Thứ Tư, 2/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 16/6/2012 13:24'(GMT+7)

Diễn đàn Quốc hội: Chuyện “nóng” và thông điệp mạnh

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trong hai ngày rưỡi, 4 bộ trưởng và 10 thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn và báo cáo thêm trước Quốc hội toàn diện các vấn đề kinh tế, xã hội. Hơn 160 câu hỏi được gửi đến 19 bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo Chính phủ. Tại hội trường, đã có hàng trăm câu hỏi của các đại biểu Quốc hội trực tiếp chất vấn, tham gia thảo luận, trao đổi.

Hàng loạt vấn đề quốc kế dân sinh đặt ra, từ việc điều hành vĩ mô đến những vấn đề gắn bó với cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người dân. Từ vấn đề chung của cả nước đến vấn đề riêng của địa phương, của từng giới, từng ngành cũng được gửi gắm vào phiên chất vấn.

Đất đai là vấn đề “nóng” khi pháp luật về lĩnh vực này còn nhiều bất cập; chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng chưa phù hợp (mà như nhiều đại biểu phản ánh), là nguyên nhân của trên 70% số vụ khiếu nại, tố cáo, là nguyên nhân gây bất ổn xã hội và làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Và hiện nay cả nước còn 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

Vấn đề đầu tư công còn dàn trải, cơ chế “xin - cho” vẫn hiện hữu. Chủ trương cắt giảm đầu tư công để hạn chế lạm phát cũng làm cho nhiều công trình dang dở, bỗng trở thành lãng phí không đáng có.

Rồi câu chuyện xóa độc quyền về điện đã kéo dài, nên không ít đại biểu băn khoăn chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương: “Lộ trình mà Bộ Công thương đưa ra kéo dài tới 17 năm liệu có thể rút ngắn hơn được không? Làm gì để khắc phục hạn chế, thiếu an toàn của các công trình thủy điện? Biện pháp nào khắc phục tình trạng thương lái nước ngoài tung hoành ngay tại thị trường trong nước…?”

Vấn đề tuyển dụng, quản lý, bổ nhiệm cán bộ công chức cũng thực sự “nóng” khi đại biểu quốc hội chất vấn về kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, chất lượng hiệu quả công việc chưa cao; một bộ phận cán bộ, công chức quan liêu, cửa quyền, hành dân, tham nhũng làm cản trở công cuộc cải cách hành chính.

Riêng việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng (người có nhiều sai phạm trong vụ thất thoát tại Vinalines) làm Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam, hai bộ trưởng cùng trả lời chất vấn về nội dung có liên quan. Bộ trưởng bộ Giao thông – vận tải Đinh La Thăng nhận trách nhiệm và xin được rút kinh nghiệm sâu sắc, kiểm điểm nghiêm túc trong việc đánh giá, quản lý cán bộ.

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã chỉ đạo cơ quan điều tra xác định làm rõ, nếu có dấu hiệu lộ, lọt thông tin để ông Dương Chí Dũng bỏ trốn thì xử lý theo pháp luật, đồng thời kiểm điểm nghiêm túc về mặt nghiệp vụ.

Có những câu chuyện dường như không mới - “biết rồi, nói mãi”, nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của cử tri. Chẳng hạn, tình trạng mãi lộ của một bộ phận cảnh sát giao thông chưa giảm; chuyện đào tạo tràn lan; chuyện đầu tư cho tam nông còn chậm, dàn trải, thiếu đồng bộ; chuyện lãng phí tại các công trình công cộng; chuyện chống tham nhũng làm sao cho hiệu quả...

Nhưng, có vấn đề lại rất gần gũi, thiết thực mà qua chất vấn mới thấy rõ những bất cập hiện hành. Ví dụ, việc quản lý sim điện thoại trả trước không tốt khiến nhiều người phải phiền toái vì tin nhắn rác; chuyện hạn mức số lượng doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo ảnh hưởng tới doanh nghiệp và nông dân, thậm chí chuyện “liệu năm nay còn cắt điện trên diện rộng nữa không?” cũng được bàn thảo trên nghị trường Quốc hội và được trả lời, trao đổi thỏa đáng.

Đó là những vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của cử tri và dư luận.

Đối với điều hành kinh tế vĩ mô, các đại biểu và cử tri cả nước theo dõi phiên chất vấn thấy yên tâm khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Với các giải pháp đồng bộ của Chính phủ, nếu thực hiện tốt, chúng ta vẫn có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra trong năm nay (GDP tăng 6%, lạm phát từ 7 đến 8%). Dứt khoát không để lạm phát quay trở lại”.

Đó là thông điệp mạnh mẽ mà Chính phủ muốn gửi tới người dân cả nước.

Lần đầu tiên, Quốc hội bàn thảo, mổ xẻ, phân tích, chất vấn về việc thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế theo tờ trình của Chính phủ. Tái cơ cấu là chuyện vĩ mô, có thể khó hiểu với không ít cử tri. Song, việc Đề án có thành công hay không lại liên quan trực tiếp đến miếng cơm manh áo, đến việc làm và đời sống của hàng triệu người dân.

Theo các đại biểu quốc hội, vấn đề quan trọng là làm thế nào để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, từ người dân đến các doanh nghiệp, địa phương, các cơ quan nhà nước và mỗi cán bộ, công chức trong việc thực thi Đề án này.

Cử tri và nhân dân cả nước có quyền đòi hỏi các bộ trưởng, thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm túc lời hứa của mình. Đó là bổn phận, trách nhiệm của những “tư lệnh” ngành mà cử tri đã tin tưởng, gửi gắm khi bỏ lá phiếu của mình./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất