Việc sửa đổi
Bộ luật Hình sự cần được triển khai trên cơ sở đổi mới tư duy về chính
sách hình sự, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tăng tính hướng thiện trong
việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các
quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận
trong Hiến pháp năm 2013 cũng như bảo đảm thực thi các Công ước quốc tế
mà Việt Nam là thành viên.
“Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự trong bối cảnh triển khai thi hành
Hiến pháp 2013” là chủ đề của Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật
lần thứ hai năm 2014, diễn ra sáng 22/10, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng và Giám đốc quốc gia Chương trình
phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam bà Louise Chamberlain đồng
chủ trì Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nêu rõ việc sửa đổi
Bộ luật Hình sự cần được triển khai trên cơ sở đổi mới tư duy về chính
sách hình sự, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tăng tính hướng thiện trong
việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các
quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận
trong Hiến pháp năm 2013 cũng như bảo đảm thực thi các Công ước quốc tế
mà Việt Nam là thành viên.
Bà Louise Chamberlain lưu ý ba thách thức chính nổi lên từ quá trình
Kiểm điểm định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) đối với công tác cải
cách hệ thống tư pháp hình sự để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Những thách thức này bao gồm giảm số tội phạm bị kết án tử hình, thực
hiện các điều khoản của Công ước phòng chống tra tấn và thực hiện các
biện pháp nhằm đảm bảo Bộ luật Hình sự tôn trọng quyền con người của tất
cả công dân Việt Nam.
"Tiến bộ trong các lĩnh vực này cùng với những nỗ lực củng cố các thể
chế chính, sẽ giúp bảo vệ sự an toàn và an ninh cho người dân Việt Nam
và tăng cường sự ổn định của một xã hội pháp trị,” bà Louise Chamberlain
nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, đại diện Bộ Tư pháp trình bày các chính sách lớn và các
giải pháp sửa đổi Bộ luật Hình sự, đại diện Tòa án nhân dân tối cao
trình bày về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Các chuyên gia quốc tế
của UNDP đã bình luận, bổ sung ý kiến và trình bày các khuyến nghị đã
được nêu trong Báo cáo của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc liên
quan đến Bộ luật Hình sự.
Cùng với các luật gia Việt Nam, đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc
đã bổ sung ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự trong mối
quan hệ với các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bộ luật Hình sự là một đạo luật lớn, rất quan trọng của Nhà nước Việt
Nam. Đại diện của Bộ Tư pháp cho biết việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình
sự lần này hướng tới mục tiêu xây dựng một Bộ luật Hình sự có chất
lượng và tính khả thi cao, có tính dự báo, tạo cơ sở pháp lý sắc bén để
đấu tranh hữu hiệu phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền
công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển nền kinh
tế thị trường, bảo đảm mọi người được sống trong một môi trường xã hội
an toàn, lành mạnh.
Bộ luật Hình sửa được sửa đổi, bổ sung dựa trên các định hướng lớn gồm
giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình
phạt không mang tính giam giữ; hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử
hình; mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự;
hoàn thiện hơn nữa chính sách hình sự liên quan.
Mở rộng nguồn của pháp luật hình sự một cách hợp lý theo hướng, một số
tội phạm cụ thể có tính chất đặc thù cao và hình phạt với các tội phạm
đó có thể được quy định trong các luật chuyên ngành để bảo đảm tính kịp
thời và linh hoạt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bên cạnh đó, cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự đối với các
pháp nhân kinh tế, trên cơ sở nghiên cứu, xác định rõ những vấn đề cụ
thể có liên quan, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam và có tính khả
thi...
Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật được tổ chức trong khuôn khổ Dự
án hợp tác giữa Việt Nam và UNDP "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ
quyền tại Việt Nam."
Đây là sự kiện quan trọng thu hút sự tham gia của đại diện Chính phủ và
các đối tác phát triển thảo luận về những ưu tiên chủ chốt trong chương
trình cải cách luật pháp và tư pháp ở Việt Nam./.
TTX