Chỉ tính riêng trong 1 năm qua, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia
vào chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng mạnh từ con số 32 lên 63. Tuy
nhiên phần lớn mới chỉ đủ năng lực tham gia vào những công đoạn có giá
trị gia tăng thấp như in ấn, bao bì...
Theo thông tin từ Samsung Việt Nam, hiện số lượng doanh nghiệp Việt
Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng mạnh, đạt 63 doanh
nghiệp. Trong đó 11 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1, 52 doanh nghiệp
là nhà cung ứng cấp 2.
Chỉ tính riêng trong 1 năm qua, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham
gia vào chuỗi cung ứng của Samsung đã nhảy vọt từ con số 32 lên 63.
Cũng theo phía Samsung Việt Nam, hiện doanh nghiệp này vẫn đang tiếp
tục khảo sát năng lực của doanh nghiệp Việt Nam để đánh giá và thẩm định
năng lực trong việc cung ứng linh, phụ kiện cho các nhà máy của hãng
tại Việt Nam.
Từ tháng 9/2015 đến nay, Samsung đã tiến hành khảo sát đánh giá năng
lực, hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp như Chiến Thắng (cung cấp thỏi nhôm),
An Phú Việt (ép nhựa), Việt Hưng (in ấn và đóng gói), Thăng Long (in ấn
và đóng gói), Ngọc Khánh (dây và cáp điện), Goldsun (in ấn và bao bì)…
Theo chương trình này, Samsung cử các chuyên gia từ Hàn Quốc sang hỗ
trợ trực tiếp để các nhà cung ứng cải tiến quy trình sản xuất, hoàn
thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà
máy, đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thậm chí, những doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng chính thức của Samsung vẫn tiếp tục nhận được hỗ trợ.
Samsung hiện là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại
Việt Nam với 2 nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh (SEV) và Thái Nguyên
(SEVT), cung cấp 33% tổng sản lượng điện thoại toàn cầu của hãng.
Ngoài ra, việc đưa vào vận hành khu tổ hợp Điện tử gia dụng Samsung
tại TP.HCM được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất tivi
và thiết bị điện tử gia dụng của tập đoàn này trên toàn cầu.
Đáng chú ý, ngay từ khi đặt chân vào thị trường Việt Nam, Samsung đã
có nhu cầu mua linh phụ kiện tại Việt Nam để nội địa hóa sản phẩm song
các doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được từ sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa,
tai nghe... hoặc không đáp ứng được điều kiện sản xuất của Samsung về
công nghệ, giá thành.
Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam mới tham gia được vào những công
đoạn có giá trị gia tăng thấp (như in ấn, bao bì) do năng lực sản xuất
trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế.
Theo đánh giá, nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong nước còn hạn chế
khi tham gia vào công nghiệp phụ trợ chủ yếu do chưa có kinh nghiệm cung
ứng cho nhà sản xuất lớn, chưa có hệ thống marketing tiếp cận được
khách hàng, thiếu vốn, yếu về công nghệ./.
Theo ICTnews