Bộ Giao thông vận tải vừa đưa ra dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật giao thông đường bộ năm 2008 để lấy ý kiến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo các dự thảo này, sẽ có rất nhiều quy định mới nhằm siết lại vấn đề an toàn giao thông đường bộ.
Đáng chú ý nhất là dự thảo nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. So với nghị định 146 ban hành năm 2007, dự thảo này không chỉ bổ sung nhiều hành vi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt hành chính mà còn tăng mức phạt nhiều hơn so với quy định trước đây.
Xúc phạm hành khách: phạt 300.000 - 500.000 đồng
Theo đó, người điều khiển xe đạp máy (thường được gọi là xe đạp điện) trên 16 tuổi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mà không cài quai đúng quy cách sẽ bị phạt 60.000-100.000 đồng. Người dưới 16 tuổi được chở trên xe đạp máy vi phạm các hành vi này cũng bị phạt tương tự (trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật). Độ tuổi bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển xe gắn máy cũng tương tự nhưng mức phạt là 100.000-200.000 đồng. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy mà sử dụng dù, điện thoại di động, dàn hàng từ ba xe trở lên cũng bị phạt 20.000-40.000 đồng.
Đối với người điều khiển xe máy, dự thảo nghị định đã nâng độ tuổi trẻ em được phép chở thêm từ 7 tuổi (theo nghị định 146) lên 14 tuổi. Ngoài ra người đi xe máy chuyển hướng không nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường cũng bị phạt đến 60.000 đồng. Còn lái xe đi vào đường cao tốc (trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường này) sẽ bị phạt đến 400.000 đồng.
Về tình trạng sức khỏe, tinh thần khi điều khiển xe máy, nếu nghị định 146 chỉ quy định chung chung mức phạt 1-2 triệu đồng với hành vi “sử dụng chất ma túy” khi điều khiển xe máy, thì dự thảo đã nâng mức phạt tối đa đến 3 triệu đồng, đồng thời quy định rõ hơn là áp dụng cho trường hợp “điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy”. Mức phạt việc lái xe vượt quá tốc độ cũng được tăng thêm, như điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/giờ bị phạt 500.000-1 triệu đồng (trước đây phạt tối đa là 800.000 đồng). Tương tự, mức phạt tối thiểu cho hành vi chống người thi hành công vụ ở các vi phạm này theo quy định trước đây là 6 triệu đồng thì nay được nâng lên 10 triệu đồng (vẫn giữ mức phạt tối đa là 14 triệu đồng).
Một điểm mới nữa trong dự thảo nghị định là có nhiều điều khoản bảo vệ quyền của “thượng đế” khi sử dụng phương tiện vận chuyển hành khách như phạt mức tối đa đến 500.000 đồng với hành vi đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo khách; bắt ép khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn. Riêng việc xử phạt người đi bộ vẫn giữ mức tối đa là 80.000 đồng như trước đây, có bổ sung xử phạt hành vi “đi vào đường cao tốc” với mức phạt 40.000-80.000 đồng.
|
Theo dự thảo nghị định, độ tuổi trẻ em được phép chở thêm được nâng lên 14 tuổi (thay vì 7 tuổi như quy định trước đây)- Ảnh: C.QUỐC |
Phải gắn “hộp đen”
Dự thảo nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô cũng có nhiều điểm mới, khác với nghị định 110 năm 2006. Đó là quy định đơn vị kinh doanh vận tải hàng siêu trường, siêu trọng phải chịu trách nhiệm gia cố cầu đường theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Dự thảo cũng quy định cụ thể mức bồi thường khi gây mất, hư hỏng hàng hóa là không vượt quá 20.000 đồng cho 1kg hàng hóa không đóng bao và không vượt quá 7 triệu đồng cho một bao, kiện hàng hóa bị tổn thất.
Cũng theo dự thảo nghị định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô theo tuyến cố định, theo hợp đồng, xe buýt, đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe để lưu giữ thông tin về hành trình, tốc độ vận hành, thời gian dừng đỗ của xe... Những thông tin này được sử dụng làm tài liệu trong quản lý hoạt động của đơn vị vận tải và cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Đối với ôtô kinh doanh du lịch, dự thảo nghị định nêu rõ “khi vận chuyển hành khách, lái xe phải mang theo chương trình du lịch và danh sách hành khách, không được bán vé ngoài danh sách”. Quy định này nhằm ngăn chặn nạn tranh thủ bán vé dọc đường, nạn bến cóc xe dù. Niên hạn sử dụng các loại ôtô được quy định: taxi không quá 12 năm, ôtô du lịch không quá 15 năm, xe buýt không quá 17 năm…
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định cho ôtô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái bên phải vào VN. Ôtô này chỉ được phép lưu hành trên lãnh thổ VN theo thời hạn quy định. Còn theo dự thảo quy định danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ như không khí dạng nén, thuốc nhuộm, rắn, dầu nóng, nhựa đường dạng lỏng... giấy phép vận chuyển những loại hàng này phải do các bộ Công an, Khoa học công nghệ, Y tế và các bộ có thẩm quyền khác cấp tùy theo loại hàng.
Theo Tuoi Tre