Thứ Bảy, 23/11/2024
Y tế - Dân số
Chủ Nhật, 28/6/2020 10:4'(GMT+7)

Điều trị sốt xuất huyết tại nhà: Chủ quan dễ gây biến chứng nặng

Cho đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu. Trong thời gian đầu mắc bệnh, các triệu chứng lâm sàng của bệnh giống với các bệnh sốt virus thông thường, do vậy người dân rất dễ chủ quan không điều trị hoặc tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến bệnh trở nặng.

Triệu chứng bệnh gồm sốt cao và xuất huyết, các biểu hiện nhẹ thường gặp là sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi người… Những trường hợp nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm, người bệnh chủ quan, rất dễ bị biến chứng nặng. Các trường hợp nặng có thể dẫn tới sốc, suy tạng, thậm chí tử vong.

Bộ Y tế khuyến cáo, nếu có biểu hiện sốt cao nghi ngờ sốt xuất huyết, người dân cần đi khám, xét nghiệm để được phát hiện, điều trị sớm, hạn chế các biến chứng; đồng thời có các biện pháp để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng. Hiện nay phác đồ điều trị sốt xuất huyết đã được phổ biến rộng rãi tại các tuyến y tế cơ sở. Người dân có thể đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

SAI LẦM CẦN TRÁNH KHI ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ

Các chuyên gia cho rằng, tuyệt đối không cạo gió, cắt lể khiến tình trạng xuất huyết ngoài da nặng hơn, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng.

Không được dùng các loại hạ sốt liều cao là Ibuprofen, Aspirin thay thế Paracetamol. Người bị sốt xuất huyết dễ chảy máu đường tiêu hóa, các thuốc này càng gây viêm loét dạ dày tá tràng, khiến nguy cơ chảy máu ồ ạt, tổn thương gan.

Trẻ dưới 6 tuổi sốt hay bị co giật, phụ huynh tuyệt đối không lau mát bằng nước đá lạnh hoặc cồn. Cách này không hạ sốt mà còn làm co mạch máu, phỏng rộp da. Chỉ nên lau bằng nước ấm thấp hơn 2 độ C so với nhiệt độ cơ thể. Lau ở các vùng mạch máu lớn như hai bên cổ, hai bên nách, trán. Lau thường xuyên khoảng 15-30 phút, hạ sốt thì ngừng lại.

Không ăn uống thực phẩm có màu đen, đỏ, nâu như cháo huyết, chocolate, nước xá xị... Khi nôn, đi cầu, dịch có màu đỏ khiến khó phân biệt với xuất huyết tiêu hóa.

Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, trong đó paracetamol và các biệt dược của paracetamol là loại được khuyến cáo dùng để hạ sốt, giảm đau trong điều trị sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bệnh nhân không được tự ý dùng những thuốc hạ sốt, giảm đau chống chỉ định với bệnh sốt xuất huyết như: Aspirin, mefenamic acid, ibuprofen... Tuy những thuốc này có chức năng hạ sốt nhưng lại có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu, khi dùng để điều trị sốt xuất huyết sẽ gây kích ứng xuất huyết dạ dày dữ dội, giảm tiểu cầu, khó cầm máu khi bị xuất huyết, có thể rối loạn đông máu.

Bên cạnh đó, người mắc sốt xuất huyết không nên tự ý truyền dịch tại nhà. Việc truyền dịch tùy tiện, nhất là trong giai đoạn hồi phục của sốt xuất huyết sẽ rất nguy hiểm vì có thể gây thừa dịch, phù phổi hoặc suy tim.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân sốt xuất huyết cần uống nhiều nước bù điện giải như oresol, nước trái cây… Tuy nhiên, khi pha oresol, cần chú ý pha đúng liều lượng, nếu pha ít nước hơn so với hướng dẫn dễ dẫn đến tình trạng rối loạn nước điện giải. Đặc biệt, bệnh nhân cũng không nên uống quá nhiều trong giai đoạn hết sốt, dễ gây hiện tượng thừa nước, có thể dẫn đến phù phổi cấp.

Phong Duy

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất