Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 27/3/2020 14:8'(GMT+7)

Doanh nghiệp bắt đầu được hưởng ưu đãi từ chính sách miễn, giảm lãi

Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dịch COVID-19 bùng phát đã khiến hàng tram doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên cả nước gặp khó khăn, đình đốn sản xuất, thậm chí phải đóng cửa dừng kinh doanh. Trước thực trạng đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ đoanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các ngân hàng bắt tay ngay vào việc hỗ trợ chia sẻ, giảm bớt một phần khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Điều này đã góp một phần giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể cầm cự, đứng vững trong cơn bão dịch bệnh, có thêm động lực tìm hướng đi mới để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Kinh doanh gặp cảnh "chợ chiều"

Khác với sự nhộn nhịp của những năm trước, khi chúng tôi đến khu danh thắng Yên Tử lại là một sự vắng lặng không một bóng người, chỉ thỉnh thoảng thấy một vài người công nhân cắt tỉa hoa hoặc thợ điện quanh khu danh thắng rộng lớn này.

Được biết, ngày 11/3, trước diễn biến phức tạp của việc lây nhiễm của dịch COVID-19 tại một số địa bàn du lịch của cả nước, Ban thường vụ tỉnh uỷ Quảng Ninh quyết định dừng một số hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc dừng đón khách tham quan Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử trong vòng 14 ngày kể từ ngày 12/3.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm, trong khoảng thời gian cao điểm từ ngày 25/1 đến ngày 17/2, lượng khách đến Yên Tử chỉ đạt 116.998 lượt khách, chỉ bằng 34% so với cùng kỳ năm 2019; lượng khách đi cáp treo cũng chỉ đạt 79.478 lượt khách, bằng 29% so với cùng kỳ.

Vì vậy, doanh thu trong quý 1 của công ty chỉ đạt 59.254 triệu đồng sụt giảm khoảng 69% so với năm 2019, kéo theo doanh thu cả năm 2020 ước tính chỉ đạt khoảng 105.768 triệu đồng, giảm 70% so với năm 2019.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm cho biết: “Doanh thu trong 3 tháng mùa lễ hội của Tùng Lâm chiếm đến 70-80% doanh thu của cả năm, vì vậy theo tính toán thì doanh thu năm 2020 của Tùng Lâm sẽ sụt giảm đến 90%, đây là một khó khăn rất lớn đối với Tùng Lâm.”

Trước đây Tùng Lâm có khoảng 500 lao động nhưng với tình hình hiện nay, công ty này đã phải cắt giảm khoảng 150 lao động, số người còn lại phải cho làm luân phiên và tiền lương cũng bị giảm khoảng 50% so với trước.

Bà Hà cho biết, Công ty không thể lao động nghỉ hẳn vì đây đều là những lao động có tay nghề cao đã được đào tạo bài bản. Nếu không duy trì mức lương tối thiểu cho họ thì khi hết dịch, khu danh thắng hoạt động trở lại sẽ không có lao động thay thế.

Cũng giống như Tùng Lâm, tại Trung tâm ẩm thực Khánh Ngọc tại thành phố Thái Nguyên, trước đây trung tâm chuyên cung cấp khoảng 10.000 suất ăn cho hơn 20 trường mầm non, tiểu học bán trú trên địa bàn thành phố. Nhưng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các trường tạm đóng cửa, hơn 100 lao động của trung tâm đã không có việc làm, hoạt động của trung tâm gần như tê liệt.

Ông Nguyễn Trung Thực, chủ Trung tâm ẩm thực Khánh Ngọc, cho biết để duy trì hoạt động của mình trung tâm đang tìm cách cung cấp suất ăn cho bệnh viện, khu cách ly, đưa suất ăn đến từng địa điểm cách ly tại nhà hay các cơ quan đang hoạt động.

Còn tại Công ty cổ phần Vương Anh (Thái Nguyên) lại gặp khó khăn khác. Công ty đã có hợp đồng, đã có đơn hàng xuất khẩu bột ô xít kẽm sang Trung Quốc nhưng do dịch COVID-19, hơn 10.000 tấn bột ô xít nhôm đang bị ùn ứ, tồn kho tại nhà máy mà không xuất khẩu được.

Công ty cũng còn tồn kho hơn 20.000 tấn nguyên liệu mà không dám tiếp tục sản xuất. Dây chuyền sản xuất đình trệ, không có đầu ra. Khoản vay trên 150 tỷ đồng vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn.

Ông Vũ Đình Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Vương Anh ngậm ngùi: “Hiện khó khăn của công ty là sản phẩm làm ra nhưng không xuất đi được, nếu không tiếp tục giải phóng được thì công nhân sẽ khó khăn về việc làm. Chắc chắn trong 1-2 tháng tới chúng tôi phải ngừng sản xuất tạm thời, đợi qua dịch qua đi mới tiếp tục phục hồi sản xuất.”

Hiện công ty Vương Anh có hơn 100 lao động nhưng cũng phải tạm thời nghỉ việc, công ty chỉ giữ lại ít người để trông giữ kho.

Sự "gỡ khó" kịp thời

Hiện Công ty Tùng Lâm đang có dư nợ tại các ngân hàng (BIDV, Vietcombank, Agribank) khoảng 1.500 tỷ đồng. Đại diện công ty cho biết, ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch (6/1), các ngân hàng đang tài trợ vốn cho công ty đến gặp gỡ và khảo sát xem xét những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải để tìm ra những giải pháp về tài chính.

“Cho đến thời điểm này, ngay khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 thì tất cả các ngân hàng cũng đã lên chương trình giãn nợ cho chúng tôi toàn bộ dư nợ trong năm 2020 và hỗ trợ về lãi suất. Đặc biệt BIDV đã  có thông báo cho chúng tôi giảm lãi suất 1% trên dư nợ 500 tỷ đồng đến hết 31/12/2020 (tương đương 5 tỷ đồng/năm). Chúng tôi thực sự cảm thấy ấm lòng khi mà có được sự hỗ trợ của ngân hàng trong lúc này,” bà Hà chia sẻ.

Cũng theo bà Hà, Vietcombank và Agribank đã lên kế hoạch giảm lãi tương đương BIDV cho công ty. Mặc dù vậy, bà Hà vẫn mong muốn được các ngân hàng gia hạn và nâng hạn mức cho vay để giúp công ty có thể trả chi phí lương trong những tháng tới khi khu du lịch vẫn tiếp tục đóng cửa vì kể cả có mở cửa thì cũng không có khách hàng nên sẽ không có doanh thu.

Còn tại Trung tâm ẩm thực Khánh Ngọc đã vay của BIDV trên 3 tỷ với lãi suất 9,5%/năm, từ khi xảy ra dịch COVID-19, cán bộ BIDV Thái Nguyên đã đến thẩm định, đánh giá những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải và tiến hành hỗ trợ giảm lãi suất cho vay xuống còn 7,5%/năm. Với mức giảm như hiện nay, doanh nghiệp cũng phần nào vơi đi những khó khăn đang phải đối mặt...

Có thể thấy những hỗ trợ cụ thể như giảm lãi, miễn lãi, không chuyển nhóm nợ được quy định tại Thông tư 01 đối với doanh nghiệp lúc này là sự chia sẻ động viên rất kịp thời, được ví như nguồn lực tiếp sức cho các doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay.

Một số ngân hàng cho biết hiện nhiều doanh nghiệp chỉ phải trả một nửa cả gốc và lãi. Có những doanh nghiệp còn được xem xét cho vay mới để trợ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay.

Không những thế, các ngân hàng cũng lên kịch bản, đưa ra các phương án hỗ trợ doanh nghiệp chi tiết cho từng lĩnh vực bị ảnh hưởng và sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp khi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tìm kiếm được các cơ hội khôi phục sản xuất kinh doanh trong mùa dịch bệnh.

Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho hay các doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đáp ứng 4 tiêu chí của ngân hàng sẽ được xem xét, miễn giảm lãi vay như khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, nợ gốc và nợ lãi đến hạn đồng thời bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh thu và thu nhập bị sụt giảm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phát sinh nghĩa vụ nợ đến hạn phải trả bao gồm nợ gốc và nợ lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ tuyên bố hết dịch cũng sẽ được xem xét miễn giảm lãi vay. Ngoài ra, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ gốc và lãi sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đặc biệt khách hàng phải có đề nghị gửi ngân hàng xem xét miễn giảm, cơ lại lại nợ…

Vì vậy, ông Long tin tưởng rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ theo quy định mới này của Ngân hàng Nhà nước./.

Theo Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất