Thứ Tư, 30/10/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 14/9/2021 10:22'(GMT+7)

Đọc sách mùa giãn cách

Chương trình “Sách trao tay, học ngày giãn cách”, mang hàng nghìn đầu sách hay đến các khu phong tỏa tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh: nhandan.vn)

Chương trình “Sách trao tay, học ngày giãn cách”, mang hàng nghìn đầu sách hay đến các khu phong tỏa tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh: nhandan.vn)

1. Đúng vào những ngày đầu tháng 9, Huỳnh Quốc Cường (phường Tân Hưng, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) nhận được kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Vậy là “thoát nạn”. Cường đã tổng kết hành trình 28 ngày chiến đấu với dịch COVID-19 bằng bài viết nho nhỏ trên Facebook: Khi văn chương đồng hành qua dịch bệnh. Vào thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội, Cường nghĩ rằng, mình sẽ có một “mùa hè yên bình”. Nhưng sự thực diễn ra vô cùng nghiệt ngã. Ngoài ba Cường ăn, ở tại chỗ ở công ty, bà nội và má lần lượt trở thành F0 khi khu phố xét nghiệm rà soát. Chỉ còn hai anh em ở nhà tự lo cho nhau, hằng ngày, chỉ biết cầu nguyện và hy vọng cho sức khỏe của bà nội và má. “Giữa những lúc hoảng loạn, sợ hãi khi hai anh em cách ly tại nhà còn bà và má cách ly tập trung thì những quyển sách đã trở thành bạn đồng hành khi một mình trong phòng sau một ngày lo cơm nước”, Cường đã viết thế. Một tuần sau khi bà và má vào viện, Cường chính thức trở thành F0, điều trị tại nhà.

Lo lắng, hoảng loạn một lần nữa lại nhân lên. Nhưng cùng với kiên trì các biện pháp chống lại virus quái ác, Cường vẫn không quên tìm sự bình tâm trong những cuốn sách. Sau hành trình cùng Okada Toru độc hành đi tìm kiếm người vợ của mình trong “Biên niên kí chim vặn dây cót” (Haruki Murakami), Cường “ghé thăm” Trung Quốc những ngày Nam Kinh thất thủ với “Kim Lăng thập tam thoa” của Nghiêm Ca Linh, để cảm nhận nỗi đau của chiến tranh, để tìm thấy thông điệp hòa bình đầy ý nghĩa từ những đau thương ấy. Hành trình đọc sách đưa Cường đến châu Âu với tác phẩm “Người đọc” - một câu chuyện tình yêu đẹp đẽ với sự kết nối bằng sách giữa cậu bé 15 tuổi và một cô gái 36 tuổi không biết chữ; rồi châu Mỹ, và quay lại Trung Quốc, “gặp” Khổng Ất Kỷ của Lỗ Tấn. Hành trình 28 ngày chống chọi virus SARS-CoV-2, được Cường biến thành 28 ngày đọc sách. Khi khép cuốn “Khổng Ất Kỷ”, cũng là lúc, Cường chiến thắng dịch bệnh.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Giữa lúc nhiễm COVID-19, một ngày, Cường nhận được tin bà nội không qua khỏi. Không được dự tang lễ, không một cái nắm tay lần cuối với bà. Song, văn chương, đã làm dịu đi nỗi đau mất mát trong lòng chàng sinh viên trẻ tuổi K45, Khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Hôm nay, Cường đã bình tâm hơn để nhìn lại chặng đường vừa đi qua. “Dịch bệnh, giãn cách, mọi người phải ở yên tại chỗ. Nếu những ngày bình thường phải làm việc, lo cơm áo gạo tiền thì khi dịch phải ở nhà, không được đi đâu, cách giải trí tốt nhất là đọc sách. Em vốn hay đọc sách, và mua nhiều sách, nên coi đây là cơ hội để “giải quyết” những cuốn sách mình mua mà chưa có cơ hội đọc. Tất nhiên, sách còn giúp em vượt qua những đau thương”, Huỳnh Quốc Cường chia sẻ.

Cán bộ Quận đoàn Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh) chuẩn bị sách phát cho người dân trong khu phong tỏa. (Ảnh: nhandan.vn)

2. Dịch bệnh khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải giãn cách xã hội. “Ai ở đâu, ở yên đó”. Việc ở nhà khiến nhiều người kêu chán nản. Nhưng rất nhiều người đã chuyển hóa thời gian “ở tại chỗ” thành những việc làm hữu ích. Đọc sách, chính là một trong số đó. Không ai muốn gặp hoàn cảnh như Huỳnh Quốc Cường. Nhưng những gì Cường trải qua, đã cho thấy giá trị lớn lao của văn hóa đọc.

Cũng bởi thế, khi dịch bệnh đang trong giai đoạn phức tạp nhất, thì rất nhiều người đang “căng mình” lan tỏa giá trị văn hóa đọc. Đó là câu chuyện của những quản trị viên diễn đàn “Hội yêu thích văn học kinh điển”. Năm quản trị viên vừa hoàn thành chấm giải cuộc thi viết “Tôi yêu văn học”. Được phát động từ ngày 25/7 và kết thúc vào 25/8, cuộc thi viết “Tôi yêu văn học” đã thu hút 78 bài thi. Nguyễn Thư, quản trị viên diễn đàn cho biết, Ban tổ chức rất ngạc nhiên khi có nhiều độc giả trẻ tuổi viết về những tác phẩm “rất khó”, ví như “Giết con chim nhại” của Harper Lee hay “Siddartha - Câu chuyện dòng sông của Herman Hesse”... 25/7 là ngày “Hội yêu thích văn học kinh điển” đạt 30 nghìn thành viên, sau hơn một năm ra đời. Đó là lý do diễn đàn tổ chức cuộc thi viết. Nhưng còn lý do quan trọng thứ hai: Tạo cho cộng đồng một sân chơi trong giai đoạn giãn cách xã hội, khuyến khích mọi người đến với văn hóa đọc. Số lượng bài thi không lớn, nhưng luôn luôn có một lượng “fan” hết sức đông đảo theo dõi, tương tác mỗi khi các bài thi được công bố.

Sáng lập ra diễn đàn về văn học kinh điển nhiều thành viên nhất Việt Nam trên Facebook hiện giờ là một chàng trai mới 24 tuổi - Nguyễn Cửu Hoài Đức, hiện sinh sống tại Thừa Thiên Huế. “Văn học kinh điển dù là của Pháp, Anh, Nga hay Việt Nam đều mang những giá trị nhân văn, giá trị đạo đức sâu sắc không gì thay thế được. Nhưng thực tế, nhiều người “ngại” đọc các tác phẩm kinh điển, thích những truyện “dễ đọc”, những tập sách nặng tính giải trí. Em lập ra diễn đàn để mong mọi người đến với những tác phẩm kinh điển. Trong lúc dịch bệnh thế này, rất cần sự yêu thương, sẻ chia, thì những giá trị đạo đức, nhân văn của các tác phẩm kinh điển càng ý nghĩa”, Hoài Đức cho biết. Phải mất hơn một năm, Hội yêu thích văn học kinh điển mới thu hút 30 nghìn thành viên. Nhưng chỉ trong hơn một tháng gần đây, số thành viên đã tăng lên 45 nghìn. Điều đó phần nào cho thấy, văn hóa đọc là điều tích cực hiếm hoi trong mùa dịch.

Tương tự, các diễn đàn trên mạng xã hội như: Hội yêu sách, Hội yêu sách và thích chia sẻ sách hay, Hội mê sách văn học, câu lạc bộ đọc sách phát triển tư duy... cũng xuất hiện nhiều “review” hấp dẫn hơn, số lượt tương tác về các tác giả, tác phẩm cũng tăng lên trong thời gian giãn cách. Ở đó, độc giả sẽ được tiếp cận vô vàn góc nhìn về những tác phẩm văn học, hay những điều thú vị qua những cuốn sách về kỹ năng sống, lịch sử, khoa học... Nhưng không chỉ có “ảo”, nhiều diễn đàn, nhiều nhà xuất bản, địa phương... đã có hoạt động tặng sách cho các khu cách ly, tặng sách cho cộng đồng. Một thành viên của chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam”, anh Đỗ Tiến Thành đã sớm có ý tưởng tặng sách trong mùa dịch từ năm 2020. Ở đợt dịch lần thứ tư, Đỗ Tiến Thành cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương quyên góp được 34 triệu đồng mua sách tặng các em học sinh một số huyện của tỉnh Bắc Giang. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, “tâm dịch” của cả nước, chương trình “Sách trao tay, học ngày giãn cách” (do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp một số đơn vị thực hiện), “Khép cửa đọc sách” (Quận đoàn Phú Nhuận phối hợp cùng Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh triển khai)... cũng đã giúp hàng nghìn gia đình tăng “sức đề kháng” tinh thần. Tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội, trên cơ sở Tủ sách cộng đồng vốn có ở các thôn, làng, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã triển khai chương trình “Sách trao tay, đọc ngày giãn cách”. Chị em phụ nữ quyên góp thêm sách và đưa sách đến từng hộ gia đình. Những cuốn sách từ lịch sử đến văn học, sách nghiên cứu, khoa học, y học, kỹ năng sống... là nhu yếu phẩm tinh thần ý nghĩa.

3. Dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương là người đã viết và dịch khoảng 70 cuốn sách về lịch sử, văn hóa, giáo dục. Anh tự nhận là “người bán sách rong” và cũng là người đưa ra “tuyên ngôn”: Nếu tạo được thói quen đọc sách trong 12 năm học phổ thông thì học sinh có phông nền còn tốt hơn sinh viên đại học. Nhưng tạo được thói quen ấy không phải điều đơn giản. “Mùa dịch”, với nhiều người, cũng là “mùa gieo mầm” đọc sách. Từ đầu đợt dịch nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đã có buổi thuyết trình trực tuyến với chủ đề “Đọc sách trong mùa dịch COVID-19 và nghỉ hè”. Anh cũng là người thường xuyên “chăm sóc” Facebook bằng những “tút” về văn hóa, văn hóa đọc. Nguyễn Quốc Vương cho biết: “Tôi cho rằng, cần tranh thủ thời gian giãn cách khi trẻ không được ra ngoài để hướng dẫn trẻ vào hoạt động đọc sách. Trước hết, phải hạn chế trẻ sử dụng điện thoại, ipad, tivi. Trong lúc trẻ đọc, cha mẹ nên đọc sách cùng con, hoặc đọc sách của mình. Tiếp đó, cần tạo ra môi trường đọc sách như có tủ sách gia đình, bổ sung sách phong phú phục vụ nhu cầu đọc của trẻ. Cha mẹ nên đọc sách cho con nếu con còn nhỏ. Với trẻ đã tự đọc được thì cha mẹ trao đổi, nói chuyện với con về những cuốn sách con đang đọc”.

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh là sáng lập Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” hơn 10 năm qua. Chị cũng coi dịch bệnh, giãn cách đó là một “cơ hội” để giúp trẻ em gắn bó với sách. Do đó, năm 2020, vào những ngày giãn cách xã hội toàn quốc, Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” đã ra đời chương trình “Sách Ru” trên YouTube.com. Mỗi chương trình, có một “phù thủy đọc sách” dẫn dắt các bé vào thế giới của kiến thức. Có khi đó là những câu chuyện, những khám phá về thế giới chung quanh, nhưng cũng có khi cuốn sách giới thiệu về kỹ năng sống, những vấn đề mà phụ huynh và các em đang gặp phải trong cuộc sống… Rất nhiều bài học được rút ra từ “Sách Ru”. Đó là con đường khiến mọi người hiểu giá trị của sách, gắn bó hơn với sách. Ở “mùa giãn cách” năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh vẫn hết sức bận bịu. Ngoài việc “Sách Ru” tăng thời lượng lên ba lần mỗi tuần, chị còn tham gia nhiều chương trình khác để khuyến khích văn hóa đọc.

Mùa dịch, giãn cách có thể nhàm chán. Nhưng cũng có thể là “mùa đọc sách”, thời gian trôi đi không vô ích, tùy thuộc vào lựa chọn mỗi người./.

Chí Dũng (nhandan.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất