Ngày 29/10, tại Quảng Ninh, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Hội
nghị sơ kết 4 năm thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng
cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
Ngày 22/7/2011, Thủ
tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1215 phê duyệt Đề án trợ giúp
xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí
dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020. Đề án là khung tổng thể, định
hướng về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người
rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trong giai đoạn 2011 - 2020.
Sau 4 năm triển khai,
hiện cả nước đã có 31 Trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức
năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Một số tỉnh, thành
phố đã thí điểm xây dựng mô hình lao động trị liệu và phục hồi chức năng
luân phiên cho người tâm thần nặng, mô hình kết hợp tư vấn, trị liệu
tâm lý và các dịch vụ công tác xã hội với điều trị y tế đề phòng và trị
liệu rối nhiễu tâm trí... Tuy nhiên, cùng kết quả đã đạt được, quá trình
triển khai Đề án cũng đã bộc lộ nhiều điểm tồn tại, hạn chế cần khắc
phục như: Mạng lưới các cơ sở hiện nay thiếu về số lượng, yếu về chất
lượng; nhiều cơ sở chưa phân loại đối tượng, chưa phân khu chăm sóc và
phục hồi chức năng cho đối tượng hợp lý; cơ sở thiếu các dịch vụ tư vấn,
trị liệu tâm lý, lao động trị liệu, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng
và trợ giúp các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng….
Tại hội nghị, các đại
biểu cho rằng: Hiện nay, số người bị rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam ước
tính khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người, trong đó số người
tâm thần nặng khoảng 200.000 người; số người tâm thần có xu hướng gia
tăng đặc biệt là các thành phố, đô thị lớn.
Vì vậy, việc trợ giúp
xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí
là một thách thức lớn và là gánh nặng đối với cộng đồng và toàn xã hội,
cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội./.
(Theo: VOV)