Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 5/1/2009 22:38'(GMT+7)

DN lớn chống chọi thế nào trong năm “động đất, sóng thần”?

500 DN hàng đầu về quy mô, doanh số

500 DN hàng đầu về quy mô, doanh số

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp lớn và Triển vọng kinh tế VN do Báo VietNamNet cùng Công ty VietNam Report phối hợp tổ chức xung quanh sự kiện công bố TOP 500 doanh nghiệp hàng đầu VN về quy mô, doanh số, ngày 2/1/2009 tại Hà Nội, Tiến sĩ Đinh Văn Ân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW đã chỉ ra 6 “điểm sáng” có thể kỳ vọng vào sự vượt qua thách thức.

“Điểm sáng” đầu tiên mang tính khách quan, theo các nhà nghiên cứu thế giới là “mắt bão” của khủng hoảng kinh tế hiện đã qua và giờ đây các nền kinh tế lớn, các nước đều áp dụng các biện pháp chưa từng có trong lịch sử để can thiệp kích cầu nền kinh tế, giảm thiểu các tác động xấu. Nhiều khả năng khoảng cuối 2009, đầu 2010, có thể khắc phục được đợt suy thoái toàn cầu này.

5 yếu tố còn lại mang tính chủ quan của nền kinh tế VN. Thứ nhất, theo ông Ân, VN chưa phải nước hội nhập sâu rộng, đặc biệt là về mặt tài chính; có đặc thù là nước nông nghiệp, 70% dân số sống bằng nghề nông, 97% là DN nhỏ và vừa - đối tượng thích ứng rất nhanh, linh hoạt với các tình huống.

Thứ hai trong suy thoái kinh tế, các nước đều tập trung kích cầu trong nước thì tăng trưởng ở VN gần đây, với vị trí là một nền kinh tế mới nổi, đã chủ yếu dựa vào nhu cầu, cơ hội đầu tư, kích cầu trong nước. Mặc dù xuất khẩu đang bị thu hẹp nhưng gói kích thích tiêu dùng tới đây của Chính phủ sẽ là cơ hội đầu tư lớn cho các DN đầu tư sản xuất kinh doanh. Chưa kể, VN vẫn được đánh giá là một trong 3 quốc gia có môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tiếp đó là các yếu tố thuận lợi như môi trường kinh doanh cũng như tâm lý của người dân, sự kỳ vọng phát triển nền kinh tế vẫn thuộc loại tốt; sự hợp tác giữa Nhà nước, DN, thị trường, người dân đang chặt chẽ, hiệu quả hơn và năng lực điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã được cải thiện, chuyển biến tích cực so với hồi đầu năm, từ đây có thể hy vọng vào sự lành mạnh, ổn định kinh tế vĩ mô trong 2009.

Tiến sĩ Adam Mc Carty, Kinh tế gia trưởng Mekong Economics cũng chỉ ra những đặc thù mà trong một số trường hợp sẽ tạo nên thuận lợi cho kinh tế VN hiện nay đó là một xã hội có tổ chức, cơ cấu tốt, thông suốt đến tận địa phương; lực lượng lao động, cơ cấu dân số trẻ; có tốc độ phát triển rất nhanh nhưng cơ bản vẫn là xuất khẩu nông sản nên mức độ ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu ít hơn.

Tuy nhiên, với nhận định bao trùm: 2009 là năm “động đất, sóng thần” của nền kinh tế thế giới, hiện không còn nền kinh tế nào vẫn đang tăng trưởng là đầu tàu, kéo vực dậy các nền kinh tế khác, ông Mc Carty cũng nói rằng, rất khó để VN thoát được hoàn toàn khỏi cuộc khủng hoảng này. “Chỉ riêng những nhà làm chính sách, hoàn cảnh mà chúng ta đang đối phó hiện còn rất ít chỗ để có thể cựa”.

Một cách bình thản hơn, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ, các DN lúc này cần tránh 2 thái cực: đó là vui quá mức và buồn quá mức. Cái nên chọn đó là sự bình tĩnh để tìm cách vượt lên, chuẩn bị hành trang cho giai đoạn tốt hơn.

Ông Vũ Khoan không dùng từ “cơ hội” để nói về triển vọng hiện nay mà dùng từ “lách” góp ý với các DN.

Theo ông, hơn lúc nào hết, phải cơ cấu lại nền kinh tế nước ta cho lành mạnh ở tầm vĩ mô và vi mô. Trong đó, DN cần xem xét nghiêm túc việc cơ cấu lại vốn, cơ cấu lại tổ chức; cơ cấu lại công nghệ; cơ cấu lại mặt hàng. “Nếu kịp xoay xở, đây sẽ là cách chuẩn bị tốt nhất để khi kinh tế khá hơn, chúng ta sẽ tốt hơn, còn không sẽ mãi mãi là tụt hậu, yếu kém”, ông Khoan nói.

Doanh nghiệp lớn “lách” thế nào?

Kết quả khảo sát ý kiến vài trăm đại biểu của các DN tham gia tại Diễn đàn VNR 500 cho thấy đa số dự báo kinh tế VN năm 2009 sẽ tăng trưởng trong khoảng từ 5 - 6%. 1,4% có nhận định lạc quan trên 6% và 16% bi quan dưới mức 5%. Mức lạm phát trong năm 2009, đa số cho ở mức từ 10 - 20%.

Dự kiến điều chỉnh chiến lược để thích ứng trong tình hình khủng hoảng thì phần lớn DN hàng đầu VN chọn phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh mới; 21% chọn tìm kiếm, xâm nhập thị trường với các sản phẩm mà các đối thủ cạnh tranh hiện có; 21% cắt giảm chi phí hoạt động và điều chỉnh cơ cấu.

DNlon1.jpg
Tiến sĩ Adam Mc Carty

Về dự kiến doanh thu và lợi nhuận của DN, ngoại trừ 29% cho rằng sẽ không thay đổi và tiếp tục tăng, còn lại đều suy giảm. Đáng chú ý nhất về dự kiến quy mô lao động. “Không thay đổi nhân sự” là lựa chọn của đa số DN, thậm chí khoảng 29% còn có kế hoạch tăng nhân sự trong năm 2009.

Tuy nhiên tại diễn đàn, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Kinh tế vĩ mô, thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW, ông Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra rất nhiều rào cản đối với sự phát triển của các DN lớn tại VN. Trong đó, ông Cung đặc biệt nhấn mạnh vào yếu tố chủ quan là quản trị công ty nhìn chung còn rất yếu kém.

Ông Cung dẫn giải, quản trị tốt là điều kiện để công ty huy động, tích tụ được vốn từ bên ngoài, đồng thời phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đó. Nhờ vậy, công ty mới phát triển được khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường.

Tuy nhiên, ở VN hiện nay việc bảo vệ nhà đầu tư và cổ đông, nhất là cổ đông thiểu số rất kém. Báo cáo công bố thường niên của Ngân hàng thế giới, năm vừa qua về bảo vệ nhà đầu tư, VN đứng thứ 170/181 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Sở dĩ như vậy là do sự công khai hóa các giao dịch tư lợi, trách nhiệm của người quản lý với công ty nhất là các giao dịch tư lợi hầu như VN được điểm 0. Quyền của cổ đông còn bị vi phạm, chèn ép mà rất khó kiện người quản lý hoặc chính cổ đông lạm dụng các quyền của mình để tư lợi.

Người trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước chỉ là người đại diện nhiều tầng nấc, dù là đại diện nhưng lại chưa có cơ chế giám sát, quy trình thể chế tiêu chí đánh giá hiệu lực. Quyền chủ sở hữu vốn nhà nước vẫn thực hiện qua cơ chế hành chính chủ quản dẫn đến hệ quả là hạn chế tính năng động, hiệu quả, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người quản lý, đồng thời nguy cơ lạm dụng quyền lực của người quản lý, cấu kết để tư lợi làm hại lợi ích của cộng đồng là rất cao.

Hình thức quản trị tập quyền, HĐQT chủ yếu thiên về điều hành hơn quản lý, giám sát; chưa có sự tách biệt rõ nét giữa chủ sở hữu và người quản lý dẫn tới hoạt động của từng thành viên HĐQT có nguy cơ bị hình thức hóa. Quan trọng hơn, đa số các công ty, kể cả DN nhà nước còn rất đóng với hình thức thu hút vốn từ bên ngoài.

Các yếu tố kể trên khiến nhà đầu tư không yên tâm, tin tưởng, DN khó tập trung, tích tụ được vốn để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh dẫn tới khó phát triển ổn định, bền vững và lâu dài. Theo ông Cung, ngay lúc này, những cổ đông lớn, người quản lý của công ty cần phải thiết lập một khung quản trị cân bằng quyền lực và lợi ích giữa các bên và tự giác thực hiện khung quản lý đó.
(Theo Tin tuc Online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất