Thứ Năm, 19/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 27/3/2020 12:47'(GMT+7)

Tăng cường thông tin khuyến cáo của Chính phủ, bộ, ngành chức năng trong phòng, chống COVID-19

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Sáng 27/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (nCoV) đã họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, tiếp tục đưa ra những giải pháp, kịch bản trước những diễn biến mới của dịch COVID-19.

VIỆT NAM CHƯA CÓ TRƯỜNG HỢP TỬ VONG VÌ COVID-19

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo, tính đến 17h ngày 26/3, Việt Nam đã ghi nhận 153 trường hợp dương tính với COVID-19, chưa có trường hợp tử vong. Các địa phương có số người dương tính nhiều nhất là: Hà Nội có 53 người, TP. Hồ Chí Minh 42 người, Vĩnh Phúc 11 người, Bình Thuận 9 người, Quảng Ninh 7 người. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 57.104 người, trong đó có 1.678 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 26.962 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 28.464 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Tính đến cuối ngày 26/3, thế giới đã có 474.968 trường hợp mắc COVID-19 tại 199 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung nhiều ở các quốc gia châu Âu và Mỹ, Trung Quốc. Có 8 quốc gia có trên 10.000 trường hợp mắc COVID-19 (Trung Quốc, Ý, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Iran, Pháp, Thụy Sĩ); 24 quốc gia có số mắc trong khoảng từ trên 1.000 đến dưới 10.000 người; 167 quốc gia, vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc. Đã có 21.357 trường hợp tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới, trong đó 6 quốc gia có trên 1.000 người tử vong là Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Iran, Pháp, Mỹ.

Tất cả 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á đều có báo cáo trường hợp mắc COVID-19, trong đó số người bị mắc cao nhất tại Malaysia (2.031 trường hợp), tử vong cao nhất tại Indonesia (78 trường hợp).

TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP MẠNH MẼ HƠN

Các quốc gia trên thế giới tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 như: tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từ 0h00 ngày 28/3/2020 dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Chính phủ Đức tạm cấm nhập cảnh các lao động thời vụ từ nước ngoại. Nga hoãn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc về việc sửa đối Hiến pháp. Chính phủ Ukraine đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong 30 ngày. Campuchia hủy tất cả các hội nghị quốc tế ở nước này, yêu cầu các quan chức dừng tham dự các cuộc gặp mặt và hội nghị ở nước ngoài. New Zealand tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước. Australia đã chính thức đóng cửa biên giới quốc gia, cấm công dân không được phép rời khỏi quốc gia, trừ những trường hợp có lý do chính đáng.v.v..

Điểm cầu Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Phó trưởng ban Lê Mạnh Hùng chủ trì.

GIAO CÔNG AN QUẢN LÝ KHU CÁCH LY TẬP TRUNG DÂN SỰ

Tại cuộc họp, nhận định trong giai đoạn này, việc cách ly tập trung dân sự tại địa phương sẽ dần trở nên phổ biến, Ban Chỉ đạo quốc gia đã thảo luận và thống nhất giao cho lực lượng Công an điều hành các khu cách ly dân sự; chỉ đạo là Chủ tịch UBND địa phương; cơ quan y tế chịu trách nhiệm bảo đảm về y tế; bảo đảm hậu cần cũng giao công an chủ trì, cơ chế ngân sách cũng thực hiện như quân đội.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an xây dựng, ban hành quy chế mẫu quản lý các khu cách ly tập trung dân sự, trong xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, lực lượng y tế, Công an.

Ban Chỉ đạo cũng thống nhất giao chính quyền các địa phương ưu tiên tổ chức khu cách ly dân sự riêng cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ khi cần thiết (y tế, công an, dân phòng,…). Bảo đảm vật tư, trang thiết bị phòng hộ cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch. Đồng thời, có biện pháp động viên kịp thời những trường hợp khó khăn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương quán triệt, thực hiện quyết  liệt yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài, đến bệnh viện; chỉ đạo công an phối hợp chặt chẽ với y tế cơ sở để theo dõi sức khoẻ của người dân trên địa bàn.

VIỆT NAM CHƯA SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP XÉT NGHIỆM NHANH

Về tổ chức xét nghiệm phát hiện các trường hợp nghi ngờ, đến giờ phút này, Việt Nam chưa sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh mà đang sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm (test kit) do Học viện Quân y sản xuất, đã được các cơ quan quản lý, khoa học trong nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận.

Trên cơ sở tham khảo WHO và các nước trên thế giới và thực tiễn trong nước, ngành y tế đã cập nhật, hoàn thiện phác đồ điều trị COVID-19. Chúng ta cũng đảm bảo đủ thuốc điều trị.

Các ca bệnh nặng đều được các chuyên gia y tế đầu ngành tập trung hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn, hỗ trợ chữa bệnh. Bộ Y tế cũng đang tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho các y bác sĩ tuyến dưới để sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân; chỉ đạo chuyển những bệnh nhân không nặng về điều trị tại các bệnh viện địa phương để bác sỹ các tuyến có thêm kinh nghiệm.

Ban Chỉ đạo giao lực lượng y tế cơ sở tiếp tục nắm bắt trường hợp nghi ngờ, hướng dẫn phân loại những người mắc bệnh nền, người già yếu, yếu thế,… để theo dõi giám sát sức khoẻ tại nhà,…

TẬP TRUNG TRIỂN KHAI CÁC CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai tích cực các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện và ban hành Kế hoạch điều chỉnh đáp ứng với từng cấp độ dịch COVID-19; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước thực hiện tăng cường phòng, chống lây nhiễm cho nhân viên y tế và tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; ban hành hướng dẫn cập nhật chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do COVID-19...

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tập trung cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới; thông tin diễn biến tâm dịch tại một số nước có người tử vong cao; các cấp, ngành, địa phương chủ động phòng, chống dịch; tăng cường thông tin khuyến cáo của Chính phủ, bộ, ngành chức năng trong phòng, chống dịch bệnh những ngày tới...

Bộ Công thương triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2280/VPCP-NN ngày 25/3/2020; trao đổi với phía Trung Quốc về các biện pháp, nội dung cụ thể tháo gỡ khó khăn cho hoạt động hợp tác kinh tế thương mại song phương trong bối cảnh dịch COVID-19; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch...

Bộ Công an theo tiếp tục theo dõi số lượt người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu hàng không; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý những vi phạm có liên quan đến hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, không niêm yết giá bán hoặc bán giá cao nhằm trục lợi đối với các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch...

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tổ chức tiếp nhận và cách ly hành khách nhập cảnh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch, dừng tất cả các lễ hội, đóng cửa phần lớn các khu du lịch, lùi thời gian thi đấu tất cả các giải thể thao trên toàn quốc...

Các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng tại các Chỉ thị số 05, Chỉ thị số 06, Công điện 121, Công điện 156 và Chỉ thị số 10, Chỉ thị số 13.

TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG CÔNG DÂN VIỆT NAM TẠI NƯỚC NGOÀI HẠN CHẾ DI CHUYỂN

Tại cuộc họp, một số nội dung đề xuất, kiến nghị, xin ý kiến của các bộ, ngành cũng được nêu lên, như: đề xuất thành lập Đoàn công tác đi kiểm tra việc thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung; trường hợp có người tại khu cách ly tập trung có xét nghiệm dương tính thì ngoài việc chuyển ngay tới cơ sở y tế, cần thực hiện các biện pháp đảm bảo tại khu cách ly và thực hiện cách ly với những người còn lại trong phòng có tiếp xúc gần với người dương tính; đề nghị Bộ Ngoại giao tuyên truyền vận động công dân Việt Nam, lưu học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài hạn chế di chuyển do dễ bị mắc kẹt khi transit tại các nước như Thái Lan, Đài Loan; đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 122/TB-VPCP, không để các đơn vị y tế của địa phương đến đón người bị cách ly khi không được phép của cơ quan kiểm dịch y tế và các đơn vị có liên quan tại các cửa khẩu.../.

Văn Quán

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất