Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 25/2/2014 20:22'(GMT+7)

Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH đất nước

Phiên họp tập trung thảo luận ba đề án liên quan giáo dục và đào tạo (GD-ÐT): Ðề án Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng, nêu rõ các nhiệm vụ chủ yếu, trong đó đáng chú ý là: tổ chức tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội về vai trò lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ÐT; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình giáo dục tất cả các bậc học, ngành học theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực người học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, coi trọng quản lý chất lượng...

Ðề án thành lập Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo nêu rõ, chức năng của Ủy ban là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đổi mới căn bản, toàn diện GD-ÐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Ðề án Xây dựng chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông sau 2015 nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm gồm: tổng kết kinh nghiệm xây dựng chương trình SGK, đánh giá chương trình, SGK hiện hành của Việt Nam, tham khảo, học tập xu thế và kinh nghiệm quốc tế; xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới; biên soạn SGK, thử nghiệm, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và ban hành chương trình, SGK mới; biên soạn sách hướng dẫn dạy - học theo chương trình, SGK thử nghiệm và chương trình, SGK mới; triển khai chương trình, SGK mới.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Hội đồng nhất trí cho rằng, trong tiến trình CNH, HÐH, nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó, Chương trình hành động của Chính phủ cần bám sát chín giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29. Trong đó, đội ngũ nhà giáo có vai trò then chốt, yếu tố quyết định trong đổi mới GD-ÐT. Tuy nhiên, chính sách với nhà giáo còn nhiều bất cập. Công tác quản lý giáo dục phức tạp, còn nhiều bất cập, yếu kém. Có thành viên đề nghị nêu bật vai trò quan trọng của xã hội hóa giáo dục bởi không một quốc gia nào có đủ ngân sách nhà nước cho giáo dục. Muốn phát triển trường tư thục thì Nhà nước phải có chính sách kiểm soát, quản lý chất lượng, tạo mọi điều kiện để hệ thống tư thục phát triển nhưng không được thả nổi... Một điểm quan trọng nữa là đào tạo phải gắn với sử dụng. Hiện nay, vẫn còn tình trạng đào tạo một đằng, tràn lan nhưng sử dụng một nẻo. Do đó, cần có cơ chế liên kết giữa các trường với đơn vị sử dụng lao động. làm tốt công tác hướng nghiệp trong nhà trường, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học tại các trường đại học. Cơ quan quản lý lao động cần xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực, không để gây lãng phí cho xã hội, Nhà nước...

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ GD-ÐT tiếp thu các ý kiến thảo luận, đóng góp của các thành viên Hội đồng, các bộ, ngành tại phiên họp để hoàn thiện ba nội dung được thảo luận tại phiên họp.

Về Chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ÐT rà soát, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện để Chính phủ ban hành Chương trình hành động vào tháng 3-2014 trên tinh thần bám sát Nghị quyết của T.Ư từ quan điểm, mục tiêu tới nhiệm vụ, giải pháp; bảo đảm GD-ÐT thật sự là quốc sách hàng đầu, thật sự được đổi mới căn bản, toàn diện để đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN; bám sát nhiệm vụ cụ thể nhằm thể chế hóa Nghị quyết để hành động, trong đó hết sức quan tâm đến các giải pháp đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm và phải có tính khả thi cao. Thủ tướng nhấn mạnh, Chương trình hành động này là chương trình mở, trong quá trình thực hiện, những điểm nào chưa rõ, khi thấy cần thiết sẽ tiếp tục được bổ sung.

Về Ðề án Xây dựng chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015, Thủ tướng cho biết, vấn đề này đã trình Quốc hội, do đó, Thủ tướng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Ðề án tham gia cùng với các Ủy ban của Quốc hội bổ sung, hoàn thiện để khi Nghị quyết Quốc hội ban hành phù hợp thực tiễn. Về việc thành lập Ủy ban quốc gia Ðổi mới GD-ÐT, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành Quyết định thành lập Ủy ban này trong tháng 3-2014 với chức năng, nhiệm vụ chính mang tính tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp liên ngành, phối hợp kiểm tra, đôn đốc... Thủ tướng cũng đề nghị Hội đồng tiếp tục làm tốt chức năng tư vấn, mở rộng đối tượng là các chuyên gia, các nhà giáo dục, tập trung mạnh vào hoạt động tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến...

Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất