Chủ Nhật, 24/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Ba, 4/1/2022 15:13'(GMT+7)

Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trên cơ sở nội dung phát động PTTĐ của BHXH Việt Nam, 100% BHXH các tỉnh, thành phố cũng như các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH cấp huyện đã tổ chức và hưởng ứng phát động PTTĐ tại đơn vị nhằm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Việc triển khai hiệu quả PTTĐ thực hiện Nghị quyết số 21; các PTTĐ thường xuyên, chuyên đề, đột xuất đã tác động tích cực góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của toàn ngành.

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN VỀ PHONG TRÀO THI ĐUA

Xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện PTTĐ, BHXH Việt Nam đã tập trung nguồn lực, kinh phí đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21.

Ở Trung ương, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành chương trình triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt Nghị quyết; hằng năm đều ban hành kế hoạch công tác thông tin, truyền thông chính sách BHXH, BHYT để triển khai. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Trong đó, tập trung vào chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách BHXH, BHYT; vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT và quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan để tham mưu tỉnh uỷ, thành uỷ triển khai thực hiện Nghị quyết. Từ 2012-2020, chỉ tính riêng ở Trung ương đã có trên 55.000 tin, bài, phóng sự… phản ánh về các hoạt động của BHXH Việt Nam và tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, trong đó có trên 36.000 tin, bài tuyên truyền về các nội dung bám sát tinh thần Nghị quyết số 21 được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng; xây dựng gần 30 loại ấn phẩm truyền thông chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 21. Năm 2013, đã biên tập, phát hành 5.000 cuốn “Tài liệu tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết số 21 của Bộ Chính trị” đến BHXH các tỉnh, quận, huyện để tổ chức tuyên truyền tại địa phương. Sau 8 năm triển khai Nghị quyết, đã có gần 20.000 tin, bài, văn bản về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 21 được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, đã thu hút gần 124 triệu lượt truy cập…

Ở địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ tham mưu giúp cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 một cách bài bản, thường xuyên và có hiệu quả. Tổ chức ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành để triển khai hoạt động tuyên truyền. Hầu hết các cơ quan BHXH tỉnh đã ký quy chế phối hợp truyên truyền Nghị quyết và chính sách BHXH, BHYT với Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh, các sở ngành có liên quan và các cơ quan truyền thông. Tính chủ động tham mưu của ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ và BHXH tỉnh, thành phố thể hiện khá rõ nét và điển hình như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Thái Bình…

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ BHXH, BHYT được thực hiện rộng khắp trên phạm vi cả nước, từ Trung ương tới địa phương, với sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương với cơ quan BHXH. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ BHXH, BHYT được thực hiện dưới nhiều hình thức, thiết thực, phong phú, tương đối phù hợp với từng nhóm đối tượng như: tọa đàm, đối thoại chính sách; đăng bài tuyên truyền trên báo, đài; in phát tờ rơi; xây dựng phóng sự chuyên đề trên đài phát thanh, truyền hình… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, người lao động, tạo điều kiện cho các bên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách mới, cũng như những vấn đề đặt ra cần phải bổ sung, sửa đổi chính sách.

Trong giai đoạn 2012 - 2020, BHXH Việt Nam đã tổ chức thành công 2 kỳ Đại hội thi đua yêu nước ngành BHXH Việt Nam lần thứ IV và lần thứ V.

Tại Đại hội thi đua yêu nước ngành BHXH lần thứ IV (năm 2015), lựa chọn 10 điển hình đại diện cho các lĩnh vực công tác trọng tâm của ngành tham luận tại Đại hội được đánh giá tốt, mang đến hiệu quả cao, thiết thực trong công tác nhân rộng điển hình tiên tiến.

Tại Đại hội thi đua yêu nước ngành BHXH lần thứ V (năm 2020), các đơn vị toàn ngành đã giới thiệu, biểu dương 97 tập thể và 151 cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc đại diện các mặt công tác nghiệp vụ.

TẬP TRUNG THI ĐUA PHÁT TRIỂN ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BHXH, BHYT

Các PTTĐ thực hiện Nghị quyết số 21 được tổ chức thường xuyên, liên tục. Bên cạnh những mục tiêu cuối cùng phải đạt được, BHXH các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc BHXH tỉnh, thành phố đã xác định những mục tiêu, yêu cầu cụ thể phải thực hiện cho từng năm. Nội dung phong trào chủ yếu tập trung vào việc thi đua phát triển đối tượng, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch được giao theo từng năm; xây dựng đơn vị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tác phong làm việc hướng tới phục vụ tốt nhất người tham gia và hưởng chế độ BHXH, BHYT. Cụ thể:

Một là, công tác tuyên truyền được thực hiện tốt đã góp phần thay đổi mạnh mẽ nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; hệ thống chính trị các cấp đều xác định rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Hai là, việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành các văn bản pháp luật về BHXH, BHYT được quan tâm, hệ thống các văn bản ngày càng hoàn thiện. Quốc hội đã thông qua Luật BHXH, Luật BHYT. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các nghị định, quyết định và thông tư hướng dẫn kịp thời.

Ba là, một số BHXH tỉnh, thành phố cũng như đơn vị trực thuộc cơ quan BHXH Việt Nam đã làm tốt công tác chỉ đạo, tham mưu giúp lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam trong việc định hướng phát triển ngành, phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương các sở, ban, ngành ở địa phương để hoàn thiện hệ thống chính sách và tổ chức thực hiện chính sách về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn, tuyên truyền phát triển người tham gia.

Bốn là, các PTTĐ đã được công chức, viên chức và người lao động trong ngành BHXH Việt Nam hưởng ứng, tự giác tham gia; tạo được không khí thi đua sôi nổi, gắn với kết quả phấn đấu của từng đơn vị, từng cá nhân. Đã có nhiều tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả trong triển khai thực hiện phong trào góp phần vào thành tích chung của toàn ngành BHXH Việt Nam.

Tuy nhiên, các PTTĐ vẫn còn một số hạn chế, tồn tạị, đó là: Thứ nhất, việc tuyên truyền, phổ biến tại một số đơn vị chưa thực hiện thường xuyên; quán triệt, triển khai PTTĐ có nơi chưa sâu rộng, có lúc thiếu sâu sát và trách nhiệm chưa cao. Công tác tuyên truyền mặc dù được quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, song vẫn chưa làm thay đổi nhận thức của một bộ phận nhân dân và người lao động, người sử dụng lao động, nhất là những doanh nghiệp ngoài quốc doanh về nghĩa vụ và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT và người lao động tự do, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thứ hai, kết quả thực hiện PTTĐ chưa đồng đều giữa các địa phương và vùng miền. Số BHXH tỉnh, thành phố thực hiện tốt ở cả 3 chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế. Việc phát hiện gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến để biểu dương nhân rộng chưa được tiến hành thường xuyên, nhất là những tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất.

Ngành BHXH Việt Nam đã có hàng nghìn sáng kiến, giải pháp, đề án, dự án nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào hoạt động nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực công tác nghiệp vụ tạo nên những bước đột phá, những dấu ấn quan trọng được Chính phủ, các bộ, ngành ghi nhận như: Giải pháp về phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; Giải pháp xây dựng Hệ thống thông tin Giám định BHYT đã nâng cao chất lượng các nghiệp vụ đồng thời giúp giảm hàng trăm giờ làm việc/năm của mỗi cán bộ giám định; Giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động nghiệp vụ, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp; Giải pháp Ứng dụng CNTT trong công tác văn phòng...

Việc sử dụng văn bản điện tử trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của BHXH Việt Nam đã góp phần cùng Chính phủ, các bộ, ngành và các đơn vị xây dựng Chính phủ điện tử. Đặc biệt, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành từ Trung ương đến huyện phát huy hiệu quả rõ rệt trong phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian cách ly xã hội. Phần mềm này giúp cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của hệ thống BHXH Việt Nam không đến cơ quan nhưng vẫn điều hành nhiệm vụ đạt hiệu quả.

MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Để thực hiện có hiệu quả PTTĐ Nghị quyết số 21, giúp chính sách BHXH, BHYT khẳng định được vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, được người dân tin tưởng tham gia, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống của người dân, ngành BHXH Việt Nam rút ra một số bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, đó là:

Thứ nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đối với các nội dung của Nghị quyết phải được quan tâm hàng đầu, xem đây là nhiệm vụ chính trị, từ đó tạo được sự chuyển biến thực chất trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Thứ hai, coi trọng vai trò của công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Công tác tuyên truyền cần phải được tiến hành thường xuyên, chủ động, kịp thời, đi trước một bước, tác động vào nhận thức, làm thay đổi thái độ, hành vi; định hướng dư luận, giúp cho việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách BHXH, BHYT hiệu quả hơn.

Thứ ba, chủ động tham mưu, đề xuất và thực hiện đồng bộ các giải pháp, lồng ghép việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương với cơ quan BHXH phải đảm bảo chặt chẽ; nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong việc triển khai chính sách BHXH, BHYT.

Thứ tư, phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT theo hướng phục vụ nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia, tạo sự hài lòng đối với đơn vị, người dân tham gia BHXH, BHYT, thu hút được đông đảo sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội tích cực tham gia BHXH, BHYT.

Thứ năm, phổ biến và tích cực hưởng ứng PTTĐ thực hiện Nghị quyết số 21; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong lãnh, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả PTTĐ; quan tâm phát hiện các gương điển hình tiên tiến và cách làm hay để phổ biến, nhân rộng tạo sự lan tỏa, học tập trong toàn ngành BHXH. Xử lý nghiêm đúng theo quy định của pháp luật đối với những tập thể, cá nhân cố tình làm trái và vi phạm những quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp./.

 Phạm Quý Trọng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất