di tích cấp thành phố. Lễ hội Cổ Loa hàng năm cho thấy sự gắn kết chặt chẽ của cộng đồng dân cư vùng thành Cổ Loa với vị vua đầu tiên, người đã trở thành vị thần bảo trợ đời sống tinh thần cho muôn đời con cháu. Các phát hiện khảo cổ tại Cổ Loa đã chứng minh sự phát triển liên tục của dân cư thời Phùng Nguyên cho đến các đời tiếp sau mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn, còn được gọi là văn minh sông Hồng./.

KT
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất