Thứ Sáu, 20/9/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 24/6/2017 15:52'(GMT+7)

Độc đáo nghệ thuật cộng đồng

Họa sĩ Linh Rab (ngoài cùng bên trái) trao đổi về ý tưởng tác phẩm với người tham dự triển lãm "Cụng, đụng, chạm". Ảnh: NGUYỄN TÙNG

Họa sĩ Linh Rab (ngoài cùng bên trái) trao đổi về ý tưởng tác phẩm với người tham dự triển lãm "Cụng, đụng, chạm". Ảnh: NGUYỄN TÙNG

Lưu trú và đồng sáng tác

Đến thăm triển lãm “Cụng, đụng, chạm” được tổ chức những ngày giữa tháng 6 tại Hà Nội, người xem chỉ thấy vỏn vẹn bốn tác phẩm được trưng bày thuộc các loại hình: mỹ thuật, nhiếp ảnh, phim ngắn và biểu diễn trình chiếu rối. Song tìm hiểu từng tác phẩm mới bất ngờ khi biết đó không phải sáng tác của một cá nhân đơn lẻ mà là thành quả từ quá trình lưu trú và đồng sáng tác của các nghệ sĩ và cộng đồng bản địa. Trong tháng 5 vừa qua, bảy nghệ sĩ trẻ quan tâm tới đa dạng văn hóa (nhóm “tạo hình”) đã tới sinh sống với đại diện gia đình các thành viên thuộc nhóm “tạo hình” - những người thuộc nhóm “Tiên phong vì tiếng nói dân tộc thiểu số” để nghe họ nói, kể chuyện, trao đổi và chia sẻ những góc nhìn, cách nghĩ, nếp sinh hoạt bản địa - những điều mà dường như đối với giới trẻ thành thị vẫn còn nhiều xa lạ. Để rồi, những cụng, đụng, chạm rất nhẹ về văn hóa ấy đã giúp hai nhóm “tạo hình” và “tạo tiếng” đồng sáng tạo những tác phẩm độc đáo.

Với sự giúp đỡ của gia đình anh Khang A Tủa, họa sĩ trẻ Nguyễn Thế Linh (Linh Rab) đã có quãng thời gian đáng nhớ với cộng đồng người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) để cùng họ vẽ lại chính câu chuyện cổ tích của dân tộc mình. Bức tranh mang tên “Chuyện ra đời các dòng họ người Mông” được Linh cùng hơn 100 học sinh Trường tiểu học Chế Cu Nha thực hiện trong thời gian hai tiết học trên tấm giấy khổ lớn dài 2 m, sau khi các em được nghe kể chuyện về vùng đất nơi mình sinh ra bằng tiếng Kinh và tiếng Mông. Những nét vẽ còn thô mộc, cách dùng mầu sắc còn vụng về song từng hình ảnh nếp nhà, khói bếp, cối xay... vẫn gây xúc động cho người tham dự khi thể hiện được tình cảm, thế giới quan sinh động của các em nhỏ người Mông. Trong thời gian ở đây, Linh thực hiện được nhiều bức tranh có sự tương tác với người bản địa, nhất là cuốn truyện tranh dày 30 trang do Linh chuyển thể và minh họa từ chuyện cổ tích của người Mông. Nhiều câu chuyện thú vị đã cho anh những dữ liệu, ý tưởng để sắp tới sẽ thiết kế một tài liệu du lịch lưu trú dưới dạng minh họa truyện tranh…

Cũng là tiếp cận văn hóa dân tộc Mông, nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Đào lại đến với gia đình chị Hạng Thị Xa ở bản Tả Phìn (Lào Cai) để tìm hiểu về những cây thuốc và giới thiệu qua bộ ảnh nghệ thuật “Cây thuốc ở nhà”. Trong ghi chép của mình, Hà Đào chia sẻ: Với người Mông - dân tộc luôn sống giữa núi rừng và canh tác trên đất dốc, những cây thuốc không chỉ là quà tặng của thiên nhiên mà còn là niềm tin vào vạn vật hữu linh, là sợi dây gắn kết gia đình và làng xóm, ẩn chứa mối quan hệ giữa con người với môi trường chung quanh. Việc gìn giữ cây thuốc còn giúp bảo tồn văn hóa, tri thức truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trong quá trình hiện đại hóa. Chị Hạng Thị Xa cho biết, theo phong tục người Mông, chữa bệnh bằng thuốc nam là nghề bí truyền, không dạy cho người ngoài. Song hiện nay, các cây thuốc không còn được nhiều người Mông biết, lớp trẻ thường đi học xa, người già khó truyền lại được. Vì thế, chị hy vọng bộ ảnh về cây thuốc phổ biến có sẵn trong vườn nhà sẽ giúp lưu giữ những tri thức về thuốc nam và nghề chữa bệnh gia truyền bằng thuốc nam của người Mông.

Trong khi đó, những hiện thực sinh động về cuộc sống của người dân di cư làm kinh tế mới từ những năm 1990, 1991 tại xã Đác R’măng, huyện Đác Glong, tỉnh Đác Nông lại thu hút nhóm nghệ sĩ Lê Xuân Phong, Nguyễn Vũ Hải, Phạm Trang Mỹ Linh, Hà Mỹ Hằng tới tìm hiểu. Câu chuyện của ba thế hệ người Thái là cô Vượng, chị Thanh, bà Quang, ông Cộng đã được các nghệ sĩ và người dân, thiếu nhi thôn 4, xã Đác R’măng kể lại qua những con rối và bàn tay. Trong đó, có đôi tay hằn những nếp nhăn nắn nót viết chuyện về phong tục cưới xin của người Thái, có đôi tay thô phác cần mẫn khâu từng đường kim trên chiếc áo khóm tí hon, và có cả những đôi tay nhỏ xinh nặn câu chuyện tình yêu bằng đất sét... Một tổ hợp các sáng tạo tương tác với rối, sắp đặt âm thanh, ảnh trình chiếu trên chất liệu giấy xi-măng đã giúp người xem khám phá nhiều nét văn hóa trong đời sống tinh thần của người Thái ở Đác Nông…

Bằng một hình thức thể hiện khác, đạo diễn Hà Lệ Diễm lại tới với Sa Pa (Lào Cai) để hiểu hơn cuộc sống của trẻ em nơi đây. Diễm không trực tiếp làm mà hướng dẫn các em nhỏ một số thao tác quay phim cơ bản để từ đó, các em được tự do hiện thực hóa những cảm nhận, góc nhìn của mình về cuộc sống. Các cảnh quay chưa thật nuột, góc máy còn rung nhưng những thước phim của “Vùng đất mộng mơ” có thể xem là cận cảnh vô cùng chân thực về những ý niệm tuổi thơ đầy hồn nhiên, sinh động của những em nhỏ Má Thị Di, Má Thị Mảo, Má Thị Xa, Má Thị Dở, Má Thị Vu…

Đối thoại văn hóa

“Cụng, đụng, chạm” là dự án được tổ chức với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội. Những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm chính là thành quả nghệ thuật từ lần cụng, đụng, chạm đầu tiên. Lý giải về cái tên có phần “lạ và độc” của chương trình, anh Trương Minh Giang, thành viên Ban tổ chức cho biết: Những người làm nghệ thuật và cộng đồng, những người thành thị và đồng bào dân tộc thiểu số với vốn tri thức, kỹ năng và góc nhìn khác nhau về khung văn hóa có cơ hội “chạm” vào nhau, tương tác. Kết quả của quá trình tiếp xúc này không chỉ tạo ra những câu chuyện, tác phẩm giúp gắn kết con người, văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc mà còn tạo nên những sợi dây liên kết thông qua những câu chuyện bên lề, những kỷ niệm, bí mật, ký ức, và cả những khoảnh khắc riêng tư. Với Linh Rab, đó là niềm xúc động vô bờ của người truyền cảm hứng khi có những em nhỏ người dân tộc thiểu số tìm tới tận nơi nhờ “thầy Linh” chỉ cách vẽ tranh. Với Hà Đào, đó là khám phá thú vị khi nhận ra người Mông chỉ hái thuốc vào sáng sớm và chiều muộn vì tin rằng đây mới là thời điểm thuốc linh nghiệm nhất... Hay với Hà Lệ Diễm, là những kỷ niệm mặn vị mồ hôi khi đi cấy cùng bà con, là sự bất ngờ xen lẫn hạnh phúc khi có một em nhỏ nghĩ ra cách quay ngược máy, đặt vào một góc cố định để tự quay hình ảnh của mình... Chị Đỗ Tường Linh - giám tuyển chương trình, chia sẻ: Mong muốn lớn nhất của “Cụng, đụng, chạm” là tạo nên những đối thoại và sự chia sẻ học hỏi từ hai bên. Hai nhóm “tạo hình” và “tạo tiếng” đã bước ra khỏi thế giới của mình để gặp nhau ở một khoảnh khắc, không gian nhất định.

Và dù những nghệ sĩ tham gia dự án lưu trú này đều khiêm tốn tự nhận các tác phẩm chưa hẳn đã mang tính nghệ thuật cao; song rõ ràng, thành quả này đã thể hiện giá trị tinh thần đáng quý, khi mà nhóm “tạo hình” có cơ hội học tập tri thức bản địa, nhóm “tạo tiếng” được học hỏi thêm các hình thức tự do thể hiện, từ đó mở ra mong muốn khám phá nhiều hơn, sâu hơn trong tương lai. Đáng nói hơn, “Cụng, đụng, chạm” đã tiên phong cho một cách thức, sáng tạo mới. Để từ đó, người tham gia sáng tạo và cả người xem nhận ra văn hóa luôn là số nhiều, luôn đa dạng và có sự giao thoa, biến chuyển. Điều cốt yếu là biết quan sát và thực hành văn hóa ở nhiều chiều, để thật sự thấu hiểu những giá trị của thực hành văn hóa trong cuộc sống, nhất là trong bối cảnh hội nhập.


Trang Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất