Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 11/10/2008 9:21'(GMT+7)

Những giải pháp phát triển Tam nông bền vững

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh hoạ

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh hoạ

1. Yêu cầu bức thiết

Nghị Quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ bảy (khoá X), của Đảng đã xác định vị trí của nông nghiệp, nông thôn và nông dân (Tam nông) là cơ sở để ổn định chính trị đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế thế giới. Để triển khai Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đang chuẩn bị nghiên cứu để ban hành nhiều chương trình hành động cụ thể và có tính khả thi. Tuy nhiên nhiệm vụ phát triển Tam nông không phải chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của giai cấp nông dân, mà là trách nhiệm của các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và của toàn xã hội. Vì vậy nghiên cứu, đề xuất các định hướng, giải pháp có cơ sở khoa học và phù hợp với thực tế nhằm giúp Chính phủ có thêm tư liệu, tài liệu, ý tưởng để xây dựng, hình thành các chương trình, dự án, chính sách và cơ chế phát triển Tam nông theo hướng bền vững ở Việt Nam hiện nay là yêu cầu bức thiết.


Thực ra, trong gần 22 năm đổi mới vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế kinh tế, tài chính và hàng loạt chương trình, dự án để phát triển nông nghiệp, nông thôn và theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khoá VI) về “Đổi mới công tác quản lý nông nghiệp” ban hành ngày 5-4-1988 và hàng loạt chỉ thị, nghị quyết của Ban chấp hành TW các khoá sau đó cùng với nhiều chính sách, luật pháp quan trọng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong quá trình đổi mới của đất nước. Cơ chế hộ tự chủ trong nông nghiệp, xoá bỏ chính sách thu mua nông sản theo giá thấp, giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho hộ nông dân, xác lập quyền tự chủ của hộ về sử dụng lao động, tư liệu sản xuất, sản phẩm làm ra, tự do lưu thông trên thị trường... đã tạo ra sức bật mới trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Sản xuất nông nghiệp đã đạt được những thành tựu to lớn và cơ bản khác hẳn các thời kỳ trước đổi mới. Bộ mặt nông thôn đôỉ mới và đời sống nông dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần.

Tác dụng tích cực và hiệu quả thực tế của các chủ trương, chính sách đó là to lớn và đó là điều khẳng định.

Tuy nhiên, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá và hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và khu vực, nhiều cơ chế chính sách đã ban hành không còn phù hợp, nhưng chậm bổ sung sửa đổi. Tính đồng bộ của các chủ trương chính sách không cao. Thí dụ:

- Chính sách tiêu thụ nông sản hàng hoá : QĐ 80 của Chính phủ về tiêu thụ nông sản hàng hoá và chương trình liên kết 4 nhà cho đến nay mới triển khai trên phạm vi hẹp, là những nông sản và địa bàn đã có truyền thống từ trước (lúa gạo ở ĐBSCL, mía cây ở Công ty mía đường Lam Sơn, cà phê chè ở Thanh Hoá…) còn các nông sản khác, địa bàn khác vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Tình trạng doanh nghiệp và hộ nông dân phá vỡ hợp đồng còn nhiều (bông vải, lúa, mía), nhưng chưa có cơ chế xử lý phù hợp.

Nhận thức của các ngành các cấp, về QĐ 80 và liên kết 4 nhà vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc tổ chức chỉ đạo ở địa phương và cơ sở rất khó khăn. Trong khi đó doanh nghiệp chỉ muốn ký hợp đồng với người đại diện cho hộ nông dân, như HTX… không muốn ký trực tiếp với hộ. Bản thân khái niệm “liên kết 4 nhà” vẫn còn những tồn tại, vướng mắc cả về trách nhiệm và lợi ích của mỗi nhà trong liên kết kinh tế, trong đó vai trò của nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, ngân hàng còn nặng về lý thuyết, thiếu cơ chế thực hiện. Cho đến nay, rất ít hợp đồng tiêu thụ nông sản có sự tham gia đầy đủ của 4 nhà như chương trình liên kết, trong đó sự vắng bóng của nhà khoa học, Hội Nông dân và nhà ngân hàng là phổ biến.

Thói quen “mua đứt ,bán đoạn” của các doanh nghiệp và hộ nông dân đã và đang chi phối và tác động trực tiếp đến cả 2 phía đối tác tham gia ký kết hợp đồng đầu tư ứng trước và mua nông sản hàng hoá sau theo chương trình liên kết 4 nhà. Cái khó là doanh nghiệp không muốn ứng trước vì sợ rủi ro, còn các hộ nông dân muốn ký trước với điều kiện doanh nghiệp phải ứng trước vốn, vật tư, phân bón. Xin nêu ý kiến của 1 hộ nông dân về vấn đề này: “Khi tham gia hợp đồng, điều chúng tôi cần nhất là những điều kiện ràng buộc để đảm bảo hợp đồng sẽ được thực hiện, như công ty ứng vốn sản xuất cho nông dân, chính quyền địa phương đứng ra xác nhận và giám sát việc thực hiện hợp đồng”. Thêm vào đó, giá cả nông sản thị trường trong nước và thị trường thế giới biến động phức tạp nên cả người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đều chưa mặn mà với hình thức mua bán theo hợp đồng ứng trước. Trong 8 tháng đầu năm 2008, hàng loạt vấn đề liên quan đến tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông dân, nhất là giá cá tra, giá lúa hàng hoá vụ hè thu, giá mía,... ở vùng đồng bằng sông Cửu Long... buộc Nhà nước phải chi hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp thu mua nông sản, thuỷ sản hàng hoá. Hiện tại tháng 9-2008, giá lúa thu đông vùng này đang giảm sút, lúa hàng hoá trong dân nhiều, trong khi công việc chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân năm 2009 đã bắt đầu nhưng nông dân không có vốn vì không bán được lúa, các doanh nghiệp thu mua cầm chừng. Tình hình trên còn kéo dài chưa có triển vọng dừng lại và QĐ 80 cũng như chương trình liên kết được 4 nhà trong thực tế đã lùi về dĩ vãng, không còn tác dụng.


- Chính sách đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn là vấn đề bức xúc, tồn tại hàng chục năm nay nhưng chậm sửa đổi. Tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, của các doanh nghiệp và vốn FDI trong khu vực này còn quá thấp. Hiện nay vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn mới chiếm 14% tổng vốn đầu tư, riêng cho nông nghiệp lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 8%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 3% vốn FDI của cả nước, trong đó năm 2007 mới đạt 1,8% và 8 tháng đầu năm 2008 chỉ có 0,4% vốn FDI đăng ký. Do đó, hậu quả là kết cấu hạ tầng nông thôn và cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp còn rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao, giá thành hạ. Cơ cấu đầu tư không hợp lý, tỷ trọng đầu tư cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp mới đạt 0,13% GDP khu vực này, so với các nước khác là 4%. Trong khi đó chính sách của Nhà nước về đầu tư nói chung, thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng vẫn chưa phù hợp nhưng lại chậm đổi mới, kể cả khi Việt Nam vào WTO.

- Chính sách tạo việc làm cho lao động nông nghiệp dư thừa, việc làm thiếu, năng suất lao động và thu nhập của nông dân thấp nhưng cơ cấu lao động chuyển dịch rất chậm. Ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn và quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá chưa tạo ra chỗ làm mới để thu hút lao động nông nghiệp. Hậu quả là đến nay, tỷ lệ lao động nông nghiệp (nghĩa rộng) chiếm tới 72,6% nhưng chỉ tạo ra hơn 20% và xu hướng này còn tiếp tục trong nhiều năm tới. Thị trường lao động, thị trường đất đai, thị trường vốn ở nông thôn còn hình thành tự phát, manh mún, không đồng bộ, nhỏ lẻ vì thiếu cơ sở pháp lý cần thiết.

- Chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp tuy đã ban hành nhưng lại thiếu các giải pháp cụ thể, khả thi nên dẫn đến tình trạng tự phát, manh mún, không theo quy hoạch dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu đối với nhiều loại nông sản.

- Vai trò của Nhà nước trong các chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân chưa nhất quán và không đồng bộ. Điều đáng quan tâm là chính sách đối với nông dân còn rất thiếu. Ruộng đất, vốn, lao động việc làm và thu nhập đời sống của nông dân, khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị vẫn còn lớn và có xu hướng ngày càng tăng. Tỷ lệ hộ nghèo trong nông thôn hiện chiếm trên 90% số hộ nghèo của cả nước. Tình trạng tái nghèo tại các vùng nông thôn bị thiên tai, sâu bệnh, dịch bệnh, vùng miền núi vùng sâu, vùng xa còn cao và chưa có giải pháp khắc phục.

- Chính sách phát triển tam nông bền vững lại càng thiếu nên hàng loạt vấn đề xã hội và môi trường nông thôn đã và đang diễn biến trái ngược với yêu cầu và mục tiêu đề ra. Nhiều vấn đề xã hội và môi trường trong nông thôn diễn biến phức tạp. Lao động thừa, việc làm thiếu, nền kinh tế nông thôn phát triển chậm, thu nhập và đời sống dân nông thôn thấp xa so với thành thị. Năm 2006, thu nhập của dân cư nông thôn chỉ bằng 54,6%, trong đó dân nông nghiệp chỉ bằng 48,3% thu nhập bình quân dân thành thị; cơ cấu kinh tế nông thôn đến nay vẫn mất cân đối lớn, chủ yếu là nông nghiệp 74,53%; nông nghiệp và xây dựng 9,73%; dịch vụ 15,74%. Môi trường nông thôn ô nhiễm nặng do phát triển khu công nghiệp do đô thị hoá, làng nghề, do sử dụng hoá chất trong trồng trọt chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, khai thác tài nguyên rừng, biển theo lối huỷ diệt môi trường vẫn diễn ra khắp mọi vùng miền và đã để lại hậu quả nặng nề. Đợt mưa lũ lớn vùng miền núi Bắc bộ năm 2008 là thí dụ cụ thể.

Nguyên nhân, nhận thức và chính sách đối với môi trường nông thôn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, do chưa đánh giá đúng mức vai trò của môi trường trong phát triển kinh tế, xã hội nông thôn nên có lúc, có nơi đã lấy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, kể cả sản xuất lương thực, nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức độ khác nhau. Và đến lượt nó, môi trường sinh thái bị phá vỡ, lập tức tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế. Môi trường đất bị phá vỡ, tỷ trọng diện tích đất bạc màu tăng cao, kéo theo môi trường nước và môi trường không khí bị ô nhiễm nặng, rừng giàu bị thu hẹp, rừng nghèo kiệt gia tăng, diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ bị chặt phá để trồng cà phê, nuôi trồng thuỷ sản, lấy gỗ quý đã đem đến hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Khả năng giữ nước, điều hoà không khí của rừng và đất rừng giảm mạnh, lũ lụt lớn từ thượng nguồn đổ xuống đồng băng ven biển với tốc độ nhanh, lũ quét, mưa đá, lốc xoáy ngày càng nhiều đã gây thiệt hại về kinh tế rất lớn. Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2007 lên tới 11,6 nghìn tỷ đồng bằng 1% GDP là hậu quả của môi trường bị ô nhiễm. Để tăng được 1% GDP chúng ta phải tăng trên 2% năng lượng trong khi đó tỷ lệ này ở một số quốc gia là 50% và 5% trong 10 năm.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn những năm qua và hiện nay là nghiêm trọng, đang làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, nhưng chưa được quan tâm là bài học đắt giá, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn.

2. Một số giải pháp phát triển Tam nông bền vững


Phát triển tam nông bền vững theo tinh thần Nghị quyết TW lần thứ bảy (khoá X) của Đảng là vấn đề quan trọng và cấp bách, lại có quan hệ mật thiết với nhiều ngành, nhiều cấp từ Trung ương đến địa phương và cơ sở và hàng chục triệu hộ nông dân. Vì vậy nghiên cứu các giải pháp cho vấn đề này phải xuất phát từ quan điểm toàn diện, khách quan vừa kế thừa có chọn lọc những tinh hoa, kinh nghiệm tốt đã tích luỹ được, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập, nhược điểm trong cơ chế chính sách, luật pháp… đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân hiện nay, từ đó đáp ứng được các yêu cầu và nội dung cơ bản của Nghị quyết TW 7 của Đảng.

Các giải pháp chủ yếu là:

- Đổi mới nhận thức của Nhà nước, các ngành các cấp về vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong tăng trưởng kinh tế chung và thực hiện công bằng xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc dân, cơ cấu lao động xã hội theo hướng CNH, HĐH. Theo đó, phát triển nông nghiệp toàn diện và vững chắc gắn với công nghiệp chế biến và thị trường xuất khẩu nông sản là yêu cầu và điều kiện tiên quyết để thực hiện CNH, HĐH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc dân. Muốn vậy, cần đổi mới quan điểm và nhận thức về vai trò và vị trí của mặt trận nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế quốc dân thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH phải gắn phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản với chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành này. Từ đổi mới nhận thức phải tạo sự đột phá về tổ chức và quản lý cùng với hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ sở pháp lý trong nông nghiệp theo hướng kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự quản lý của nhà nước theo quy hoạch và kế hoạch với cơ chế chính sách phù hợp. Trong cơ chế chính sách cần tập trung vào vấn đề bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá và hội nhập kinh tế. Phát triển nông thôn toàn diện cả về cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái. Cần khẩn trương nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các chính sách đối với giai cấp nông dân và lao động nông nghiệp trong quá trình CNH, HĐH và hội nhập phù hợp với Nghị quyết TW lần thứ 7 (khoá X) về Tam nông. Thu hẹp khoảng cách về thu nhập và đời sống giữa nông thôn và thành thị một cách cơ bản và lâu dài. Giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo và xu hướng tái nghèo ở nông thôn.

- Hoàn thiện các chính sách liên quan trực tiếp đối với sản xuất, thu nhập và đời sống của nông dân. Bên cạnh các chính sách đã có đang phát huy hiệu quả về sản xuất nông nghiệp hàng hoá cần nghiên cứu bổ sung các chính sách về xã hội, môi trường nông thôn, lao động việc làm và thu nhập của hộ nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy hoạch và chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản làm cơ sở cho kế hoạch hoá và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ưu tiên các vùng miền núi, vùng có nhiều trang trại, vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp, cây ăn quả gắn với quy hoạch các nhà máy chế biến nông sản, xuất khẩu. Trong quy hoạch sản xuất phải gắn với quy hoạch đào tạo nghề cho nông dân và giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất, bảo vệ môi trường sinh thái đất đai, rừng, biển, khí hậu.

- Đất đai là vấn đề lớn liên quan trực tiếp đối với nông nghiệp, xã hội nông thôn và đời sống nông dân, nên rất cần giải pháp đồng bộ, khả thi. Vấn đề cần nghiên cứu chính sách, luật pháp về đất đai hiện nay là một mặt phải ổn định đất nông nghiệp, đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng mặt khác vẫn phải tiếp tục thực hiện chính sách chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá qui mô lớn, chất lượng cao, giá thành hạ để tăng sức cạnh tranh. Theo hướng đó giải pháp trước mắt là:

- Đổi mới phương thức quản lý đất nông nghiệp. Đất đai là nguồn sống chính của giai cấp nông dân nên Luật Đất đai sửa đổi cần tập trung giải quyết tốt những mâu thuẫn hiện nay trong quản và sử dụng đất nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Đã đến lúc quản lý chặt, bảo vệ toàn bộ đất lúa hiện có. Nghiêm cấm việc chuyển đất 2 vụ lúa ăn chắc sang các mục đích khác ngoài quy hoạch của nhà nước. Để thực hiện giải pháp này, đề nghị bổ sung vào Luật Đất đai một số qui định nghiêm ngặt về quản lý và bảo vệ đất lúa, coi đất lúa là tài sản quốc gia, không được xâm phạm. Hướng sửa đổi là làm rõ vai trò nhà nước, hộ nông dân trong các quyền, sở hữu, quản lý, sử dụng, chuyển dịch, chuyển nhựợng đất nông nghiệp. Cùng với Luật, ngành Tài nguyên và môi trường cần đổi mới phương thức quản lý đất nông nghiệp nói chung, đất trồng lúa nói riêng theo hình thức thích hợp. Hướng lâu dài là chuyển từ phương pháp quản lý đất đai hành chính sang quản lý thị trường đất đai. Việc cấp phép cho các dự án đầu tư, xây dựng các KCN, KCX, sân golf… cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa sang các loại đất khác nhất thiết phải theo qui hoạch thống nhất của nhà nước và đền bù theo giá thị trường, có sự tham gia của hộ nông dân.

Đổi mới chính sách tài chính về đất đai theo hướng thu hẹp khoảng cách về giá đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá. Quá trình thu hồi đất nông nghiệp của hộ nông dân để xây dựng KCN, KCX, khu dịch vụ cao cấp, đô thị hoá, xây dựng kết cấu hạ tầng cần thực hiện theo cách thức: Xoá bỏ cơ chế 2 giá, thực hiện 1 giá đất khi thu hồi đền bù theo giá thị trường. Giải pháp này khắc phục được nhược điểm hiện nay là các doanh nghiệp có dự án thuê đất được nhận đất nông nghiệp đền bù theo giá nhà nước quá thấp, nhưng sau đó biến thành đất phi nông nghiệp, họ phân lô, kinh doanh bất động sản, mua đi bán lại, bán cho người tiêu dùng, trong đó có hộ nông dân bị thu hồi đất với giá cao gấp hàng trăm lần, thậm chí hàng nghìn lần gây thiệt thòi cho nông dân mất đất. Giá đất nông nghiệp quá thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ đất lấp đầy của các KCN, sân golf quá thấp hoặc quy hoạch treo quá nhiều. Cách thức giải quyết theo hướng: Giá cả đất đai theo giá thị trường; nông dân có quyền tham gia thương thảo giá đất nông nghiệp thu hồi; cho thuê đất nông dân có quyền được hưởng tỷ lệ từ tiền thuê đất hàng năm. Thực hiện chính sách tài chính cần thiết để bảo vệ môi trường sinh thái đất đai, nguồn nước, hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, bảo vệ độ phì của đất nông nghiệp, nhất là đất lúa hiện có.

- Tăng cường đầu tư vốn ngân sách Nhà nước cho nông nghiệp và nông thôn theo đúng quy định của WTO (10% giá trị thu nhập từ nông nghiệp). Đổi mới phương pháp đầu tư, chuyển từ đầu tư chiều rộng sang đầu tư chiều sâu, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, đưa nội dung đầu tư cho nông dân vào danh mục cơ cấu đầu tư... để tăng năng suất đi đôi với tăng chất lượng sản phẩm, tăng độ sạch nông sản, giảm chi phí trung gian, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới, tăng thu nhập và cải thiện mức sống của nông dân. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, mở rộng hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công, khuyến thương, đào tạo nghề cho nông dân, bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên: đất đai, mặt nước, rừng, biển, khí hậu… Đổi mới cơ chế chính sách nhằm thu hút vốn FDI, nguồn vốn ODA vào nông nghiêp, nông thôn và tạo việc làm mới cho nông dân.

- Hiện đại hoá công nghệ sau thu hoạch như phơi sấy, bảo quản, vận chuyển, chế biến nông lâm thuỷ sản theo hướng đồng bộ. Tổ chức lại mạng lưới thu gom nông sản hàng hoá theo chương trình liên kết chặt chẽ, có tính pháp lý cao giữa các doanh nghiệp với hộ nông dân hoặc người đại diện là Hội Nông dân cơ sở với sự tham gia của nhà khoa học.

- Tăng cường vai trò của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn và giai cấp nông dân tương xứng với vai trò vị trí của nó trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới, trong đó trọng tâm là hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp theo hướng bảo vệ các quyền lợi chính đáng của hộ nông dân, chủ thể của sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, đẩy nhanh tốc độ xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.

- Đổi mới và hoàn thiện Luật HTX năm 1996 để phù hợp với điều kiện hội nhập của nông nghiệp, từ đó thu hút hộ nông dân vào các HTX nông nghiệp kiểu mới đúng nghĩa, làm chỗ dựa vững chắc cho giai cấp nông dân trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới.

- Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với Hội Nông dân cả về tổ chức, cán bộ, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn trong mối quan hệ với các ngành các cấp trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, phẩm chất và tâm huyết với nông nghiệp, nông thôn và nông dân./.

 PGS.TS. Nguyễn Sinh Cúc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất