Sau 5 tháng, cả nước xuất siêu 1,88 tỷ USD. Trong số đó, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,52 tỷ USD, còn khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 8,64 tỷ USD.
Việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy hoạt động giao thương và nâng cao xuất khẩu.
NỖ LỰC VƯỢT KHÓ
Theo đại diện Bộ Công Thương, trong tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước.
Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng 4/2020, trong khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI cũng tăng 7,6% so với tháng 4/2020, đạt 11,9 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô).
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm hàng chính đều tăng trong tháng 5/2020. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản tăng 3,8%, ước đạt 2,1 tỷ USD. Ngoài ra, nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng 33,3%, ước đạt 170 triệu USD và nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 4,9%, ước đạt 15,12 tỷ USD.
Riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến, theo tính toán của Bộ Công Thương, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu, với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác cũng tăng 16,2% so với tháng 5/2019, đạt 1,75 tỷ USD.
Cũng theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 tăng mạnh 47% về lượng và 55,3% về trị giá so với tháng 4/2020, đồng thời tăng 11,7% về lượng và 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 750 nghìn tấn, trị giá 395 triệu USD.
Tín hiệu đáng mừng là giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 cũng tăng mạnh với giá bình quân đạt 527 USD/tấn (tăng 5,6% so với tháng 4/2020 và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019.)
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguyên nhân chính khiến hoạt động thương mại của Việt Nam giảm sút là do chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19 lây lan trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như: EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN...
TẬP TRUNG GIẢI PHÁP KHƠI THÔNG XUẤT KHẨU
Theo đại diện Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng Năm cả nước đã chi khoảng 19,4 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng, tăng 4,7% so với tháng trước.Tính chung 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ.
Trong đó khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập khẩu khoảng 41,9 tỷ USD, còn khối doanh nghiệp FDI nhập khẩu khoảng 55,54 tỷ USD.
Cũng theo đại diện Cục xuất nhập khẩu, nhóm hàng cần nhập khẩu, bao gồm nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước trong tháng Năm tăng 7,7% so với tháng 4/2020, ước đạt 17,32 tỷ USD. Lũy kế 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 86,18 tỷ USD, chiếm 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ thị trường Trung Quốc, trong 5 tháng cả nước đã chi 28,8 tỷ USD nhập khẩu từ thị trường này. Đứng thứ hai là Hàn Quốc đạt 17,27 tỷ USD; ASEAN đạt 11,79 tỷ USD.
Với con số trên, sau 5 tháng, cả nước tiếp tục xuất siêu 1,88 tỷ USD. Theo đó, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,52 tỷ USD, trong khi khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu 8,64 tỷ USD.
Nhìn lại giai đoạn dịch bệnh vừa qua, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết mức độ suy giảm của dệt may Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh chỉ bằng xấp xỉ 50%, điều này cho thấy việc Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh và nỗ lực sáng tạo của doanh nghiệp cũng đã hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực chung của thị trường.
“Tinh thần gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp, giữa các thành phần của chuỗi cung ứng, nhất là với doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước được nâng cao, đặc biệt tỷ lệ khai thác trong nước cũng được nâng lên,” ông Lê Tiến Trường nói.
Ở tầm vĩ mô, nhằm khôi phục sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu trong giai đoạn trong và sau dịch COVID-19, theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung.
Đặc biệt, để xúc tiến tiêu thụ trái vải, Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm vào nửa đầu tháng 6/2020 nhằm kết nối với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), là 2 tỉnh tiêu thụ chính trái vải Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Song song với đó, Bộ Công Thương tiếp tục trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc để sớm đẩy nhanh năng lực thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu cũng như có giải pháp đảm bảo vận tải giao thương ở biên giới và điều tiết lượng hàng hóa lên cửa khẩu, tránh để ùn tắc nhiều làm tăng chi phí..
Ông Hưng cũng cho biết, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ tập trung vào các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa./.
Theo Vietnam+