Thứ Sáu, 29/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 12/5/2016 17:27'(GMT+7)

Thúc đẩy thanh toán điện tử để tập trung tạo đà phát triển thương mại điện tử

Toành cảnh Hội thảo (Ảnh DP)

Toành cảnh Hội thảo (Ảnh DP)

Sáng ngày 11/5, tại Hà Nội, Hội thảo Dịch vụ thanh toán điện tử với phát triển TMĐT - Xu thế và đổi mới do Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với một số cơ quan liên quan  tổ chức. Tới dự Hội thảo có đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cùng đông đảo đại diện lãnh đạo, các nhà quản lý, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội, doanh nghiệp, ngân hàng và các trường đại học.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, hiện nay trên thế giới, các nước đang đứng trước một kỷ nguyên phát triển công nghệ mạnh mẽ, trong đó có TMĐT. Ở Việt Nam, TMĐT cũng đang là một lĩnh vực hấp dẫn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và đông đảo người dân.

Các ứng dụng TMĐT ngày càng phổ biến. TMĐT không chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… mà đã mở rộng trên phạm vi của cả nước. Nhiều mô hình kinh doanh mới đa dạng hình thành và được doanh nghiệp vận hành triển khai rộng rãi. Cùng với sự phát triển của TMĐT, các dịch vụ thanh toán điện tử cũng đã và đang phát triển nhanh chóng đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của TMĐT.

Theo Báo cáo tại Hội thảo cho biết: Kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin năm 2015 cho thấy, doanh số TMĐT theo hình thức B2C (doanh nghiệp - khách hàng) đạt khoảng 4,07 tỷ USD - tăng 37% so với năm trước, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trong khi đó, tỉ trọng này tại Mỹ và Trung Quốc tương ứng là 10% và 15%.

Tuy nhiên, thực tế thanh toán điện tử chưa tương xứng với tiềm năng làm ảnh hưởng đến sự phát triển TMĐT nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung. Theo đó, thanh toán tiền mặt vẫn chiếm phần lớn ở các webiste TMĐT. Cụ thể, chỉ có 53% website có chức năng đặt hàng trực tuyến và 17% website chấp nhận thanh toán trực tuyến.

Nhiều ý kiến chia sẻ tại Hội thảo cho rằng, hiện nay tỷ lệ thanh toán trực tuyến cho các đơn hàng còn thấp. Chẳng hạn như ngày mua sắm trực tuyến 2015 có hơn 800.000 đơn hàng với tổng giá trị 600 tỷ đồng nhưng thanh toán trực tuyến chỉ chiếm hơn 3%. Dẫu vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, việc sử dụng các hình thức chi trả trực tuyến như thẻ tín dụng, ví điện tử sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, những năm gần đây, thu nhập của người dân dần tăng lên, nhu cầu mua sắm, du lịch ngày càng phát triển.

Theo thống kê, tổng lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành trên thị trường Việt Nam là hơn 102 triệu thẻ (cao hơn cả dân số Việt Nam hiện nay - hơn 90 triệu người), trong đó, thẻ quốc tế là trên 6 triệu thẻ. Bên cạnh đó, lượng khách hàng thanh toán bằng chuyển khoản khi mua hàng qua mạng đã tăng từ 14% lên 48% trong năm 2015. Đây chính là những cơ sở cho việc phát triển thanh toán trực tuyến ở Việt Nam.

Theo dự báo của các chuyên gia tại Hội thảo, Thanh toán điện tử có tiềm năng rất lớn và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới vì Việt Nam có tỷ lệ dân số cao, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và truy cập internet tăng nhanh cùng với hạ tầng công nghệ khá tốt và không ngừng được cải thiện.

Thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác khu vực và quốc tế này để thực hiện tốt các cam kết quốc tế về TMĐT nhằm xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về trao đổi dữ liệu điện tử trong nước hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.

Thanh Xuân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất