Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 11/10/2008 10:50'(GMT+7)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục "kêu cứu"

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có gần 350.000 DNNVV, chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp, với số vốn đăng ký gần 1.400 nghìn tỉ đồng. Đây là khu vực kinh tế phát triển rất nhanh, với tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp từ 20-40%/năm. Tuy tỉ trọng về doanh thu, vốn, lợi nhuận... còn khiêm tốn nhưng chính khu vực này lại có vai trò rất quan trọng trong việc tạo việc làm mới, tới hơn 50% số lao động trong các doanh nghiệp nói chung.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt, thực tế cho thấy hầu hết DNNVV vẫn còn nhiều hạn chế và yếu kém, nhất là về tiềm lực tài chính, năng lực quản lý, kinh nghiệm thương trường, khả năng tiếp cận các nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, các DNNVV vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Cụ thể, trong khi tăng trưởng tín dụng năm 2007 lên gần 60% thì năm 2008 chỉ còn dưới 30%, khiến DNNVV vốn đã khó khăn trong vay vốn ngân hàng nay lại càng khó khăn hơn. Chưa dừng lại ở đó, lạm phát và thắt chặt tín dụng đã đẩy lãi suất cho vay tăng từ 11% lên trung bình 21%/năm khiến doanh nghiệp khó có thể tạo ra lợi nhuận để bù đắp lãi vay. Ngoài ra, chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất cũng tăng tương đương với tốc độ tăng giá (trên 20%)..., tất cả cùng đổ dồn lên các doanh nghiệp.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, mặc dù đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều cơ quan ban ngành và hiệp hội cũng như nỗ lực của bản thân nhưng khó khăn với các DNNVV vẫn còn như nguyên vẹn. Chưa dừng lại ở đó, khủng hoảng tài chính Mỹ đang có dấu hiệu trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế và lan rộng ra toàn cầu, khiến 20% số DNNVV đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Kiến nghị Chính phủ 18 giải pháp cấp bách

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, hiện Chính phủ đang họp bàn, xem xét 18 kiến nghị đề xuất vừa được Hiệp hội DNNVV cùng Hiệp hội ngân hàng, Hiệp hội chứng khoán trình lên. Các đề xuất đó chia làm hai phần: trước mắt và lâu dài.

Trước mắt, các Hiệp hội này đề nghị Chính phủ dành một số vốn tương ứng, thích hợp cho các DN vay, tùy thuộc vào đóng góp của các DNNVV, tập trung vào các DN đang có tiềm năng phát triển, sản phẩm tốt, thị trường tốt, với một mức lãi suất hợp lý.

Do tác động của lạm phát và tăng giá của nhiều mặt hàng trên thế giới nên chi phí đầu vào của các DN tăng cao, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trong phạm vi quyền hạn của mình dựa trên tình hình thực tế của từng DN mà có chính sách miễn, giảm thuế cho một số DN trong một số ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn.

Hiệp hội DNNVV cũng kiến nghị Chính phủ tìm ra các giải pháp cải cách hành chính, giảm phiền hà và tạo điều cho các DNNVV nắm bắt được cơ hội kinh doanh.

Về lâu dài, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ lập Quỹ hỗ trợ DNNVV, tiếp tục chỉ đạo lập và phát triển các Quỹ bảo lãnh tín dụng, giúp cả bên cho vay là các ngân hàng, tổ chức tín dụng và bên đi vay là các DNNVV yên tâm và có trách nhiệm hơn trong vay vốn. Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ thông qua việc đệ trình lên Quốc hội lập và phát triển các Hiệp hội nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực, làm trung gian hỗ trợ DNNVV  tồn tại và phát triển...

Về phía các doanh nghiệp, cần rà soát, cải tổ hệ thống quản lý, tạo ra sự minh bạch trong quản lý điều hành doanh nghiệp, từng bước xóa bỏ phương thức "gia đình trị" trong quản lý điều hành, tăng cường hợp tác liên doanh...

  VnMedia
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất