Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 28/2/2016 20:56'(GMT+7)

Địa ngục trần gian

Hành lang nhà giam tại nhà tù Guan-ta-na-mô. (Nguồn: Dailymail.co.uk)

Hành lang nhà giam tại nhà tù Guan-ta-na-mô. (Nguồn: Dailymail.co.uk)

Bên trong nhà tù khét tiếng

Kể từ khi mở cửa, nhà tù tại Goan-ta-na-mô đã giam giữ 779 tù nhân, đa phần không qua xét xử. Trong số đó, 678 người đã được phóng thích hoặc chuyển sang nơi khác, 1 người bị chuyển tới Mỹ và 9 người đã chết (7 trường hợp tự tử). Hiện nay vẫn còn 91 người bị giam cầm trong đó có Mô-ha-mê-đâu Âu-đơ Xla-i (Mohamedou Ould Slahi), nghi can khủng bố, đồng thời là tác giả cuốn Nhật ký Goan-ta-na-mô.

Sau khi được xuất bản tại 13 quốc gia, Nhật ký Goan-ta-na-mô nhanh chóng được xếp vào những cuốn sách bán chạy nhất thế giới hiện nay. Cuốn sách ngay lập tức gây chấn động vì những bí mật trần trụi và tàn bạo đã được phơi bày trong đó. Được biết, chính quyền Mỹ từng liệt những ghi chép của Xla-i vào loại tuyệt mật, không cho phép bất kì sự tiếp xúc nào từ tình báo nước ngoài và được cất giữ an toàn tại Oa-sinh-tơn. Bà Nen-xi Hô-lan-đơ (Nancy Hollander), luật sư của Xla-i, đã đấu tranh pháp lý đòi quyền xuất bản cuốn nhật kí trong suốt 7 năm, cho tới khi cuốn sách được ra mắt tới độc giả Mỹ cuối tháng 1 vừa qua. Cuốn nhật kí đã được biên tập hơn 2.500 lần với tên riêng và nhiều chi tiết bị bôi đen trước khi chính thức phát hành. Xla-i trở thành tù nhân đầu tiên phát hành tự truyện khi vẫn còn đang bị giam giữ. Với 466 trang, cuốn nhật ký viết tay miêu tả chuỗi ngày kinh hoàng đầy đau đớn, nhục nhã kéo dài 13 năm mà Xla-i đã trải qua.

Thời gian bị giam ở Goan-ta-na-mô đối với Xla-i không khác gì địa ngục. Chính phủ Mỹ có hẳn một chương trình thẩm vấn dành riêng cho tù nhân này vào hè năm 2003 với các màn tra tấn tàn bạo mục đích là để cho tù nhân mất ngủ, buộc phải nhìn ánh sáng nhấp nháy liên tục, bị đánh đập, bị dìm nước, bị thẩm vấn liên tục 20 giờ đồng hồ, bị bắt trùm khăn, bị ép tiếp xúc gần gũi với các nữ nhân viên thẩm vấn, bị ép sủa và hành động như chó…

 Được biết, cuốn nhật ký được xuất bản không lâu sau khi Thượng viện Mỹ công bố báo cáo gây sốc về các chương trình tra tấn tù nhân của CIA. Tổ chức Ân xá Quốc tế (IA) cũng từng lên tiếng chỉ trích và yêu cầu Oa-sinh-tơn phải “chấm dứt việc bắt và giam giữ vô thời hạn mà không kết án” cũng như phải “mở rộng điều tra về các cáo buộc tra tấn cũng như các vi phạm nhân quyền khác đối với những đối tượng giam giữ” tại nhà tù Goan-ta-na-mô. Trong khi đó, bà Nen-xi Hô-lan-đơ cho biết: “Xla-i chưa bao giờ bị cáo buộc điều gì. Đó là chưa nói đến chuyện chính phủ không tìm thấy bằng chứng nào chống lại anh. Anh đang ở trong tình trạng pháp lý lấp lửng kinh hoàng và bi kịch”. Nói về quyển nhật ký, bà Nen-xi cho rằng đó là cuốn sách mà mọi người đều nên đọc để có thể cảm nhận, ngửi, nếm những đòn tra tấn mà Xla-i từng chịu đựng.

Rào cản

Không chỉ bị lên án vì cách đối xử tàn bạo đối với những người bị giam giữ, nhà tù nằm trong khu căn cứ quân sự của Mỹ tại Guan-ta-na-mô cũng bị chỉ trích vì chiếm đóng bất hợp pháp trên lãnh thổ Cu-ba. Guan-ta-na-mô vốn là một hải cảng nước sâu tự nhiên, nằm ở phía đông nam của Cu-ba và được bao bọc xung quanh bởi những ngọn đồi thẳng dốc, tạo thành một vùng riêng biệt cách ly khỏi vùng đất nội địa. Năm 1903, Cu-ba  và Mỹ ký “Hiệp định của các bến than và hải quân”, theo đó Mỹ được quyền xây dựng căn cứ quân sự tại Guan-ta-na-mô. Năm 1934, Cu-ba và Mỹ lại ký một điều ước cho phép căn cứ quân sự Guan-ta-na-mô của Mỹ tồn tại vô thời hạn, theo hình thức thuê đất, nếu Cu-ba muốn thu hồi phần lãnh thổ này của mình thì phải đàm phán với Mỹ.

Kể từ năm 1959, sau khi cách mạng thành công, Cu-ba dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô (Fidel Castro) cho rằng hiệp ước ký với Mỹ năm 1903 được thiết lập dựa trên sự đe dọa sử dụng vũ lực, qua đó vi phạm luật pháp quốc tế. Vào đầu những năm 1960, Chính phủ Cu-ba quyết định không thừa nhận Hiệp định năm 1903 và Điều ước năm 1934, không tiếp nhận tiền thuê đất của Mỹ; yêu cầu quân đội Mỹ phải rút khỏi Guan-ta-na-mô. Thế nhưng đến năm 1961, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cu-ba và sau đó dùng Guan-ta-na-mô để giam giữ những nghi phạm bị bắt trong “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ.

Bất chấp sự phản đối của Cu-ba, căn cứ Hải quân Mỹ ở Vịnh Guan-ta-na-mô đã trở thành căn cứ quân sự lâu đời nhất của Mỹ ở nước ngoài. Hiện nay, trong căn cứ này thường xuyên có 7.000 quân Mỹ. Chính quyền La Ha-ba-na đã nhiều lần yêu cầu Oa-sinh-tơn trả lại Guan-ta-na-mô. Mặc dù hiện nay hai nước đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro) vẫn khẳng định việc trao trả quyền kiểm soát Guan-ta-na-mô là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ song phương.

Mới đây, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã trình Quốc hội Mỹ bản kế hoạch chi tiết nhằm đóng cửa nhà tù  Goan-ta-na-mô. Đây được xem là nỗ lực cuối cùng nhằm chấm dứt sự tồn tại của cơ sở giam giữ gây tranh cãi này trước khi ông chủ Nhà Trắng rời nhiệm sở vào đầu năm 2017.

Theo giới chức Nhà Trắng, với kinh phí duy trì khoảng 450 triệu USD/năm, sự tồn tại của nhà tù Goan-ta-na-mô là quá tốn kém vì chi phí để chuyển giao tất cả tù nhân và đóng cửa cơ sở này chỉ khoảng 290-475 triệu USD. Quan trọng hơn, ông B. Ô-ba-ma cho rằng nhà tù Goan-ta-na-mô đi ngược lại các giá trị của Mỹ, làm xấu hình ảnh của Oa-sinh-tơn trong mắt bạn bè quốc tế và giảm uy tín của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố. Để đóng cửa nhà tù, Chính quyền Ô-ba-ma đề xuất 13 cơ sở trên lãnh thổ Mỹ để tiếp nhận các tù nhân tại Goan-ta-na-mô, trong đó có các cơ sở tại Nam Ca-rô-lai-na, Cô-lô-ra-đô, Can-xát cùng 6 cơ sở giam giữ trong các căn cứ quân sự Mỹ hiện nay. Các quan chức cho biết trong số 91 tù nhân còn lại tại Goan-ta-na-mô thì 34 tù nhân sẽ được chuyển tới các nước khác trong năm nay, đồng thời hy vọng 47 tù nhân khác sẽ được chuyển tới một nước thứ ba hoặc quốc gia bản địa.

Giới quan sát nhận định, Tổng thống Ô-ba-ma muốn xúc tiến kế hoạch đóng cửa nhà tù này trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1-2017, như một di sản của ông sau những năm cầm quyền. Vì vậy, ngoài mong muốn Quốc hội Mỹ sẽ tiến hành một “phiên điều trần công bằng” về đề xuất này, ông chủ Nhà Trắng cũng đang tính tới việc thực hiện một bước đi hành pháp đơn phương nhằm đóng cửa cơ sở giam giữ nhiều tai tiếng này trong trường hợp kế hoạch bị các nhà lập pháp bác bỏ./.

Hùng Hà (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất