Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 6/8/2019 16:18'(GMT+7)

Đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận, chung tay của toàn xã hội

Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành cả nước tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 (Ảnh: TA)

Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành cả nước tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 (Ảnh: TA)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến. Dự, chủ trì tại các điểm cầu tại các tỉnh/thành phố có các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các Sở GD&ĐT…

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong năm học vừa qua. Đồng thời, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học mới nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng  Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ và Kết luận 51 của Ban Bí thư về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT 29-NQ/TW

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc hội nghị

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc hội nghị

Năm học 2019-2020, toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GDĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.

9 nhóm nhiệm vụ gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo vv....

5 nhóm giải pháp cơ bản gồm: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT; Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT.

5 giải pháp quan trọng Bộ GD-ĐT đặt ra trong năm học mới

1. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học.

2. Giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

3. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học.

4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế.

5. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đầu cầu Thành phố Hà Nội

Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đầu cầu Thành phố Hà Nội


NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN ĐỦ ĐỨC, ĐỦ TÀI

Phát biểu tại hội nghị, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn  khẳng định sự cần thiết của vấn đề rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Học hỏi kinh nghiệm các nước và từ thực tiễn, ông Sơn cho rằng, để triển khai Đề án liên quan đến sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH, các cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT cần quyết tâm chính trị rất cao, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ ngành địa phương là các cơ quan chủ quản. Không có sự chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống sẽ không thể thành công.

Cũng theo ông Sơn, các trường ĐH, kể cả những trường yếu, qua khảo sát đều ủng hộ. Điều các trường quan tâm là làm thế nào và sự hỗ trợ đến đâu để quá trình hỗ trợ hợp nhất diễn ra hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội khẳng định, đội ngũ giáo viên quyết định sự thành công đổi mới giáo dục và việc quan trọng đầu tiên là cần thay đổi nhận thức, phương pháp và cách thức quản lý giáo dục. Quản lý lỗi thời sẽ là vòng kim cô hạn chế sự sáng tạo của các thầy cô.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nguyễn Văn Minh kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có định chuẩn về chức danh đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên (Ảnh: TA)

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nguyễn Văn Minh kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có định chuẩn về chức danh đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên (Ảnh: TA)

Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có định chuẩn về chức danh đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, từ đó có các chương trình bồi dưỡng hiệu quả. Cùng với đó, công bố cụ thể số liệu thừa, thiếu giáo viên để xã hội, người học biết. Khi thấy tương lai có việc làm, học sinh giỏi sẽ vào sư phạm.

“Tin vui là năm nay, một học sinh đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế đã đăng ký tuyển thẳng vào Trường ĐHSP Hà Nội” – ông Minh chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Minh, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện chương trình bồi dưỡng cho các trường sư phạm, nhưng cần quyết liệt hơn, tạo sự kết nối giữa các trường đại học sư phạm, trường cao đẳng sư phạm để chuẩn bị cho công tác bồi dưỡng giáo viên.

Với Chính phủ, ông Minh kiến nghị cần sớm cấu trúc lại hệ thống các trường sư phạm, để đầu tư hiệu quả. Sắp xếp cần tạo ra các phân khúc: trường chủ lực, trường địa phương, kết nối để tận dụng hệ thống các trường cao đẳng để thực hiện bồi dưỡng giáo viên trong tương lai.

 CÁC BỘ, NGÀNH CẦN CHUNG TAY VÀO CUỘC CÙNG NGÀNH GIÁO DỤC

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định ngành Nội vụ luôn đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong suốt thời gian qua và luôn tin tưởng vào những kết quả của ngành giáo dục trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh việc một số địa phương quy hoạch, phát triển trường học còn chậm, nhất là ở các khu công nghiệp. Vấn đề đội ngũ giáo viên vẫn con tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, dẫn tới bất cập trong điều hành quản lý. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng giáo viên hợp đồng, tuyển dụng giáo viên còn bất cập ở một số địa phương. Chính sách đội ngũ giáo viên còn chưa thực hiện được như: Thang bảng lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, chế độ phụ cấp cho nhà giáo…

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để báo cáo Chính phủ quan tâm đến xây dựng thể chế nhằm thu hút đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng. Cùng với đó là việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy – học. Có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đồng thời đổi mới phương thức, chương trình bồi dưỡng. Việc tuyển dụng cần thực hiện công khai, minh bạch...

Vui mừng trước các kết quả năm học 2018-2019 vừa qua, GS Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu 3 kiến nghị cụ thể cho ngành giáo dục hiện nay là: Thứ nhất, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu về giáo viên; thứ hai, về sắp xếp mạng lưới các trường: Số trường đại học, cao đẳng của chúng ta không nhiều so với dân số. Số sinh viên bình quân trên vạn dân còn thấp. Việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH là hợp lý; nhưng không nên nghĩ chúng ta thừa mà ép số lượng xuống; thứ ba, Sở GD&ĐT có thể nhập vào Sở khác là không hợp lý. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, tổ chức Sở GD&ĐT tất yếu phải có ở địa phương.

 CẦN KIÊN ĐỊNH VỚI MỤC TIÊU MÀ NGÀNH GIÁO DỤC ĐẶT RA

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tương lai của mọi người, của dân tộc đều phụ thuộc vào giáo dục, nhất là trong bối cảnh hiện nay, vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.

Giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà. Đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận, chung tay của xã hội nhưng hiếm có chính sách nào nhận được sự đồng thuận 100%. Nhận định điều này để chúng ta kiên định mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành Giáo dục đã xác định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mọi đổi mới phải có lộ trình, không thể nóng vội và cần sự chung tay của toàn xã hội. Một mặt là phát huy giá trị dân tộc, nhưng cũng cần tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mọi đổi mới phải có lộ trình, không thể nóng vội và cần sự chung tay của toàn xã hội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mọi đổi mới phải có lộ trình, không thể nóng vội và cần sự chung tay của toàn xã hội 

Đối với giáo dục phổ thông, cần bảo đảm đủ giáo viên, đủ lớp học và trường học gần nhà để học sinh được học 2 buổi/ngày. Nhà nước lo chung, còn giáo dục chất lượng cao cần xã hội hóa, không nên cào bằng.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trường học phổ thông không chỉ là thiết chế đơn thuần mà là thiết chế cộng đồng. Chúng ta cần nhìn nhận đúng và tin tưởng vào Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

Chúng ta đã phổ cập về GD mầm non 5 tuổi; thực hiện chính sách tự chủ đại học. Hiện có 2 đại học nằm trong top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới.

Năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, ngành Giáo dục cần quan tâm đến một số vấn đề:

Một là, tiếp tục quan tâm đến dạy người. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Hai là, giảm áp lực hành chính cho giáo viên, xem lại các chuẩn, tiêu chuẩn giáo viên.

Ba là, sinh hoạt Đoàn Đội, giáo dục đạo đức phải đổi mới. Trong giờ học nào cũng có thể nói chuyện đạo đức và giáo viên phải làm gương. Tăng cường nhà trường, gia đình, xã hội vào giáo dục đạo đức lối sống. Tránh tình trạng “khoán gọn” cho nhà trường.

Cùng với đó, cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến hệ thống sư phạm và giáo viên. Địa phương có trách nhiệm đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên. Đồng thời quan tâm đến bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Đối với đại học cần, chuyển đại học sang cơ chế tự chủ.

 DẠY LÀM NGƯỜI TRƯỚC KHI DẠY HỌC

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ trăn trở về tình trạng hiện nay là “dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết”, Thủ tướng nêu rõ, năm học 2019-2020 này, phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên; yêu cầu trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về vấn đề này để triển khai ngay trong năm học mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm học 2019-2020 này, phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm học 2019-2020 này, phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên.

Dẫn chứng trường hợp sinh động gần đây, Thủ tướng đưa ra bài báo mà ông vừa đọc với tiêu đề “Gia cảnh khốn khó của em Linh ‘vé số’ bị cướp đánh gẫy tay”. Cha bị bệnh tâm thần, mẹ bị ốm đau, em Linh có ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, cho mọi người. “Ước mơ của lớp trẻ như vậy thì chúng ta phải dành tình cảm, trách nhiệm rất lớn, nhất là người thầy, người cô và hệ thống quản lý của chúng ta”.

Thủ tướng hoan nghênh lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dự Hội nghị đông đủ, mà theo người đứng đầu Chính phủ, “chưa bao giờ thấy dự đông như vậy”, thể hiện sự quan tâm đến GD&ĐT. Lịch sử và kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, không có kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào về xã hội diễn ra mà không gắn với những đột phá về giáo dục đào tạo. “Anh muốn chuyển biến của đất nước, phát triển của ngành và địa phương một cách bền vững thì giáo dục đào tạo mang yếu tố là quốc sách hàng đầu”.

Thủ tướng cho rằng, mặc dù có nhiều thách thức, điều đáng mừng là ngành GD&ĐT đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng nề nếp hơn, chất lượng hơn năm ngoái, tạo được niềm tin cho toàn xã hội đối với ngành có hơn 1,4 triệu giáo viên, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên.

Về các điểm nhấn, thành công của ngành giáo dục, Thủ tướng nêu rõ, đã tạo ra hành lang pháp lý khá tốt, rõ ràng cho ngành GD&ĐT. Chúng ta đã phổ cập giáo dục đến 5 tuổi, đạt tỷ lệ 99,98% trong tổng số 1,7 triệu trẻ em 5 tuổi đến trường. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều tăng.

Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH được vào danh sách 1.000 ĐH hàng đầu thế giới, 7 ĐH được vào danh sách các ĐH hàng đầu châu Á. Cơ sở vật chất của ngành được bổ sung với trên 5.000 phòng học, 38 công trình nước sạch, 60.000 nhà vệ sinh được xây dựng. Việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới là một điểm nhấn trong năm nay. Một số “vùng trũng” về giáo dục nay đã vươn mình, chuyển biến tốt hơn.

Chỉ ra các yếu kém, tồn tại để khắc phục, Thủ tướng nêu rõ, công tác rà soát, sắp xếp hệ thống trường học còn kém như tình trạng thừa thiếu trường lớp, học sinh phải đi xa nhà. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất để làm thiết chế trường học, nhất là hệ mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, “cho nên công nhân đi làm vất vả, gửi con rất xa, thậm chí không cho con đến trường mẫu giáo được”. “Anh có miếng đất nào đẹp bán hết để xây nhà tầng là không được đâu, cần lo cho thiết chế này”. Thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên mầm non, là vấn đề trở ngại đến sự phát triển bền vững của ngành giáo dục. Nhiều địa phương chỉ bố trí giáo viên theo định mức quy định, dẫn đến quá tải, “ở Hà Nội có lớp đến 60 học sinh trong khi định mức đưa ra là 35 học sinh/lớp tiểu học còn trung học là 45 học sinh/lớp”.

Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở về tình trạng giáo dục đạo đức lối sống chưa đúng mức, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực thành còn hạn chế. “Người ta nói rằng anh dạy cơ bản được quốc tế đánh giá tốt, nhưng dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết”. Cho nên, một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức lối sống gây bức xúc xã hội.

KIÊN QUYẾT ĐÓNG CỬA CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC YẾU KÉM, KHÔNG ĐẠT CHẤT LƯỢNG

Nêu định hướng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị “việc đầu tiên liên quan tới địa phương đó là yêu cầu bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, nhất là hệ thống mẫu giáo, mầm non hiện nay đang thiếu nghiêm trọng”. Yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay. “Nếu chúng ta không giải quyết tốt vấn đề này, thì hậu quả xã hội rất lớn”.

Đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, tập trung vào các trường ĐH sư phạm trọng điểm như Sư phạm Hà Nội, TPHCM, còn các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương.

“Các trường ĐH sư phạm phải đào tạo sinh viên ra trường trở thành những nhà giáo dục chứ không phải là những thầy dạy, cho nên yêu cầu rất cao ở các “máy cái” này phải tốt thì mới có máy con tốt, là khơi mào đầu tiên cho sự phát triển giáo dục đào tạo. Bác Hồ nói: Trường sư phạm phải mô phạm…”.

Nhấn mạnh các cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để bảo đảm chất lượng, Thủ tướng nêu trực trạng, nhiều trường hiện nay không bảo đảm điều kiện chất lượng, nên có việc hạ điểm chuẩn, “vơ vét” học sinh đầu vào với điểm rất thấp, mượn giáo viên cơ hữu… “Chúng ta không thể chấp nhận một tình trạng chất lượng đào tạo giáo dục ĐH, trung học thấp mà người ta thường hay kêu ca. Học ra để làm việc chứ không phải học ra có cái bằng tượng trưng nào đó do một cái trường kém chất lượng cấp”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường ĐH “có tên mà không có thực”, hữu danh vô thực. “Và tôi cũng yêu cầu các đồng chí trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài”.

Bộ trưởng GD&ĐT kiểm tra và dừng các ngành đào tạo mà có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh nề nếp hơn, Việc đào tạo những cán bộ làm việc và hội nhập sâu rộng, chứ không để tình trạng có bằng nhưng không biết làm việc. Phải tiếp tục chấn chỉnh vấn đề này.

Các địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Tiếp tục rà soát, tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học, tránh tình trạng quá nhiều nhân viên y tế, bảo vệ, kế toán…

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị có trách nhiệm cùng nhà trường giải quyết các vấn đề đạo đức trong và ngoài trường học trên địa bàn như bạo lực học đường, an toàn giao thông, bán hàng quán trước cổng trường, tệ nạn xã hội…

Năm học 2019-2020 này, phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên. Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của toàn xã hội mà nhà trường đóng vai trò trung tâm. “Vai trò của gia đình, của nhà trường và xã hội chúng ta đã nói nhiều nhưng thực hành chưa được bao nhiêu”.

Bộ GD&ĐT rà soát lại chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong các trường sư phạm, cơ sở GD&ĐT, bảo đảm thiết thực, khả thi, cụ thể, hiệu quả, bảo đảm số giờ và các nội dung về đạo đức để lồng ghép trong các môn văn hóa khác. Giáo dục đạo đức lối sống không chỉ trong trường mà đặc biệt thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo để học sinh, sinh viên được tiếp xúc với truyền thống văn hóa như tổ chức đi viếng nghĩa trang, thăm đối tượng chính sách, thăm nơi có cuộc sống khó khăn của đồng bào để học sinh thấu hiểu cuộc sống.

Thủ tướng nhấn mạnh, thầy cô gương mẫu là tấm gương đạo đức quý báu nhất để học sinh noi theo. Các tổ chức quần chúng có trách nhiệm cùng nhà trường và gia đình để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên để triển khai trong năm học mới này.

Yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thủ tướng nêu rõ tình trạng thiếu nguồn nhân lực có đào tạo, nhất là những ngành kinh tế mũi nhọn phải được khắc phục sớm hơn trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế số hiện nay. “Các trường, nhất là các trường ĐH và Bộ GD&ĐT phải làm gì để mở các ngành mới này. Các trường, các ngành kém chất lượng phải thực hiện kiểm định và có kế hoạch nâng cao chất lượng thế nào”. Hệ thống giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT phải trả lời, xử lý, giải quyết một cách đồng bộ, chứ không để “thiếu trước hụt sau, chắp vá”.

Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành cơ chế, chính sách cho các trường ĐH thực hiện tự chủ, trong đó cần bảo đảm vai trò hội đồng trường phải thực sự đúng thẩm quyền, đúng quy định, “chứ chọn người kém uy tín, thiếu nghiệp vụ thì làm sao hội đồng trường phát huy được”.

Cần thí điểm nghiên cứu thực hiện cơ chế mầm non, phổ thông có đủ điều kiện thực hiện chi tiêu thường xuyên, từ đó, tổng kết, báo cáo Thủ tướng xây dựng nghị định đổi mới cơ chế quản lý mầm non và phổ thông chặt chẽ, phù hợp, không phải vì tự chủ mà bị thị trường chi phối, bỏ quan những nguyên lý giáo dục mà Đảng, Nhà nước đã đưa ra.

“Chúng ta phải có sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa để GD&ĐT đóng góp vào sự phát triển bền vững, đột phá của đất nước”, Thủ tướng nói. “Các đồng chí phải làm những việc thiết thực”, Thủ tướng lấy ví dụ như 23 triệu học sinh, sinh viên, 1,4 triệu thầy cô không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần có làm được không, hay phát động học sinh, sinh viên không đua xe, không vi phạm an toàn giao thông, không nghiện ma túy, hay mọi cấp ủy, chính quyền đều quan tâm đến nhà vệ sinh, nước sạch trong trường học. “Ông bí thư, chủ tịch có bước đến trường học kiểm tra những nhà vệ sinh, nước uống của các em không?”

Thủ tướng nêu rõ tinh thần Chính phủ bứt phá, ngành giáo dục phải bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạthay mặt ngành Giáo dục trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự hội nghị.

Ngành Giáo dục sẽ cụ thể hóa thành các kế hoạch hành động cụ thể để triển khai có hiệu quả trong năm học 2019 – 2020; đồng thời quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và vững chắc. 

Cũng tại hội nghị lần này, để ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các sở GD&ĐT trong việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học 2018 – 2019, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ GD&ĐT xét và trình Bộ trưởng ký ban hành Quyết định tặng Cờ thi đua cho 7 sở GD&ĐT; tặng Bằng khen Bộ trưởng cho 23 sở GD&ĐT đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc,dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, cụ thể:

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương

7 đơn vị được tặng cờ thi đua gồm các sở GD&ĐT: Điện Biên, Yên Bái, Nam Định, Khánh Hòa, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ.

23 đơn vị được tặng bằng khen của Bộ trưởng gồm các sở GD&ĐT: Lạng Sơn, Lai Châu, Bắc Giang, Tuyên Quang, Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đăk Nông, Kon Tum, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Diễn ra chỉ trong buổi sáng 6/8, Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 trực tuyến tới 63 tỉnh, thành trong cả nước đã thành công tốt đẹp.
/.

Bài, ảnh: Nhật Minh 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất