Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã vào cuối mùa mưa song số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn tăng, chưa có dấu hiệu giảm.
Chỉ riêng trong tháng 11/2015, thành phố có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn lên 7 trường hợp.
Lý giải về vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thông thường đỉnh dịch sốt xuất huyết kết thúc vào tháng 12 hàng năm, tuy nhiên trong vòng 5 năm gần đây, đỉnh dịch sốt xuất huyết có xu hướng lùi dần, thường sang đến tháng 1-2 năm sau.
Trong khi đó, địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh rất rộng, dân cư đông đúc, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản phát triển. Mặt khác, hiện nay trung bình một tuần có một cơn mưa đã tạo thuận lợi cho lăng quăng phát triển, khó kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Ngoài yếu tố khách quan trên, việc phun hóa chất, diệt lăng quăng ở các địa phương còn khá lẻ tẻ, chưa toàn diện, cộng đồng vẫn chưa ý thức, hợp tác với y tế và chính quyền trong phòng chống sốt xuất huyết tại hộ gia đình… Điều này đã khiến các ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn chưa được kiểm soát.
Đến hết tháng 11/2015, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận trên 17.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2014. Trong số 2 ca tử vong vào tháng 11 vừa qua, có 1 trường hợp tử vong do nhập viện chậm.
Ngay trong tháng 10, Thành phố Hồ Chí Minh đã phân loại các phường, xã trọng điểm để tập trung phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên đến nay vẫn còn 86 phường, xã trong tình trạng báo động có ổ bệnh kéo dài với 6-15 ca bệnh mắc mới mỗi tuần, chiếm hơn 70% số ca bệnh trên toàn thành phố.
Trước tình hình này, Sở Y tế thành phố đã yêu cầu các phường, xã tiếp tục khoanh vùng ổ bệnh, tập trung nhân lực phun hóa chất, diệt lăng quăng trên diện rộng; đồng thời, tích cực giám sát các ổ bệnh cũ, xử lý những nơi mới xuất hiện ổ bệnh, giám sát dịch bệnh trong trường học./.
Theo VN+