Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 27/8/2018 9:35'(GMT+7)

Doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy tiếp cận thị trường Trung Quốc

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Không còn là thị trường dễ tính 

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Thành viên Hội đồng tư vấn cải cách, Phó Chủ tịch thường trực DAA Việt Nam, do sự tương đồng văn hóa, ẩm thực và gần gũi địa lý nên nhiều năm nay Trung Quốc là thị trường chiến lược và đầy tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Riêng trong năm 2017, trong 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau củ quả thì Trung Quốc chiếm đến 76% giá trị. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chủ yếu nhiều loại nông sản của Việt Nam. 

Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản sang thị trường này còn bấp bênh. Xuất khẩu chủ yếu vẫn còn đi nhiều bằng đường tiểu ngạch nên không chú ý truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu. Nhiều trường hợp hàng hóa ứ đọng, giá giảm sâu, có khi bị đổ bỏ nơi cửa khẩu. Vấn đề minh bạch, uy tín trong hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. 

Đề cập cụ thể hơn cơ hội cho nông sản Việt ở thị trường Trung Quốc, ông Vĩ Tích Thành, Tham tán Kinh tế và Thương mại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, ẩm thực có vai trò lớn trong đời sống người dân Trung Quốc. Họ thích ăn, biết ăn và ăn rất khỏe. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chủ động mở rộng nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân và đã trở thành quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Hiện kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc chiếm 1/10 kim ngạch thương mại nông sản toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8,8%/năm. 

Những điều kiện trên là cơ hội to lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào Trung Quốc. Chỉ cần lưu ý hơn một chút về vấn đề thói quen tiêu dùng và sở thích của người dân Trung Quốc thì Việt Nam có thể mở rộng tiêu thụ hơn nữa ở thị trường này. Tuy vậy, vấn đề xuất khẩu nông sản Việt sang Trung Quốc hiện đang gặp một số khó khăn nhất định. 

Theo ông Thành, nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch. Tuy đây là một phần quan trọng của thương mại hai bên, nhưng mang tính tuỳ ý, không bền vững, có rủi ro lớn vì chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang làm. Sản xuất nông sản vẫn theo quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm không đồng đều và sức cạnh tranh không cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt chưa chủ động khai thác thị trường Trung Quốc, phần lớn nông sản xuất khẩu sang là do các thương lái sang tận nơi để tìm nguồn hàng. 

Dù là nước xuất khẩu nông sản lớn hiện nay nhưng Việt Nam vẫn thiếu thương hiệu về nông sản. Người tiêu dùng Trung Quốc, nhất là ở các thành phố lớn không có ấn tượng sâu sắc về hàng nông sản Việt Nam. 

Một thách thức nữa là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam còn chưa hiểu rõ về thị trường tiêu dùng Trung Quốc. “Nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc là nước đông dân và có sức tiêu thụ lớn, người tiêu dùng Trung Quốc không có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, bất cứ sản phẩm gì cũng có người mua. Thực tế không phải như vậy, yêu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày một tăng, thời kỳ mà chỉ cần ấm no đã là quá khứ,” ông Thành cho biết. 

Ông Vũ Tiến Hùng, Trưởng Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc) cũng thừa nhận rằng, hầu như các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện nay đều thiếu thông tin về thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, rất ít các doanh nghiệp tìm đến các phòng Thương vụ để tìm hiểu, chia sẻ thông tin, trong khi những thông tin này được cung cấp hoàn toàn miễn phí. 

Thay đổi cách tiếp cận 

Để khai thác tốt thị trường Trung Quốc, ông Vĩ Tích Thành cho rằng, về mặt quản lý vĩ mô, cơ quan quản lý Nhà nước phải chủ động nghiên cứu thị trường, nắm bắt tình hình và xu hướng phát triển của thị trường; xây dựng và phổ biến chính sách hướng dẫn sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, phải lưu ý vấn đề sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm đúng với nhu cầu thị trường, chứ không phải tiêu thụ những gì mình có. 

Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cần tích cực kết nối chính sách với cơ quan như Hải quan, Kiểm dịch thực vật của các nước hữu quan để tạo điều kiện thuận lợi và kênh thông thoáng cho thương mại nông sản. Phát huy vai trò các tổ chức tài chính, tín dụng, cùng chia sẻ rủi ro với nông dân. Tăng cường ứng công nghệ chế biến tiên tiến vào sản xuất, đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu. 

Với sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử như hiện nay, ông Thành cũng gợi ý các doanh nghiệp Việt Nam nên hợp tác với các doanh nghiệp thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc để mở các cửa hàng trực tuyến và cung cấp nông sản cho các siêu thị mới. 

“Các kênh lưu thông truyền thống có nhiều vướng mắc, thông tin thị trường không cập nhật đồng đều. Trong khi thương mại điện tử đang thu hẹp khoảng cách sản xuất và tiêu thụ, kết nối mở rộng tốt hơn thị trường tiêu dùng. Tuy vậy, để phát triển thương mại điện tử về nông sản đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống kho vận, đảm bảo chất lượng sản phẩm, vấn đề truy xuất nguồn gốc, nhân lực…,” ông Thành chia sẻ. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng, Trung Quốc là một thị trường tiềm năng truyền thống lâu nay của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, thị trường này đã có những sự thay đổi về mặt chất lượng thị trường, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi theo và phải có cách tiếp cận mới. 

Theo ông Toản, để xuất khẩu ổn định ở thị trường Trung Quốc, đầu tiên là khâu sản xuất phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường này; đồng thời, tập trung vào khâu đóng gói, chế biến để gia tăng giá trị cho nông sản Việt Nam. 

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, việc thúc đẩy xuất khẩu theo đường chính ngạch là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Do vậy, trong thời gian tới, hai nước cần có những cải thiện về cơ chế thương mại để ổn định vấn đề xuất khẩu và vì lợi ích hợp tác giữa hai bên. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành, Đại sứ quán, tham tán thương mại trong việc cập thông thông tin thị trường, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam… để việc tiếp cận thị trường Trung Quốc được hiệu quả hơn./. 

Theo VN+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất