Thứ Bảy, 23/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Chủ Nhật, 25/11/2018 10:2'(GMT+7)

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Giám khảo nhận xét sau phần thi của mỗi thí sinh - điểm mới của Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2018

Giám khảo nhận xét sau phần thi của mỗi thí sinh - điểm mới của Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2018

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị - Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Giám khảo Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2018 đã có những trao đổi với Tạp chí Tuyên giáo xoay quanh nội dung này.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa

Nhiều cách tiếp cận mới, sự tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy lý luận chính trị

PV: Tiếp nối Hội thi cấp tỉnh, cấp khu vực, Hội thi Chung khảo toàn quốc giảng viên lý luận chính trị giỏi được tổ chức từ ngày 25-27/11/2018 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí có thể cho biết những điểm mới của Hội thi năm nay?

Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa: Trước hết, cần phải khẳng định rằng, Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp khu vực và chung khảo toàn quốc năm 2018 đã bám sát tinh thần Chỉ thị 23, ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Điều đó được thể hiện rất rõ nét và cụ thể trong Hội thi các cấp vừa qua. Hội thi đã truyền tải thông điệp khẳng định mạnh mẽ tính chiến đấu, tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, bồi đắp niềm tin khoa học vào nền tảng của Đảng, vào chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. 

Từ thành công của các Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi được tổ chức năm 2003 và năm 2014, Hội thi năm 2018 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức với rất nhiều điểm mới.

Thứ nhất, tại các Hội thi cấp khu vực vừa qua và Hội thi chung khảo toàn quốc, trong phần thi thao giảng của mỗi thí sinh tham dự, đối tượng để thí sinh thao giảng không phải là giả định. Ban Tổ chức đã mời các học viên của các lớp kết nạp Đảng, đảng viên mới, các lớp đoàn thể… của địa phương đến để nghe giảng trực tiếp, tham gia vào các tình huống sư phạm. 

Trong quá trình thi, không chỉ giám khảo mà ngay cả học viên (người dự) sẽ đối thoại, yêu cầu thí sinh (giảng viên) trả lời những nội dung trong bài. Điều này sẽ đảm bảo sự giao lưu, đối thoại giữa người giảng, người học, tăng cường tính tích cực chủ động của người nghe và đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên, theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9-2-2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”.

Thứ hai, sau phần thi thao giảng và trả lời câu hỏi của thí sinh tham dự, các thành viên hội đồng giám khảo nhận xét, đánh giá những ưu điểm, nhược điểm phần thi của thí sinh về nội dung trình bày, cách thức, phương pháp lên lớp. Điều này sẽ rất bổ ích đối với mỗi thí sinh, giúp các thí sinh phát huy những ưu điểm của mình, khắc phục những hạn chế còn tồn tại.

Bên cạnh đó, bản thân những thí sinh khác của Hội thi, những người tham dự giờ giảng, qua phần nhận xét của giám khảo cũng có thể tự rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho mình.

Thứ ba, Ban Tổ chức Hội thi ghi hình những giờ thao giảng của các thí sinh tham dự. Đây sẽ là những nguồn tư liệu tham khảo phong phú, đa dạng, bổ ích đối với các giảng viên lý luận chính trị ở cơ sở để nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hiện nay.

Các giảng viên tham dự Hội thi sử dụng kết hợp rất nhiều phương pháp trong giảng dạy lý luận chính trị

Các giảng viên tham dự Hội thi sử dụng kết hợp rất nhiều phương pháp trong giảng dạy lý luận chính trị


PV: Đồng chí có thể chia sẻ thêm về chất lượng của thí sinh tham dự Hội thi?

Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa: Trước hết, cũng cần vui mừng thông tin rằng, Hội thi chúng ta có sự tham gia dự thi của nhiều thế hệ giảng viên, với khoảng cách chênh lệch về độ tuổi là gần 40 năm. Đó chính là sự tiếp nối mạnh mẽ, vững chắc của công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng trước yêu cầu ngày càng cao, ngày càng khó của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có nhiều các thí sinh tham gia Hội thi là người dân tộc Sán Dìu, Tày, Giáy, Dao, Katu, dân tộc Hoa… 

Trực tiếp là giám khảo tại Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi ở ba khu vực, tôi và các thành viên ban giám khảo khác đều thống nhất, chất lượng thí sinh của Hội thi năm 2018 rất tốt, với nhiều cách tiếp cận mới, thể hiện  sự tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy lý luận chính trị. Điều này thể hiện rất rõ qua giáo án soạn giảng và giờ thao giảng của các thí sinh tham dự.

Về nội dung bài giảng, thể hiện tính khoa học, có tính chiến đấu, thông qua các ví dụ điển hình trong bài giảng của các thí sinh. Các ví dụ minh họa trong bài giảng có tính liên hệ thực tiễn địa phương cao, gần gũi, dễ hiểu đối với học viên. Chất liệu văn học được sử dụng rất nhiều trong các bài giảng. 

Về phương pháp, các thí sinh tham gia Hội thi sử dụng chủ yếu là phương pháp thuyết trình, kết hợp với các phương pháp phát vấn, đặt ra tình huống sư phạm, thậm chí chia tổ thảo luận, trao đổi trong hội trường, khắc phục tình trạng giảng viên chỉ độc thoại. Điều này làm tăng  hiệu quả của bài học, tăng cường sự giao lưu giữa người giảng và người nghe, phát huy khả năng đối thoại giữa người giảng và người học. 

Bên cạnh đó, các thí sinh đã biết sử dụng cường độ âm thanh, tốc độ giọng nói để tăng hiệu quả cho bài giảng. Các thí sinh biết kết hợp giữa việc sử dụng các phương tiện truyền thống (bảng đen, phấn trắng) kết hợp với việc chuẩn bị giáo án điện tử hết sức công phu làm cho người học dễ nắm bắt vấn đề. Nhiều thí sinh kết hợp giữa ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ hình thể, tạo sự sinh động, hấp dẫn người học.

Các giảng viên đã chú ý đến điểm nhấn, điểm dừng hợp lý trong bài giảng, để học viên có thể ghi chép và suy nghĩ. Các bài giảng có mở đầu và kết nối, neo chốt vấn đề, giúp người học ghi nhớ được nội dung.

Thành viên Ban giám khảo trao đổi thêm với thí sinh sau phần dự thi

Thành viên Ban giám khảo trao đổi thêm với thí sinh sau phần dự thi

Nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú ở cơ sở

PV: Có thể khẳng định rằng, các thí sinh tham dự Hội thi nói riêng và các giảng viên lý luận chính trị ở cấp cơ sở nói chung đã có những đổi mới, tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, nhưng dường như, đây vẫn luôn là một thách thức?

Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa: Đúng vậy. Như chúng ta đã biết, giảng dạy lý luận chính trị là một  trong những nội dung quan trọng của công tác tư tưởng. Vì giảng dạy lý luận chính trị không chỉ truyền đạt kiến thức cho người nghe những nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối của Đảng, mà giảng dạy lý luận chính trị có một nhiệm vụ quan trọng  hơn rất nhiều. Đó là, phải truyền bá được niềm tin khoa học vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phải xây dựng được niềm tin, củng cố được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước ta.

Vì vậy, những phương pháp giảng dạy lý luận chính trị như đã nêu ở trên hay các phương pháp giảng dạy sư phạm đều được áp dụng, nhưng điều mà học viên học được ở các môn lý luận chính trị lại phải thông qua tâm huyết của người giảng viên. Điều này không hề dễ dàng, không phải “cứ nói là được”. 

Các thành viên Ban giám khảo thảo luận sau mỗi buôi thi

Các thành viên Ban giám khảo thảo luận sau mỗi buổi thi

 PV: Vậy theo đồng chí, làm thế nào để trở thành một giảng viên lý luận chính trị giỏi?

Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa: Theo tôi, một người giảng viên lý luận chính trị giỏi phải có phổ kiến thức rộng, kể cả kiến thức lý luận lẫn kiến thức thực tiễn. Mỗi giảng viên bằng sự tâm huyết của mình để truyền đạt tinh thần bài giảng đối với người nghe, góp phần bồi đắp  niềm tin khoa học vào nền tảng tư tưởng của Đảng.

Không chỉ giỏi chuyên môn, có phổ kiến thức rộng, có năng lực, giảng viên lý luận chính trị giỏi vừa có đạo đức xã hội, vừa phải có đạo đức cách mạng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, phải hiểu từ tâm mình những việc nào là vì dân, những việc nào là đi ngược lại lợi ích của dân. 

Họ phải có sự nhạy bén trong truyền đạt kiến thức và truyền đạt niềm tin đến với học viên. Những giảng viên lý luận chính trị giỏi phải là người tin tưởng tuyệt đối vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng thì mới có thể truyền đạt kiến thức, niềm tin của mình cho người học. 

PV: Sau Hội thi lần này, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiếp tục có những chỉ đạo, định hướng như thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị?

 Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa: Có thể khẳng định, thành công của Hội thi đã phản ánh nhiều mặt hoạt động của các giảng viên, công tác bồi dưỡng của các địa phương. Kết quả đạt được không chỉ là sự nỗ lực của từng đồng chí giảng viên, am hiểu tình hình địa phương, vận dụng nhuần nhuyễn các vấn đề vào bài giảng, mà còn thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của ban tuyên giáo tỉnh, thành ủy, của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong việc bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Kết quả trong Hội thi mà giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị đã đạt được là rất lớn, tuy nhiên đây cũng mới chỉ là bước đầu. Do đó, tôi mong muốn các đồng chí giảng viên đã được công nhận là giảng viên dạy giỏi, cần tiếp tục phấn đấu, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, trở thành những người tiên phong của mỗi đơn vị, được đồng nghiệp, học viên tiếp tục tôn vinh trên mọi cương vị công tác. 

Đồng thời, trên cơ sở kết quả hội thi, ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước tiếp tục quan tâm tới công tác giáo dục lý luận chính trị tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tiếp tục duy trì và thúc đẩy phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú ở cơ sở.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, chúng ta cũng còn rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt nghị quyết, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng và đồng thời cũng mở rộng hơn nữa các kênh truyền để người dân có thể trực tiếp được nghe những giảng viên của Trung ương, những đồng chí giữ trọng trách cao trong Đảng, những đồng chí trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các đề án của Trung ương truyền đạt nghị quyết.
Bên cạnh đó, cũng cần có sự quan tâm thích đáng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, các chương trình, giáo trình của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Hiện nay, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn tổng kết Quyết định 185 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Chúng ta sẽ có công tác tổng kết từ cấp cơ sở, đánh giá những mặt được và những mặt chưa được, những hạn chế còn tồn tại để tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những biện pháp thiết thực đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị. 

PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí!

 Thu Hằng (Thực hiện)

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất