Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 21/9/2024 8:37'(GMT+7)

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Đảm bảo tính đại diện cho ý chí của nhân dân

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)

KẾ THỪA LÝ LUẬN VỀ ĐẢNG CẦM QUYỀN

PGS. TS. Trương Ngọc Nam, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, bài viết là sự kế thừa và phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta về Đảng và xây dựng Đảng cầm quyền trong các thời kỳ, đặc biệt là giai đoạn đổi mới.

Trong bài viết, Tổng Bí thư đã làm rõ vấn đề nhận thức lý luận Đảng cầm quyền. Nghĩa là Đảng ta là một Đảng duy nhất cầm quyền, giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây là một điểm đặc biệt của hệ thống chính trị Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam với chế độ nhất nguyên chính trị, tức là một Đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền.

Theo PGS. TS. Trương Ngọc Nam, Đảng ta đã làm tròn vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình. Mặc dù trong quá trình phát triển có những khó khăn nhất định nhưng Đảng ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức, thậm chí nhanh chóng phát hiện và sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của mình để ngày càng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi cuộc cách mạng Việt Nam trong các thời kỳ.

Nội dung bài viết đã nêu rõ, việc xây dựng Đảng cầm quyền một cách cụ thể theo đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo là đề ra đường lối đúng để phát triển đất nước và thông qua đường lối đó để lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo tổ chức đoàn thể để thực hiện đường lối đó.

“Đường lối đó phải đúng đắn, được xây dựng trên cơ sở khoa học, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh hoa của thế giới, của nhân loại; đồng thời tuân theo quy luật khách quan của lịch sử để mà xây dựng Đảng và sự thiết lập sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó, hiện thực hóa đường lối để phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, vững mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, PGS. TS. Trương Ngọc Nam nhấn mạnh.

Từ mục tiêu đó, Đảng cầm quyền phải có trách nhiệm thể chế hóa đường lối, chủ trương của mình thành chính sách, Hiến pháp và pháp luật. Tức là biến ý thức của Đảng, tư tưởng của Đảng, ý chí của Đảng thành ý chí của nhân dân; đồng thời Đảng cầm quyền phải có trách nhiệm xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng một đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, đủ sức để mà lãnh đạo nhà nước…

Đảng cầm quyền thì phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực của các tổ chức, cán bộ đảng viên trong bộ máy chính quyền trong việc thực thi pháp luật, hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và thực hiện pháp luật của Nhà nước, đảm bảo lợi ích của nhân dân

Theo PGS. TS. Trương Ngọc Nam, chỉ có Đảng cầm quyền mới có thể làm được việc đó vì Đảng xây dựng, lựa chọn và đưa cán bộ vào bộ máy Nhà nước. Nếu đội ngũ cán bộ quản lý không hiệu quả, để xảy ra tình trạng tham nhũng, biến chất thì đó chính là trách nhiệm của Đảng cầm quyền. Bên cạnh đó, Đảng cũng phải có trách nhiệm lãnh đạo nhân dân, để chính nhân dân kiểm tra, giám sát việc cầm quyền của đội ngũ cán bộ của Đảng. Đây là nội dung rất quan trọng được Tổng Bí thư nhắc đến chính là Đảng phải đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, và đó là điều kiện tiên quyết.

ĐẢNG LÃNH ĐẠO, NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ, NHÂN DÂN LÀM CHỦ

 PGS. TS. Trần Thị Hương, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Nghiên cứu nội dung bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, chúng ta có được niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết tâm đi theo".

TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng, dựa trên những quan điểm, tổng hợp phân tích sâu sắc, toàn diện về mặt lý luận và thực tiễn, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tái khẳng định vị trí, vai trò khách quan, bất biến của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cơ chế chính trị “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Tuy nhiên trước sự vận động, biến đổi mạnh mẽ của thực tiễn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhấn mạnh phương pháp lãnh đạo của Đảng không chỉ dựa trên nguyên tắc dân chủ, khoa học, mà còn thường xuyên được đổi mới phù hợp với các yêu cầu, nhiệm vụ từng thời kỳ, sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Theo TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tức là khẳng định mệnh đề tư duy lý luận quan trọng, xác lập mối quan hệ biện chứng giữa việc xây dựng các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng gắn với thực tiễn, giải quyết các vấn đề của thực tiễn, luôn đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng đem lại hiệu quả trong mọi hoàn cảnh phát triển đất nước và đảm bảo tính bất biến trong vai trò lãnh đạo của Đảng.

TS. Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng, trong 4 công tác trọng tâm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đều nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong học tập, tu dưỡng để có năng lực, trình độ, làm tốt công việc phục vụ nhân dân, gương mẫu, tuân thủ pháp luật, giữ vững phẩm chất, đạo đức, có “tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, với phương châm đúng vai, thuộc bài”...

“Thực tế những quan điểm chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, định hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, cần được học tập, quán triệt, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng ở các cấp ban, ngành, địa phương, cơ sở…”, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh nhấn mạnh./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất