Thứ Bảy, 23/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Năm, 4/12/2014 14:16'(GMT+7)

Đổi mới có thể mang lại sự thay đổi cho những trẻ em thiệt thòi nhất

Các em thiếu nhi tại Trung tâm bảo trợ trẻ em Thủy Xuân. Ảnh: minh họa

Các em thiếu nhi tại Trung tâm bảo trợ trẻ em Thủy Xuân. Ảnh: minh họa

Sáng ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố Báo cáo Tình hình trẻ em thế giới năm 2014 với chủ đề “Hình dung mới về tương lai: Đổi mới sáng tạo cho mọi trẻ em” nhân kỷ niệm 25 năm ngày ra đời Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Tới dự Lễ công bố có ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngài Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam và các tổ chức quốc tế đã và đang quan tâm hỗ trợ cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em Việt Nam.

Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới – Hình dung mới về tương lai: Đổi mới sáng tạo cho mọi trẻ em kêu gọi Chính phủ các nước, các chuyên gia về phát triển, các doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội và cộng đồng cùng chung tay để đưa ra những ý tưởng mới cho các giải pháp về những vấn đề nổi cộm mà trẻ em đang phải đổi mặt – và tìm ra những phương cách mới để có thể nhân rộng những giải pháp sáng tạo hiệu quả của địa phương.

Ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện UNICEF phát biểu “Con người được sinh ra trong một thế giới ngày càng gắn kết hơn, nơi mà danh giới giữa các vấn đề của một quốc gia và của toàn cầu dần mờ đi. Điều này đã mang lại một cơ hội chưa từng có trong việc tạo ra những phong trào mới và những mối quan hệ đối tác mới, giúp thúc đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác và kết nối nhằm xây dựng một cộng đồng toàn cầu đổi mới sáng tạo vì sự bình đẳng”.

Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em vào năm 1989. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước vào năm 1990. Kể từ đó, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện quyền của trẻ em – tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi giảm 75% và hầu hết các trẻ em đều được đi học tiểu học. Tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp loại trừ bệnh bại liệt vào năm 2000 và xóa bỏ bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005.

Tuy nhiên, quyền của hàng triệu trẻ em vẫn bị vi phạm mỗi ngày, trong đó nhóm 20% trẻ em nghèo nhất có tỷ lệ tử vong dưới 5 tuổi cao gấp hai lần nhóm 20% trẻ em giàu nhất, cứ bốn trẻ em ở các nước chậm phát triển nhất thì có một em phải lao động từ khi còn nhỏ tuổi, và hàng triệu trẻ em thường xuyên phải chịu cảnh phân biệt đối xử, bị bạo lực thể chất và tình dục, bị lạm dụng và xao nhãng.

Việt Nam đã không đạt được những tiến bộ trong tăng trưởng công bằng và vẫn còn những công việc chưa hoàn thành trong phát triển con người liên quan đến người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, những người di cư lên thành phố và những nhóm người dễ bị tổn thương khác.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu: Là một trong những nước sớm phê chuẩn Công ước vào năm 1990, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện quyền trẻ em và đạt được tiến bộ vượt bậc trong giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi; cải thiện tình hình chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em; nâng cao tỉ lệ trẻ em được sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; bảo vệ trẻ em khỏi bị bóc lột, xâm hại; trợ giúp và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo; xây dựng môi trường an toàn cho mọi trẻ em; xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ giúp trẻ em tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Điều này đã góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ tại Việt Nam, đặc biệt là mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức và hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; vẫn còn trẻ em sống trong các gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo ở đô thị và trẻ em di cư khó tiếp cận đến các dịch vụ xã hội cơ bản; tình trạng bạo lực với trẻ em, lao động trẻ em, trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn còn cao.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Với nhiệm vụ được Chính phủ giao về thực hiện quyền trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cụ thể là hoàn thành việc sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em, trong đó quan tâm đến đảm bảo các chính sách, dịch vụ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số; tăng cường sự tham gia của trẻ em, của cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em; củng cố hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về trẻ em. Đặc biệt hoan nghênh và ủng hộ các ý tưởng, sáng kiến đổi mới, đặc biệt là các giải pháp đến từ chính trẻ em và thanh thiếu niên, để chúng ta có thể tiếp cận được với nhóm trẻ em thiệt thòi nhất, giúp thực hiện quyền của các em để các em có thể phát triển hết tiềm năng của mình.

Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới năm nay của UNICEF đã chỉ ra rằng những đổi mới sáng tạo đơn giản như muối bù nước và điện giải Oresol hay các thực phẩm chức năng trị bệnh đã giúp mang lại thay đổi to lớn cho cuộc sống của hàng triệu trẻ em trong suốt 25 năm qua, và còn nhiều sản phẩm, quy trình và các mối quan hệ hợp tác mang tính sáng tạo khác đã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện quyền của những trẻ em khó tiếp cận nhất. Báo cáo đầy đủ phiên bản điện tử bao gồm phần nội dung đa phương tiện tương tác cho phép người đọc chia sẻ ý tưởng của riêng mình, nêu bật những đổi mới đáng chú ý đã giúp cải thiện đời sống ở những quốc gia trên thế giới.

Trong buổi Lễ công bố Báo cáo này ngày hôm nay tại Hà nội, UNICEF đã nhấn mạnh một số giải pháp sáng tạo mà Việt Nam đã thực hiện nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ em, bao gồm:

HEBI - thực phẩm chức năng trị bệnh ăn liền do Viện Dinh Dưỡng sản xuất trên cơ sở phi lợi nhuận với sự hỗ trợ của UNICEF và Viện Nghiên cứu và Phát triển đang được sử dụng để điều trị cho trẻ bị suy dinh dưỡng nặng ở tỉnh Kon Tum. HEBI được làm chủ yếu từ các nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam và được điều chỉnh cho hợp với khẩu vị của trẻ em Việt Nam. Sản phẩm đã góp phần tích cực trong việc điều trị suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em một cách hiệu quả và lâu dài. Hiện nay, HEBI đang được kiến nghị bổ sung vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú do cộng đồng và cha mẹ trẻ em dân tộc thiểu số khởi xướng xuất phát từ thực tế đặc điểm địa lý của vùng núi xa xôi hẻo lánh. Sau một thời gian, mô hình này đã cho thấy có là một giải pháp có hiệu quả để tăng tỷ lệ trẻ em đi học và nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi trẻ em. Mô hình này hiện đang được nhà nước công nhận, hỗ trợ và đã mở rộng từ 13.230 học sinh ở 2 tỉnh năm học 2010-2011 lên đến 128,643 học sinh ở 26 tỉnh năm học 2013-2014.

Hackathon, cuộc thi lập trình trên thiết bị di động đầu tiên của UNICEF vào năm 2013 tập trung vào đề tài sáng tạo cho trẻ em. Trong bối cảnh mạng lưới viễn thông và internet phát triển nhanh ở Việt Nam, cuộc thi Hackathon là một nỗ lực nhằm phát triển ứng dụng phần mềm di động thử nghiệm để có thể phát hành rộng rãi miễn phí thông qua nền tảng mã nguồn mở cho các nhân viên cứu trợ, nhân viên xã hội và những người sử dụng thiết bị di động.

UNICEF ưu tiên đổi mới trong mạng lưới hơn 190 quốc gia mà UNICEF đang hoạt động, thiết lập những trung tâm trên toàn thế giới để khuyến khích tư duy mới, cách làm việc và hợp tác mới với các đối tác và nuôi dưỡng tài năng địa phương./.

Duy Phong



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất