Ngày 6/9, Trung tâm Habibi của Indonesia phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại
Indonesia tổ chức diễn đàn mở với chủ đề “Phán quyết Biển Đông - những
vấn đề đặt ra về pháp lý và chính trị.”
Tham dự diễn đàn có đông đảo các đại biểu, các chuyên gia, các nhà
nghiên cứu và đại diện một số đại sứ quán nước ngoài tại Jakarta. Mục
tiêu của diễn đàn mở này nhằm xác định các tác động pháp luật và chính
trị từ phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) đối với Indonesia
và Mỹ; xem xét vị trí của Indonesia và Mỹ sau phán quyết; ảnh hưởng của
vấn đề này đến mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực…
Phát biểu tại diễn đàn, ông Aaron Jensen, Phó tham tán chính trị, Đại sứ
quán Mỹ tại Jakarta bày tỏ mong muốn các bên liên quan tuân thủ phán
quyết của Tòa Trọng tài, tuân thủ luật quốc tế, không làm phức tạp tình
hình, không tiến hành quân sự hóa các đảo tranh chấp.
Theo ông Jensen, các quốc gia cần phải đảm bảo duy trì tự do, an ninh
hàng hải tại Biển Đông, bởi đây là tuyến đường biển quan trọng nhất thế
giới.
Trong khi đó, các đại biểu cho rằng, lập luận pháp lý của Trung Quốc đối
với các quyền hàng hải ở Biển Đông là rất yếu và lỏng lẻo bởi khoảng
cách từ Trung Quốc đại lục đến vùng biển yêu sách chủ quyền xa hơn rất
nhiều so với bất kỳ nước láng giềng nào.
Trung Quốc đã chứng tỏ sự vô lý khi tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông (80%) với cái gọi là "đường lưỡi bò".
Các đại biểu cũng đề cập đến các vấn đề như Indonesia là quốc gia có vai
trò quan trọng ở Đông Nam Á, có thể có ảnh hưởng đến phản ứng của các
nước ASEAN khác đối với một số vấn đề quan tâm của khu vực; phán quyết
cần phải được tôn trọng; các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết nhằm đạt
được những mục tiêu chung./.
(TTXVN)