Đồi A1 nay là điểm tham quan thu hút đông đảo du khách.
Tuổi gần 90, mắt mờ và chân cũng yếu, nhưng ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ và trận đánh đồi A1 trong tâm trí ông Phạm Bá Miều - chiến sĩ Điện Biên như còn vẹn nguyên. Kể lại diễn biến bốn cuộc tiến công vào đồi A1, bắt đầu từ ngày 30-3-1954 và kết thúc vào 4 giờ 30 phút sáng 7-5-1954, cựu chiến binh (CCB) Phạm Bá Miều phải nhiều lần ngưng chuyện vì xúc động, nước mắt cứ lã chã tuôn rơi. Sau 38 ngày đêm chiến đấu liên tục, tại đây, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu bốn tiểu đoàn quân tinh nhuệ, đánh thiệt hại nặng ba tiểu đoàn quân cơ động, diệt và bắn bị thương nhiều xe tăng, xe cơ giới của địch. Chiến thắng trên đồi A1, quân ta tiếp tục tiến sang đánh địch tại Trung tâm tập đoàn cứ điểm, bắt sống tướng Đờ Cát cùng toàn bộ quân của y tại đây. “Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi nhưng rất nhiều đồng đội của tôi mãi nằm lại nơi này!”… Nói chưa hết lời, ông Miều lại bưng mặt khóc. Khóc vì xúc động, nỗi nhớ thương đồng đội đè nén tâm can ông suốt mấy chục năm qua, để rồi năm lại năm, mỗi khi đến dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ ông lại xúc động, bồi hồi…
Với CCB Phạm Đức Cư, ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên thì kỷ niệm kéo pháo gian khổ sẽ đi theo suốt cả cuộc đời. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông được lệnh kéo pháo vào trong lòng chảo Mường Thanh, tiếp cận và khống chế địch trên vùng trời Điện Biên. Những ngày cùng đồng đội kéo pháo xuyên rừng, qua sông, qua suối, qua những con dốc dựng đứng bên vực sâu, đơn vị của ông làm gần như quên ăn, quên ngủ. Sau chín ngày kéo pháo với khoảng cách hơn 10 cây số, quân ta đã đưa pháo vào trận địa ngay sát đồi Độc Lập, thì bất ngờ nhận lệnh kéo pháo ra tập kết tại địa điểm cũ, thay đổi cách đánh từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Quãng đường kéo pháo ra gian khổ nhưng người nào người ấy vẫn chắc dây kéo pháo, không ai rời vị trí. Trên đường kéo pháo ra, qua dốc Chuối nghiêng khoảng 70 độ, dây tời bị đứt, pháo theo đà lao xuống vực, đồng chí Tô Vĩnh Diện đã lao vào giữ pháo. Kết quả là, pháo được cứu đưa về địa điểm tập kết an toàn nhưng đồng chí Tô Vĩnh Diện đã hy sinh khi tuổi vừa 26, mái tóc còn xanh. Tấm gương hy sinh của Khẩu Đội trưởng Tô Vĩnh Diện đã tiếp thêm nghị lực, nhiệt huyết cho ông Cư và đồng đội tiếp tục với trận chiến đầy cam go.
Trong ký ức của các CCB như: Phạm Bá Miều, Hoàng Văn Bẩy, Nguyễn Hữu Chấp, Nông Văn Khầu…, kỷ niệm về trận đánh Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo… trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vẫn vẹn nguyên. Với các ông, trận đánh nào cũng cam go khốc liệt; trận đánh nào cũng rất đỗi hào hùng và nhiều mất mát hy sinh.
Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.
Tiếp nối truyền thống hào hùng của chiến sĩ Điện Biên, 64 năm qua, trên nền chiến trường Điện Biên Phủ đã có lớp lớp những con người nỗ lực dựng xây. Trong những thế hệ ấy, có hàng nghìn thanh niên từ khắp các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình… xung phong lên Điện Biên xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm - công trình thủy lợi đầu tiên, duy nhất, hiện đại nhất tỉnh Lai Châu (cũ) nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung lúc bấy giờ. Trong suốt sáu năm thi công công trình (từ năm 1963 đến 1969), gần hai nghìn thanh niên xung phong với các phương tiện thô sơ làm việc liên tục đã hoàn thành xây dựng một đập ngăn sông, một tường chắn sóng, đào đắp một kênh chính gần 1 km và hệ thống kênh tả, kênh hữu dài 34 km, ôm trọn lòng chảo Mường Thanh có cánh đồng Nhất Thanh trong khu vực Tây Bắc. Nhờ có Đại Thủy nông Nậm Rốm, diện tích canh tác trên cánh đồng Mường Thanh được mở rộng từ 2.000 ha lên hơn 5.000 ha; nông dân Điện Biên tăng từ sản xuất một vụ thành hai vụ lúa nước và một vụ rau màu; có những diện tích đạt năng suất 10 tấn/ha. Năng suất vượt trội, chất lượng gạo trên cánh đồng Mường Thanh giờ cũng nức tiếng gần xa.
Trên con đường từ cầu A1 mới đến xã Noong Luống, huyện Điện Biên, chạy giữa cánh đồng Mường Thanh, có các nhánh đường dẫn vào các xã: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn và Thanh Yên. Đường nào cũng thẳng tắp được trải nhựa phẳng lỳ, nhưng trong số đó thì đường dẫn vào xã nông thôn mới Thanh Chăn mang một sắc thái riêng. Là một trong 11 xã điểm trong cả nước được thực hiện nông thôn mới, những năm qua, cùng với sự quan tâm vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Thanh Chăn đã dồn bao tâm huyết cho công cuộc dựng xây nông thôn mới. Để cuối năm 2016, Thanh Chăn trở thành xã đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên được công nhận Xã nông thôn mới. Đến Thanh Chăn những ngày này, chúng ta dễ dàng nhận thấy diện mạo của một vùng quê thanh bình, đầm ấm được tô điểm những nụ cười rạng rỡ của mỗi người dân; ai ai cũng hồ hởi, vinh dự, tự hào được góp sức trên chặng đường xây dựng nông thôn mới Thanh Chăn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Cà Văn Pánh, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn phấn khởi, cho biết: Từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, diện mạo của xã Thanh Chăn đã khác hẳn, kinh tế - xã hội có sự phát triển vượt bậc, nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh. Thu nhập bình quân của xã tăng gấp ba lần; từ 6,9 triệu đồng/người/năm (năm 2009) lên hơn 21 triệu đồng/người/năm (năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,7% (năm 2011) xuống còn 9% (năm 2017). Kết quả đạt được từ thực hiện chương trình nông thôn mới ở Thanh Chăn là nền tảng cơ bản để Điện Biên tiếp tục thực hiện chương trình với mục tiêu cụ thể: mỗi năm có thêm từ năm đến bảy xã đạt nông thôn mới. Và con số 13 xã đạt chuẩn, ba xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Điện Biên thời điểm này cũng phần nào cho thấy quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân Điện Biên trong thực hiện chương trình quốc gia nhiều ý nghĩa này.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - điểm tham quan hấp dẫn du khách trong lòng thành phố Điện Biên Phủ.
Là người con của dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở Điện Biên, trải qua nhiều cương vị công tác và cũng là người chứng kiến bao thăng trầm của mảnh đất Điện Biên lịch sử, ông Mùa A Sấu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (cũ), là người thấm hơn ai hết những thành quả mà Điện Biên đạt được. “Vui mừng với Chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng không được ngủ quên trên chiến thắng, mà mỗi người càng phải tích cực hơn trên trận chiến chống cái đói, cái nghèo. Nhớ lời Bác dạy, tôi và đồng chí của tôi thời kỳ ấy đã tìm đủ mọi cách tuyên truyền, vận động nhân dân, cùng nhân dân bắt tay vào công cuộc xây dựng, kiến thiết”, ông Mùa A Sấu đã tâm sự như thế.
Nhắc về thành quả hôm nay của Điện Biên, ông Mùa A Sấu vô cùng vui mừng khi điểm tên từng mục: điện, đường, trường, trạm ở vùng thấp, vùng cao được đầu tư khang trang đồng bộ; Điện Biên thoát khỏi diện tỉnh đặc biệt khó khăn, nằm vào top các tỉnh trung du và miền núi phía bắc phát triển trung bình; kinh tế - xã hội phát triển ổn định và sáu mươi tư năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân luôn thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới quốc gia. Điều đó là thành quả quan trọng góp phần đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân Điện Biên nói riêng và nhân dân trên dải đất hình chữ S nói chung.
Mới hôm qua thôi, ngày 6-5, cuộc hội ngộ của 600 cựu chiến sĩ Điện Biên và cựu thanh niên xung phong tại Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh đã như làm “nóng” hơn tinh thần người chiến sĩ năm nào. Dẫu bây giờ tuổi cao, sức lại không nhiều, nhưng trái tim nóng trong lồng ngực của những người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho mảnh đất Điện Biên lại rung lên nhịp đập xung phong. Xưa xung phong trên mặt trận chiến đấu, sản xuất, nay họ xung phong trong cuộc sống đời thường. Sống giản dị thanh tao, sống làm gương cho con cháu, bản làng; sống để tiếp thêm niềm tin, nhiệt huyết cho lớp lớp thế hệ con cháu - thế hệ những người được Đảng, Bác Hồ và cha ông vun đắp, chăm lo. Bởi thế mà buổi hội ngộ không đơn thuần chỉ là hội ngộ, mà còn là “lễ” bàn giao truyền thống giữa người lính Điện Biên cho con cháu để hôm nay và mai sau, thế hệ trẻ Điện Biên tiếp bước cha ông trên hành trình xây dựng Điện Biên phát triển bền vững, đẹp giàu nơi vùng đất cực tây xa xôi…
Điện Biên, sáng 7-5-2018.
Bài, ảnh: Lê Lan/ Nhân Dân