Từ lối vào trải kín rơm vàng, không gian rộng lớn của khu vực trước chợ vùng cao tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) được sử dụng để tái hiện chợ quê với rất nhiều gian hàng dọc các lối đi. Mỗi gian hàng dựng bằng tre, mái lá mang tới những món quà quê khác nhau.
Phong phú nhất là các gian hàng ẩm thực. Từ gian hàng bánh đúc chấm tương, bánh đúc riêu cua, bánh rán nước, bún riêu, bánh cuốn, bánh tẻ, chè đỗ đen, chè đỗ xanh, thịt lợn quay đòn… phục vụ du khách thưởng thức ngay tại chỗ, tới những gian hàng bán các loại bánh lá như bánh tẻ, bánh giò, bánh gai, bánh khoai, bánh nếp, tới gian hàng bán chè lam, kẹo lạc, kẹo dồi, bánh đa nướng, bánh giày…
Cô Giang Thị Liên, trú tại xóm 4, thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, chủ một gian hàng cho biết, hai ngày qua, các mặt hàng bánh tẻ, bánh nếp, bánh khoai đều rất đắt hàng. Mọi người vừa được thưởng thức, vừa được bà chủ giới thiệu về đặc sắc riêng với từng loại bánh đặc sản này của làng cổ Đường Lâm, đồng thời nghe kể về không khí chợ quê tại chợ Mía của làng.
Không chỉ có các món ăn của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, tại chợ quê có góp thêm những gian hàng bán các món ăn thịt gác bếp, xôi nếp nương của đồng bào dân tộc Thái, đặc sản thịt lợn hun khói miền núi…
Nhiều gian hàng bày bán các sản phẩm nông sản của địa phương như khoai, sắn, rau sạch, hoa quả, trái cây như bưởi, chuối, cam…, gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, làm nón lá, sản phẩm dệt thổ cẩm…
Theo thông tin từ Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các nghệ nhân, chủ gian hàng có mặt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đều đến từ các làng nghề truyền thống như làng nghề nấu rượu và làm bánh giày (Đan Phượng, Thường Tín), làng nghề làm nón lá (Thái Nguyên), bánh đa Kế (Bắc Giang), chè lam, bánh tẻ Đường Lâm, tò he Xuân La (Hà Nội), làng dệt thổ cẩm Mai Châu (Hòa Bình)…
Gợi lại không khí chợ xưa
Biểu diễn hát xẩm.
Đông khách nhất trong các gian hàng tại Chợ quê là những gian hàng nước. Mọi người đều thích thú với những bát nước vối ấm nóng được bà chủ rót ra bát mời khách, không quên bày đĩa kẹo lạc, chiếc bánh đa bên cạnh. Ông Nguyễn Văn Đức, đến từ phố Minh Khai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ, dù thỉnh thoảng ông vẫn được con cháu biếu nụ vối để uống, nhưng không thấy ngon bằng bát nước vối ngay tại đây, giữa những chiếc ghế tre mộc mạc, bên cạnh là những du khách đến từ nhiều nơi, thân thiện và cởi mở giao lưu với nhau.
Các nghệ nhân làng tò he Xuân La nặn bông hoa, con vật, nhân vật hoạt hình…trong ánh mắt háo hức của trẻ em. Người thợ làng nón sau khi trưng bày các loại nón, mũ lá lại miệt mài xếp lá để khâu nón mới. Hay người chủ gian hàng vừa thoăn thoắt quay chiếc đòn đang buộc thịt lợn để nướng vừa vui vẻ chào mời du khách mua hàng.
Tái hiện lại không khí xưa là mục đích thực hiện chương trình “Chợ quê - nét văn hóa của dân tộc Việt Nam”. Tại đây, nơi cây đa đầu chợ có các nghệ sĩ nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn các bài hát xẩm chợ. Khu vực hồ rộng ngay cạnh khu vực chợ thành nơi trình diễn các tích trò múa rối cổ truyền Tễu giáo đầu, đấu vật, đánh bắt cá, múa rồng, múa lân, rước ảnh Bác Hồ, chống mất cắp cổ vật, Tây du ký…do phường múa rối nước thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương thực hiện.
Không chỉ được đi chợ, mua đồ, du khách tới đây còn được tham gia các trò chơi dân gian như bắt chạch trong chum, bịt mắt đập niêu, ném bóng ống bơ, thi làm bánh, làm kẹo… Những trải nghiệm tại chợ quê đã đưa du khách trở về với không gian ký ức của phiên chợ xưa, đồng thời góp phần làm phong phú và đa dạng các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, thu hút du khách tới “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.