Thứ Bảy, 23/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 25/7/2024 9:38'(GMT+7)

Địa chỉ đỏ, nơi về nguồn đầy tự hào và xúc động của cán bộ ngành Tuyên giáo

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ.

Tạp chí Tuyên giáo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975, tổ chức ngày 24/7 tại xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đầu đề do Tạp chí đặt.

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước!

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Tây Ninh!

Kính thưa đồng chí Thống tướng Kun Kim, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Bộ trưởng cấp cao, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Campuchia, cùng các đồng chí trong Đoàn công tác của Đảng Nhân dân Campuchia!

Kính thưa các đồng chí trong Ban Liên lạc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; các đồng chí đại diện Thường trực và lãnh đạo ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận; cùng toàn thể các đồng chí!

Hôm nay, chúng ta rất trân trọng và xúc động tham dự Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975. Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi trân trọng gửi tới các đồng chí, quí đại biểu, khách quý, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tuyên giáo lời thăm hỏi chân thành và lời chúc mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc.

Kính thưa các đồng chí!

Thắng lợi của Phong trào Đồng khởi 1960 đã tạo ra bước ngoặt chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là kết quả của sự chuyển hướng đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn của Đảng. Từ phong trào Đồng khởi, cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, mở ra một giai đoạn mới, với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam đang dâng lên sôi sục, ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam (thay thế Xứ ủy Nam Bộ trước đó). Ngày 10/10/1961, tại Hội nghị lần thứ nhất, Trung ương Cục miền Nam đã chính thức thành lập bộ máy lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, đồng chí Võ Chí Công, Phan Văn Đáng (Hai Văn) làm Phó Bí thư.

Công tác tư tưởng chính trị, cổ động tuyên truyền đang đòi hỏi cấp bách phải tổ chức một bộ máy lãnh đạo với đội ngũ cán bộ tuyên huấn thích ứng với mọi tình huống trong tình hình mới, ngày 23/11/1961, Hội nghị Trung ương Cục đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nối tiếp nhiệm vụ của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục được phân công nhiệm vụ kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục.

Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được Đảng giao nhiệm vụ vừa theo dõi tình hình chính trị, tư tưởng, nghị quyết, đường lối đấu tranh chính trị, ngoại giao trong công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, rèn luyện về chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; động viên, cổ vũ mọi tầng lớp, giai cấp, các giới, các dân tộc ở khắp miền Nam đứng lên đấu tranh giữ vững thành quả cách mạng, đập tan âm mưu dồn dân vào ấp chiến lược, chia rẽ lực lượng cách mạng, phá thế kìm kẹp của địch ở nông thôn; vạch trần tội ác, âm mưu quỷ quyệt của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, nâng cao giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân; động viên toàn thể nhân dân miền Nam tiến lên tuyến đầu chống Mỹ với sự hậu thuẫn và chi viện của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sự đoàn kết, giúp đỡ của các nước láng giềng; kêu gọi những người yêu chuộng hòa bình, công lý, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Khi thành lập, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục chỉ có khoảng 150 người quy tụ chủ yếu cán bộ ở lại chiến trường sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Căn cứ yêu cầu phát triển công tác tuyên truyền vận động chính trị trong giai đoạn mới, ngày 30/1/1965, Thường vụ Trung ương Cục ra quyết định củng cố, mở rộng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục với các bộ phận Tuyên (tuyên truyền, huấn học), Văn (văn hóa, văn nghệ), Giáo (giáo dục), Báo (báo, đài phát thanh, thông tấn xã) và Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam. Lực lượng chi viện trở thành nòng cốt của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục gồm cán bộ lý luận, các nhà báo và nhiều cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp các trường đại học ở Hà Nội.

Ban Tuyên huấn Trung ương Cục đã chủ động sáng tạo, nghiên cứu tình hình, đề ra chủ trương, phương hướng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng trong và ngoài Đảng, công tác văn hóa, giáo dục quần chúng; biên soạn tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền cho cấp dưới; chỉ đạo nghiệp vụ cho ngành tuyên huấn các cấp, đào tạo cán bộ cơ sở. Đặc biệt, đã tham mưu kịp thời, sát đúng về công tác chính trị tư tưởng trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là những thời điểm bước ngoặt của cách mạng miền Nam: chống chiến tranh đặc biệt, chống chiến tranh cục bộ, chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và cách mạng miền Nam sau khi ký kết Hiệp định Paris, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4/1975.

Các đơn vị của Ban như: Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam, Trường Tuyên huấn miền Nam, Thông tấn xã Giải phóng, Tạp chí Tiền Phong (thuộc Tiểu Ban huấn học), Tạp chí Thời Sự Nhân Dân (thuộc Tiểu Ban tuyên truyền), Báo Giải Phóng, Đài Phát thanh Giải Phóng, Tiểu ban Văn nghệ và Đoàn Văn công Giải phóng, Điện ảnh Giải phóng, Xưởng phim Giải Phóng đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, có nhiều đóng góp quan trọng làm nên thành tích chung của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục.

Ban Tuyên huấn Trung ương Cục đã tham mưu và trực tiếp thực hiện nhiều hoạt động thông tin đối ngoại; đón các nhà báo, đoàn làm phim quốc tế đến phản ánh cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống kẻ thù xâm lược ở miền Nam Việt Nam.

Cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục không chỉ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng chính trị, mà còn là những chiến sĩ chiến đấu dũng cảm trên chiến trường ác liệt, bảo vệ an toàn căn cứ, đóng góp nhân lực cho lực lượng vũ trang Miền, tham gia chiến dịch, chiến đấu trên các mặt trận. Đã có 548 đồng chí hy sinh anh dũng, 353 đồng chí là thương binh; hàng trăm chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều cán bộ chuyên viên, nhà giáo, cán bộ khoa học kỹ thuật và văn nghệ sĩ được tặng các phần thưởng cao quý.

Với những thành tích đạt được, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống ác liệt của cuộc chiến tranh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 1/2015, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu dâng hương tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hoàn toàn độc lập, thống nhất và đang đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam trở thành nơi ghi dấu một thời oanh liệt; là nơi tri ân các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, những người con ưu tú của Đảng, đã chiến đấu, hy sinh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những chiến công vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; là địa chỉ đỏ, là nơi về nguồn đầy tự hào và xúc động của cán bộ ngành Tuyên giáo.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, ngày 29/12/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra ban hành Quyết định số 4245/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975.

Lễ đón nhận đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975 là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc, là niềm vinh dự, tự hào của nhiều thế hệ cán bộ ngành Tuyên giáo, thể hiện sự tri ân trước những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kính thưa các đồng chí!

Cùng tham dự buổi Lễ trang trọng và xúc động hôm nay, có các đồng chí trong Đoàn cán bộ của Đảng Nhân dân Campuchia, do đồng chí Thống tướng Kun Kim, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Campuchia làm Trưởng đoàn.

Như các đồng chí đã biết, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 24/6/1967, nhưng sự gắn bó, đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước đã được hun đúc từ những năm tháng cùng chung chiến hào, đánh bại chế độ thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, kề vai sát cánh lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, hồi sinh đất nước Campuchia. Lịch sử hào hùng của Tây Ninh và Trung ương Cục miền Nam đã minh chứng tiêu biểu về những năm tháng đoàn kết, vượt qua khó khăn, gian khổ và thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của hai nước. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống của hai dân tộc láng giềng được thử thách, tôi luyện và ngày càng khăng khít, bền chặt dưới sự chung tay vun đắp của hai Đảng, Chính phủ và Nhân dân hai nước.

Quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua giữ được đà phát triển ổn định. Trong hai ngày 12 - 13/7 vừa qua, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Campuchia. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì tiếp xúc, trao đổi thường xuyên, các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục phát huy hiệu quả; hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước.

Việt Nam luôn nhất quán quan điểm đối ngoại “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” với Campuchia. Chúng ta trân trọng tình đoàn kết, sự chung vai, sát cánh bên nhau giữa hai dân tộc trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, vì độc lập tự do, vì hòa bình, ổn định của khu vực. Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng Campuchia vun đắp mối quan hệ hai nước, hai dân tộc ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực.

Trong buổi Lễ trang trọng hôm nay, chúng ta bồi hồi tưởng nhớ các liệt sĩ là chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trong cuộc đấu tranh chống chế dộ diệt chủng Pol Pot và hồi sinh đất nước Campuchia. Chúng ta càng trân trọng hơn mối quan hệ gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong lịch sử đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước của hai nước, hai dân tộc.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đại biểu đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975.

Kính thưa các đồng chí!

Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975 là nơi ghi dấu sự kiện mang nhiều giá trị lịch sử, góp phần tích cực giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho mỗi người Việt Nam.

Để bảo tồn, lưu giữ giá trị lịch sử của Di tích, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về nội dung của Luật Di sản văn hóa, để nhân dân cùng tham gia bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Phối hợp với ngành du lịch, với các cơ quan thông tin truyền thông kết nối di tích với các di tích khác trong tỉnh, trong vùng nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới. Nâng cao chất lượng hướng dẫn tham quan để du khách và nhân dân hiểu, thẩm thấu sâu sắc hơn giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc.

Chúng ta đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975 trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, và trong không khí chuẩn bị kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, như: Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 55 Ngày mất của Người; Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 Năm Ngày Quốc phòng toàn dân; hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 80 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng nhiều ngày lễ lớn khác. Công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đang được triển khai với tinh thần khẩn trương, đầy trách nhiệm.

Trong khí thế cách mạng và các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp trên toàn quốc, để hoàn thành trọng trách lớn lao mà Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó, thời gian tới, toàn ngành Tuyên giáo cần chủ động, tích cực hơn nữa trong tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy đảng các cấp các giải pháp về công tác tuyên giáo. Làm cho công tác tuyên giáo gắn chặt và bám chắc với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, với phong trào cách mạng của quần chúng, kịp thời giải đáp đúng và trúng những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội; lan tỏa và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến; bồi dưỡng niềm tin của nhân dân vào mục tiêu, lý tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng. Khơi dậy khát vọng dân tộc; khích lệ các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, tiếp tục củng cố, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với các nước, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tạo môi trường chính trị, tư tưởng thuận lợi, góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Khu Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Từ Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia hôm nay, trong niềm tự hào về truyền thống 94 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tuyên giáo cần nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, gắn bó mật thiết với nhân dân; thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ động viên nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng, thực hiện tốt vai trò “đi trước, mở đường; đi cùng thực hiện; đi sau tổng kết” của công tác tuyên giáo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các đại biểu, khách quí luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất