Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 25/5/2017 23:12'(GMT+7)

Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017”

Quang cảnh buổi tọa đàm (Ảnh DP)

Quang cảnh buổi tọa đàm (Ảnh DP)

Sáng ngày 25-5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017”.

Tham dự tọa đàm có khoảng 200 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp có thành tích cao trong hoạt động phát triển thị trường, các nhà phân phối, các nhà nghiên cứu, các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính và các học giả,…

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với dân số đông thứ ba ở khu vực Đông Nam Á, gần 70% dân số thuộc độ tuổi lao động (16-60 tuổi), Việt Nam là thị trường lớn của ngành hàng tiêu dùng và có sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp. Năng lực mua sắm của Việt Nam đang tăng lên mỗi ngày.

Với những tiện ích về cơ sở hạ tầng cũng như kết nối xã hội thuận tiện khiến hành vi tiêu dùng thay đổi, dẫn đến người tiêu dùng có xu hướng mua hàng đa kênh sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Dự đoán và nhận định của tất cả các hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu cho thấy, giai đoạn 2017-2025 số lượng khách hàng tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Quan trọng hơn là thị trường bán lẻ trực tuyến trong thời gian tới sẽ có sự tham gia của đa dạng người mua, người bán.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS, TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, diễn đàn là cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu kinh tế trao đổi thông tin, đánh giá cơ hội thị trường tiêu dùng Việt Nam, thảo luận về các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thị trường nhằm mục tiêu phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, dẫn lời nhận định của Kênh thông tin kinh tế và tài chính Mỹ (CNBC) khi phân tích về triển vọng của thị trường thương mại điện tử cho rằng, 6 nền kinh tế lớn trong khối ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand và Việt Nam sẽ là điểm sáng tiếp theo của thị trường thương mại điện tử toàn cầu. Hiện nay, trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì Trung Quốc và Ấn Độ là thị trường thuonwg mại điện tử phát triển nhanh nhất thế giới.  Việt Nam và một số nước châu Á khác là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines được dự đoán sẽ sớm gia nhập vào hàng ngũ này trong những năm tới.

Theo phân tích của CNBC, 6 nền kinh tế lớn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang được hưởng lợi từ các nguyên tắc cơ bản của thị trường và sẽ sớm trở thành tâm điểm quốc tế về thương mại điện tử. Các chuyên gia dự báo doanh thu bán lẻ trực tuyến của 6 quốc gia này sẽ tăng 34,5 tỷ USD vào năm 2018 so với con số khiêm tốn 7 tỷ USD năm 2013.

Thông qua nhận định, các chuyên gia tại Diễn đàn cũng cho rằng, hiện Việt Nam đang được đánh giá là thị trường bán lẻ trực tuyến có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, nhiều người mua sắm trực tuyến dường như là người mua lặp lại và tần suất đặt mua hàng trung bình được thực hiện trong mỗi thị trường được nghiên cứu là hai hoặc nhiều hơn. Tại một số thị trường tiêu dùng tiên tiến như Singapore, tần suất mua hàng lặp lại trung bình là hơn bốn và tại Việt Nam tần suất mua trực tuyến có thể hơn 3.

Đa số các đại biểu tham dự tọa đàm đều cho rằng, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả cơ chế, chính sách quản lý của nhà nước cũng cần thay đổi để vừa tạo điều kiện thuận lợi, vừa ngăn chặn các tiêu cực phát sinh. Vì người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm trực tuyến tạo bước ngoặt lớn về phát triển thị trường. Thậm chí, nhiều tập đoàn lớn về phân phối cũng chao đảo, chưa nói đến các doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp Việt nam muốn tồn tại và phát triển phải thay đổi cung cách bán hàng hiện đại. Quản lý nhà nước cũng phải thay đổi rất nhiều. Hiện Việt Nam vẫn thất thu thuế rất lớn trong thương mại điện tử. Cơ chế chính sách và cung cách quản lý cần phải thay đổi, không thể chỉ ngồi bàn giấy chờ người ta đến báo cáo. Nếu không quản lý, kiểm soát được sẽ thất thu rất lớn./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất