(TCTG)-Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chỉ rõ một số lý do vì sao án tồn đọng còn nhiều, khó giải quyết cũng như việc chưa triển khai thực hiện án tử hình bằng thuốc độc tại phiên thảo luận về công tác phòng, chống tôi phạm.
Thi hành án dân sự và thi hành án hình sự là khâu cuối cùng trong hoạt động tố tụng và cũng là khâu cuối cùng để thực thi công lý của đất nước. Công tác tư pháp nói chung và công tác thi hành án nói riêng, vốn được thực hiện chậm hơn so với lĩnh vực lập pháp và lĩnh vực hành chính. Trong đó có việc đầu tư xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện hoạt động cho các cơ quan thi hành án hình sự, dân sự theo đúng tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.
Về công tác thi hành án dân sự. Về số việc và tiền phải thi hành còn nhiều, trong năm 2012 không hoàn thành chỉ tiêu giảm án chuyển kỳ sau thì đây là một thực tế mà Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận trong Báo cáo trình Quốc hội. Tuy nhiên, kể từ khi thi hành Luật thi hành án dân sự đến nay công tác thi hành án đã có những chuyển biến cơ bản và có sự bền vững, các cơ quan thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành số lượng lớn những vụ việc và tiền phải thi hành án, kết quả năm sau cao hơn năm trước và giảm đáng kể số việc chuyển sang kỳ sau.
Năm 2010, tổng số việc phải thi hành là 615.411 việc và qua phân loại có 406.846 việc có điều kiện thi hành, chiếm 66,12%. Kết quả thi hành án đã thi hành xong 351.373 việc đạt tỷ lệ 86% số việc có điều kiện thi hành. Tổng số tiền phải thi hành là 30.698 tỷ đồng và qua phân loại số có điều kiện thi hành là 10.368 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 33,78%, đã thi hành 8.301 tỷ đồng đạt tỷ lệ 80% so với số việc có điều kiện thi hành và số chuyển cho kỳ sau là 247.103 việc. Năm 2011 tổng số việc phải thi hành là 632.545 việc, tăng 17.134 việc so với năm 2010 và kết quả phân loại án có 431.479 việc có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ 68.29% tăng 2,17% so với năm 2010. Số tiền phải thi hành là 43.219 tỷ đồng tăng 7.803 tỷ đồng so với năm 2011, tổng số tiền phải thi hành là 35.416 tỷ đồng tăng 4.718 tỷ đồng so với năm 2010. Qua phân loại so với năm 2011 số tiền có điều kiện thi hành là 13.366 tỷ đồng chiếm 37,74% tăng 2.998 tỷ đồng so với năm 2010. Kết quả thi hành được là 10.344 tỷ đồng đạt tỷ lệ 76,98%, tăng 176 tỷ đồng so với năm 2011. Số án chuyển sang kỳ sau giảm còn lại 229.714 việc, giảm được 2,08%. Như vậy, 2012 tổng số việc phải thi hành là 642.885 việc tăng 10.340 việc so với năm 2011.
Qua phân loại án thì có 446.255 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 69,41%. Như vậy, án có điều kiện thi hành qua phân loại các năm 2010-2012 thì tăng đều qua các năm. Từ năm 2010 từ 66,12% đến 2011 là 68,9% và 2012 là 69,4%.
Tuy nhiên, về số tiền có điều kiện thi hành, qua phân loại thì có tiến bộ qua các năm trước đây. Riêng năm 2012 có thấp hơn so với các năm trước. Cụ thể, năm 2012, qua phân loại có 21,09% án có điều kiện thi hành so với năm 2011 là 37,74%.
Trong năm 2012 về việc án giảm tồn đọng thì mặc dù chỉ giảm được 2,08% số việc phải thi hành, chuyển sang kỳ sau và không đạt được chỉ tiêu đề ra là từ 5%-10%, nhưng trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn như chúng ta đã phân tích thì có thể khẳng định rằng đây là sự nỗ lực đáng ghi nhận của các cơ quan thi hành án dân sự, đồng thời cũng là kết quả của công tác phối hợp giữa các cơ quan tòa án với thi hành án với tòa án, giữa viện kiểm sát với thi hành án cũng như sự giám sát của hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh và cấp huyện và sự chỉ đạo như trong phân tích của thảo luận tại tổ rất rõ, chỉ đạo thi hành án của các Ban Chỉ đạo thi hành án cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên về án tồn đọng thấy rằng còn rất lớn, trong Báo cáo của Chính phủ cũng có báo cáo các nguyên nhân kể cả khách quan và chủ quan, đồng thời đề ra những giải pháp có những kiến nghị với Quốc hội để khắc phục trong thời gian tới.
Năm 2012 nguyên nhân nổi lên mấy việc: Thứ nhất là tổng số tiền phải thi hành tăng cao hơn nhiều so với năm 2011 cụ thể là tăng gần 8000 tỷ đồng, trong năm phát sinh nhiều vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, phá sản doanh nghiệp với giá trị lớn.
Lý do thứ hai thu nhập của doanh nghiệp, của người dân, trong đó có những đương sự phải thi hành án gặp khó khăn và khó có điều kiện thi hành. Lý do thứ ba, chúng ta cũng đã phân tích là thị trường bất động sản trầm lắng, giao dịch thực tế ít nên nhiều tài sản thi hành án phải bán đấu giá thì không bán được kể cả đã giảm giá nhiều lần, kể cả ở đô thị cũng như ở vùng nông thôn. Một vấn đề nữa phát sinh xung quanh vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng cũng phần nào tác động đến thái độ của các cơ quan chấp hành pháp luật trong đó có các cơ quan thi hành án, thậm chí với cả Ban chỉ đạo thi hành án ở cấp huyện và cấp tỉnh, cho nên cũng có một thời gian cũng bị trùng xuống do sự thận trọng hơn.
Một vấn đề nữa mới phát sinh, chúng ta biết đó là vụ án Vinashine mà đã xét xử phúc thẩm, hiện nay tòa án Hải Phòng chưa chuyển cho cơ quan thi hành án vì đây là án chủ động thi hành. Riêng tiền phạt về phần dân sự trong hình sự là 950 tỷ đồng, cũng rút kinh nghiệm của những vụ án lớn trước đây ở những địa bàn phức tạp, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, như vụ EPCO Minh Phụng chẳng hạn, TAMEXCO chẳng hạn. Chúng tôi thấy rằng một trong những giải pháp tới đây đối với vụ Vinashine chắc cũng sẽ đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Ban chỉ đạo liên ngành thì chúng ta mới có thể thực hiện được.
Tại sao lại đề ra chỉ tiêu thi hành án năm 2013 thấp hơn năm 2012 với lý do sau đây:
Thứ nhất, chúng tôi đang cố gắng phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, viện kiểm sát các cấp, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện để làm sao phân loại án chính xác nhất. Qua phân loại Quốc hội thấy rằng cũng có tiến bộ năm này qua năm khác nhưng đã thật chính xác theo luật và theo nghị định của Chính phủ chưa thì còn đang phối hợp để xem xét cụ thể vấn đề này, các địa bàn khác nhau thì có sự khác nhau. Nếu phân loại chính xác hơn thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ thi hành án.
Thứ hai, tình hình kinh tế còn khó khăn, bán đấu giá tài sản còn khó khăn nữa, nhất là liên quan đến bất động sản. Như tôi đã báo cáo ở trên có một đột biến là vụ án Vinashin, mà đây là án chủ động chứ không phải chờ yêu cầu thi hành án, khi bản án chuyển sang thi hành án là thi hành án phải có trách nhiệm thi hành ngay, cho nên một số lượng rất lớn sẽ tăng lên, 950 tỷ đồng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu của năm 2013.
Về vấn đề thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Đây là vấn đề rất lớn, năm ngoái Chính phủ đã báo cáo và xin khất với Quốc hội trong năm 2012 sẽ thực hiện. Cho nên từ năm 2011 và 2012 Chính phủ đã tập trung cao để làm sao cố gắng thực hiện được điều đã hứa, nợ Quốc hội trong năm 2011. Cơ bản công việc chuẩn bị cho thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc Chính phủ đã chuẩn bị xong, thể chế đã ban hành nghị định riêng về vấn đề này tháng 9/2011, trang thiết bị, đào tạo, cả bên công an và quân đội. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện nảy sinh vấn đề mới, ở đây có ý là cần rút kinh nghiệm trong quá trình đề xuất xây dựng luật là chưa tìm được nguồn thuốc cung ứng để phục vụ cho việc thi hành án. Nguyên nhân ở đây là Nghị định của Chính phủ ban hành để thực hiện việc này, để hướng dẫn thi hành việc này ghi cụ thể ba loại thuốc dùng để thi hành án tử hình. Trong khi đó các loại thuốc này Việt Nam chúng ta chưa sản xuất được và phải nhập khẩu. Các cơ quan chức năng đã đàm phán, đã thương thảo hợp đồng để nhập khẩu nhưng phía nước ngoài thì sau khi chúng ta công bố nghị định này thì cũng yêu cầu chỉ chấp nhận việc cung ứng thuốc ba loại thuốc đó với điều kiện không phải để thi hành tử hình và đưa ra khuyến nghị nếu Việt Nam nhập loại thuốc này mà phát hiện ra để thi hành án tử hình thì có thể sẽ ảnh hưởng đến việc cung ứng các loại thuốc điều trị thông thường khác mà cho đến ngày hôm nay chúng ta vẫn phải nhập khẩu.
Để khắc phục khó khăn này thì trên cơ sở đề xuất Bộ Công an, Bộ Y tế thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung nghị định của Chính phủ, Nghị định 82 năm 2011 và theo trình tự rút gọn: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Hội đồng chuyên môn cấp cao của Bộ y tế đã nghiên cứu rất kỹ và đã thống nhất xác định rõ các nhóm thuốc mà Việt Nam có thể chế biến được để thực hiện thì phụ thuộc vào vấn đề xác định cuối cùng của Hội đồng chuyên môn cấp cao của Bộ Y tế thì việc sửa đổi, bổ sung nghị định này sẽ được thực hiện./.
Tuấn Đạt (tổng hợp)