Cùng với nhà trường thì chính trong mỗi gia đình cần giáo dục, quản lý
các em với trách nhiệm cao nhất. Ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng
người khác được hình thành từ những nền nếp, việc làm rất nhỏ hằng ngày
trong các gia đình...
Những vụ việc như xâm hại tình dục, bạo
lực học đường, bạo lực trong gia đình, ngoài xã hội khi trẻ em là nạn
nhân luôn khiến dư luận day dứt, xót xa và bức xúc. Đối tượng gây ra
không chỉ là người lớn mà rất đáng quan tâm khi nhiều thủ phạm của các
vụ việc đau lòng lại chính là trẻ em, mà phổ biến là học sinh cùng trang
lứa. Đây đang là vấn đề xã hội nổi cộm cần được xem xét, nhìn nhận thấu
đáo để tìm ra giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa hữu hiệu.
Trong bất luận hoàn cảnh nào, dù với lý do gì, khi trẻ em bị bạo hành,
bị xâm hại sẽ luôn là nỗi ám ảnh, tổn thất nghiêm trọng cả về thể chất
và tinh thần của các em. Đáng lo ngại hơn bởi ký ức hằn sâu này không dễ
gì xóa bỏ trong suốt quá trình hình thành nhân cách, đặc điểm tâm sinh
lý của trẻ sau này. Ngành tội phạm học từng có nhiều phân tích, chỉ ra
không ít bài học đau lòng khi một cá nhân phạm pháp. Tìm hiểu sâu xa thì
được biết, lúc còn nhỏ cá nhân đó đã bị bạo hành nhiều lần, hoàn cảnh
gia đình éo le, lớn lên trong một môi trường không tốt.
Không thể phủ nhận những cố gắng thời gian qua của ngành giáo dục khi
mà môn học Giáo dục công dân, giáo dục dục kỹ năng sống được các nhà
trường chú trọng song song với các môn học chính. Nhiều trường học đã
chú trọng dạy học sinh những kỹ năng sống cơ bản, xử lý, làm chủ các
tình huống xảy ra trong cuộc sống, như: Phòng, chống đuối nước; phòng,
chống cháy nổ, an toàn giao thông; phòng, chống kẻ gian dụ dỗ, bắt
cóc... Những kiến thức và kỹ năng ấy là hành trang cần thiết để các em
làm chủ bản thân khi không có người lớn bên cạnh.
Mặc dù vậy, cũng phải thấy rằng, những kiến thức về pháp luật mà chế
tài của nó điều chỉnh hành vi ở từng độ tuổi đáng ra các em phải biết
thì trên thực tế các em còn rất thiếu. Bởi thế, chính các em học sinh
theo từng độ tuổi không hề biết rằng, ở độ tuổi đó, làm việc đó của
mình là phạm pháp. Hậu quả những vụ việc đó là rất nghiêm trọng, không
chỉ nạn nhân phải chịu đau đớn, tổn thất mà chính các em học sinh là đối
tượng gây ra sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tùy mức độ.
Pháp luật quy
định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Như vậy, đa số những học sinh lớp
11, 12 đã không còn là trẻ em, các em sẽ bị chế tài pháp luật điều
chỉnh. Bộ luật Hình sự 2015 quy định, với những tội danh nặng, người từ
đủ 16 đến dưới 18 tuổi khi phạm tội thì mức hình phạt rất nghiêm khắc,
có thể tới 18 năm tù.
Pháp luật cũng quy định rất rõ, ngay cả những
người dưới 16 tuổi (từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi), nếu phạm vào các tội như
giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, cưỡng dâm, cướp tài sản,
bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc
biệt nghiêm trọng được quy định trong luật... các em vẫn bị xử lý hình
sự. Theo các nhà quản lý giáo dục, những quy định pháp luật này các em
cần được biết để tránh sự ân hận muộn màng.
Gia đình, nhà trường và xã hội có ý nghĩa quyết định trong việc giáo
dục, ngăn ngừa, hạn chế các em vi phạm pháp luật. Nhà trường với chức
năng quản lý, truyền thụ kiến thức, rất cần bồi dưỡng cả kỹ năng sống
cần thiết, chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách để các em trở thành
những công dân tốt.
Có thể nghiên cứu trong chương trình giáo dục, nhà
trường nên đưa thêm nội dung giáo dục pháp luật cho học sinh theo từng
độ tuổi. Với mỗi độ tuổi (từ 14 đến 18 tuổi), các em cần được học, biết
được một số kiến thức cơ bản về những chế tài pháp luật của Bộ luật Hình
sự, vừa giúp các em hiểu biết, vừa có tính chất cảnh báo, răn đe.
Cùng
với nhà trường thì chính trong mỗi gia đình cần giáo dục, quản lý các em
với trách nhiệm cao nhất. Ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng người
khác được hình thành từ những nền nếp, việc làm rất nhỏ hằng ngày trong
các gia đình, đến những kiến thức pháp luật mà cha mẹ phải có trách
nhiệm cung cấp, truyền thụ, hướng dẫn con em mình.
Lứa tuổi học sinh,
thể chất, tâm sinh lý thay đổi nhanh, bởi thế cha mẹ, thầy cô phải thực
sự gần gũi, theo sát, bám nắm mới có thể hiểu được những suy nghĩ, hành
vi của các em, từ đó kịp thời có sự định hướng, uốn nắn.
Toàn xã hội
cũng phải có trách nhiệm chung tay giáo dục kiến thức, đạo đức, lối sống
cho con trẻ mà đi đầu là sự gương mẫu của người lớn ngoài xã hội. Một
xã hội gương mẫu, nghiêm minh và nhân văn có giá trị ảnh hưởng rất lớn
tới sự hình thành nhân cách con trẻ./.
Nguyễn Tuấn (qdnd.vn)