Chỉ trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện pháp luật dựa vào các nội dung mới
của Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân mới có điều kiện tôn
trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.
Sáng 28/3, Bộ Tư pháp và Viện Khoa học pháp lý phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hướng thể chế hóa bằng pháp luật nhằm đảm bảo thực hiện quyền con người trong Hiến pháp 2013”. Các ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh: Chỉ trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện pháp luật dựa vào các nội dung mới của Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân mới có điều kiện tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, quá trình soạn thảo Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được đối chiếu tương đối toàn diện với tiêu chuẩn của các quy định nhân quyền của Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Đặc biệt việc ghi nhận cả ba nghĩa vụ của nhà nước cơ bản và rõ ràng về tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người theo tinh thần của luật nhân quyền quốc tế; ghi nhận một số quyền mới gồm: quyền sống (Điều 19), các quyền về văn hóa (Điều 41), quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42)…. đã làm cho chế định này của Hiến pháp phù hợp hơn với nội dung của các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.
Quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 là chế định có nhiều điểm mới về cơ cấu, cách viết và nội dung. Để tạo ra cơ chế hiến định vững chắc bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người còn có nhiều quy định khác của Hiến pháp, từ Lời nói đầu cho đến quy định của các chương khác của Hiến pháp liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Để các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp đi vào cuộc sống, các ý kiến cho rằng nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với Hiến pháp.
Theo PGS.TS Nguyễn Tất Viễn (Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương) hoàn thiện pháp luật phải hướng tới việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện. Trước hết cần rà soát toàn diện các văn bản pháp luật hiện hành về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Qua đó phát hiện những quy định trái với Hiến pháp; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hoặc ban hành mới văn bản pháp luật để cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, dân sự, văn hóa, xã hội, giáo dục. Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong từng năm và cả nhiệm kỳ, chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương cần xác định lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Từ đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực.
Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của Hiến pháp sửa đổi về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…./.
Theo TTXVN