Chủ Nhật, 22/9/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 21/11/2012 14:47'(GMT+7)

Định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Ngày 21/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đánh giá sau 5 năm thi hành Luật Công chứng, những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là đúng đắn, tạo điều kiện cho việc phát triển tổ chức và hoạt động công chứng của Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hóa. Hoạt động công chứng đã trở thành một trong những dịch vụ công có vai trò tăng cường bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cũng nêu rõ những hạn chế, bật cấp. Đó là đội ngũ công chứng viên tuy đông những chất lượng chưa đồng đều dẫn đến việc công chứng trong một số trường hợp chưa thực sự chính xác, khách quan. Mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng chưa phát triển rộng khắp trong toàn quốc mà chỉ tập trung tại những tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế- xã hội phát triển; tổ chức của một số Văn phòng công chứng còn chưa chặt chẽ... Nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, bất cập này là do sự chưa hoàn thiện của các quy định pháp luật về công chứng. Cụ thể là các quy định của Luật hiện hành về tổ chức, hoạt động và quản lý Nhà nước về công chứng còn chưa đầy đủ, cụ thể; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chứng viên chưa phù hợp...

Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết, định hướng xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng xác định về cơ bản vẫn giữ nguyên đối tượng, phạm vi và những nội dung cơ bản của Luật hiện hành. Dự án Luật công chứng chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề thật sự bất cập, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động công chứng hiện nay; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về công chứng. Dự án Luật dự kiến sửa đổi 14 Điều và bổ sung từ 8 đến 10 Điều mới so với Luật hiện hành.

Về vị trí pháp lý của văn bản công chứng, dự án Luật quy định văn bản công chứng có giá trị thi hành ngay và bắt buộc với các bên tham gia nhằm giúp nâng cao giá trị của hoạt động công chứng và khẳng định rõ nét hơn vai trò của công chứng viên. Tuy nhiên vẫn còn những ý kiến băn khoăn vì quy định này chưa thật sự phù hợp trong điều kiện phát triển tổ chức, hoạt động công chứng và chất lượng của đội ngũ công chứng viên Việt Nam hiện nay. Dự án Luật bổ sung quy định những hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng nhằm tập trung các quy định về vấn đề này về một đầu mối. Cũng có ý kiến cho rằng quy định này chưa phù hợp vì Luật công chứng chỉ quy định về tổ chức và hoạt động công chứng, việc loại hợp đồng, giao dịch nào phải công chứng là do các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định... Đóng góp ý kiến về tiêu chuẩn công chứng viên, Phó Chủ tịch hội Công chứng TP Hà Nội Đào Nguyên Khải đề nghị cần quy định có thời gian công tác pháp luật liên tục từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức. Đối với tiêu chuẩn "có sức khỏe bảo đảm hành nghề công chứng" cần bổ sung thêm quy định giới hạn về độ tuổi để hành nghề công chứng. Đại biểu đề xuất quy định từ 28 tuổi đến không quá 70 tuổi vì sinh viên tốt nghiệp Đại học Luật đã 23 tuổi cộng thêm 5 năm công tác pháp luật là 28 tuổi. Đối với người nghỉ hưu, quy định độ tuổi nghỉ hưu hiện nay là 55 tuổi (nữ) và 60 tuổi (nam), nếu tiếp tục hoạt động công chứng thì cộng thêm không quá 10 năm nữa là hợp lý, kéo dài thời gian hơn sẽ khó đảm bảo sức khỏe cho công việc..../.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất