PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CÁC LỰC LƯỢNG KIỀU BÀO NÒNG CỐT
Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp quan trọng, luôn
đồng hành, sát cánh cùng đồng bào trong nước, góp phần vào thắng lợi
chung. Hội đoàn chính là "điểm tựa", là lực lượng "nòng cốt" trong việc
tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vận động
kiều bào hướng về quê hương.
Hiện nay, có hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, học tập và làm
việc ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 1.000 hội đoàn
người Việt trên toàn thế giới, trong đó trên 500 hội đoàn có sự gắn bó
mật thiết với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Có thể nói, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đã phát triển cả
về số lượng và thành phần tại nhiều khu vực với hình thức, tính chất
hoạt động đa dạng, phong phú, cơ cấu tổ chức tiếp tục được kiện toàn,
củng cố.
Đại đa số các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đều tích cực triển
khai nhiều hoạt động phong phú, thiết thực nhằm hỗ trợ bà con ổn định
cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại, tạo sự gắn kết, duy trì bản sắc
văn hóa truyền thống, lan tỏa niềm tự hào dân tộc, đóng góp cho sự phát
triển của đất nước; đồng thời, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và giao lưu
nhân dân giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc tới công tác người Việt Nam ở
nước ngoài nói chung, công tác hội đoàn nói riêng. Trong mỗi thời kỳ
lịch sử, Đảng luôn xác định phương thức lãnh đạo phù hợp đối với các hội
đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nhằm huy động sự đóng góp của kiều bào
cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đặc biệt, bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là từ khi hội nhập quốc tế
sâu rộng, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác
người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày
26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước
ngoài nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ củng cố và phát triển các tổ chức xã
hội làm công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài như Hội Liên lạc
với người Việt Nam ở nước ngoài, các hội thân nhân kiều bào và các hình
thức tập hợp chính đáng khác, phù hợp với ý nguyện và đặc điểm của cộng
đồng ở địa bàn cư trú.
Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị yêu cầu nghiên
cứu xây dựng chính sách, hỗ trợ các tổ chức hội đoàn, lực lượng nòng
cốt trong cộng đồng; nghiên cứu thí điểm công nhận các chi hội người
Việt Nam ở nước ngoài là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các
tổ chức hữu nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh
niên Việt Nam...
Chỉ thị số 19/2008/CT-TTg ngày 6/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ đề
ra nhiệm vụ tổ chức, thành lập các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài
tại địa bàn có thể triển khai được, định hướng và phát triển các hoạt
động của hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.
Hiện nay, tình hình thế giới và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
đang đặt ra những yêu cầu mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối
với các hội đoàn. Đảng và Nhà nước đã đặt ra những yêu cầu mới về công
tác người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và công tác hội đoàn nói
riêng.
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ thời gian tới cần "triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn"
công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở đó, Kết luận số
12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở
nước ngoài trong tình hình mới đã yêu cầu những nhiệm vụ và giải pháp
thời gian tới phải thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà
nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong đó có yêu cầu đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hoạt động, linh
hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục coi
trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt
trong cộng đồng.
TIẾP TỤC ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
Tình hình mới và những yêu cầu nêu trên đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới
phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác người Việt Nam ở nước
ngoài nói chung và các hội đoàn nói riêng, thể hiện trên một số phương
diện chính.
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thông qua nghị quyết và các
định hướng chủ trương, chính sách lớn về công tác người Việt Nam ở nước
ngoài.
Đảng lãnh đạo Nhà nước tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa những quan
điểm chỉ đạo nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước
ngoài. Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa các chủ
trương, chính sách liên quan đến việc hỗ trợ hoạt động của các hội đoàn
người Việt Nam ở nước ngoài tại một số địa bàn trọng điểm, có đông người
Việt Nam, nhất là về vấn đề nguồn lực, kinh phí.
Đối với một số hội đoàn hoạt động hiệu quả, có ảnh hưởng với chính
quyền sở tại, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa
Việt Nam với các nước, cần nghiên cứu hỗ trợ kinh phí theo cơ chế đặc
thù trên nguyên tắc các hội hoạt động tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự
trang trải tài chính, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm
vụ được giao.
Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, trong trao đổi với chính quyền các
nước, cần tiếp tục vận động chính quyền tạo điều kiện cho hội đoàn người
Việt Nam ở nước ngoài hoạt động, đóng góp cho nước sở tại, cho phép
người Việt Nam ở nước ngoài thành lập hội phù hợp với luật pháp nước sở
tại, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên và người Việt Nam ở
nước ngoài.
Về dài hạn, trên cơ sở tổng kết 20 năm triển khai Nghị quyết số
36-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần tính tới việc ban hành nghị quyết mới của
Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người
Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Thứ hai, đổi mới công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, trong đó quan tâm, động viên cả về vật chất và tinh thần.
Trước hết, cần đổi mới nội dung, phương thức và tư duy công tác thông
tin, tuyên truyền tới người Việt Nam ở nước ngoài và các hội đoàn. Về
tư duy, coi kiều bào vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của công tác thông
tin, tuyên truyền. Về nội dung, tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng
cao nhận thức về chính trị, tư tưởng của cán bộ hội đoàn, hội viên và
người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt chú trọng quán triệt các chủ
trương, quan điểm, đường lối của Đảng về công tác đại đoàn kết dân tộc
nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của chính cộng đồng và các
hội đoàn. Điều hết sức quan trọng là cần kịp thời thông tin về tình
hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng cách
thức phù hợp đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường tuyên
truyền, giáo dục về lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc cho người
Việt Nam ở nước ngoài nhằm nuôi dưỡng và phát huy tình yêu quê hương,
lòng tự hào dân tộc trong mỗi kiều bào.
Về phương thức, phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông điện
tử chính thống từ trong nước, các phương tiện truyền thông đa dạng của
cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường thông tin, tuyên
truyền trên các nền tảng số, các phương tiện truyền thông xã hội để các
tổ chức và cá nhân hội đoàn có thể tiếp cận nguồn tin chính thống, khách
quan mọi lúc, mọi nơi. Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp,
phản ứng nhanh, kịp thời, đấu tranh phản bác có hiệu quả trước những
luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình đất nước.
Ngoài ra, cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thuyết phục, vận
động người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và các hội đoàn nói riêng,
coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Thông qua chủ
trương chăm lo của Đảng, Nhà nước, cần tăng cường các biện pháp thuyết
phục tổ chức và cá nhân kiều bào, cả về vật chất và tinh thần. Tăng
cường vai trò đồng hành, định hướng hoạt động đối với các hội đoàn,
không can thiệp quá sâu, chỉ đạo, áp đặt, không hành chính hóa hoạt động
của các hội đoàn. Chú trọng đối thoại trực tiếp, tiếp xúc với các bên
nhằm giải quyết những mâu thuẫn hiện có trong nội bộ một số hội đoàn. Do
đặc thù cộng đồng ở mỗi địa bàn không giống nhau, trong công tác vận
động, lãnh đạo của Đảng đối với hội đoàn cần có những cách tiếp cận phù
hợp với tình hình thực tiễn tại từng địa bàn, tăng cường tính định
hướng, đồng hành, không áp đặt một mô hình chung. Bên cạnh đó, cần
khuyến khích, tạo điều kiện, phát huy quyền tự chủ, tự quản, chủ động,
sáng tạo của các hội đoàn.
Về đối tượng, các biện pháp thuyết phục, vận động cần tập trung hướng
tới lực lượng nòng cốt, kiều bào trẻ, người có uy tín, ảnh hưởng và
kiều bào còn định kiến. Trong đó, tiếp tục triển khai các chính sách
khen thưởng, động viên các hội đoàn, cá nhân lãnh đạo hội, cán bộ nòng
cốt có nhiều thành tích trong xây dựng cộng đồng và đóng góp cho đất
nước; chú trọng tổ chức các hoạt động ý nghĩa, hướng về cội nguồn dành
cho thanh niên kiều bào để nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và tình cảm
gắn bó, yêu quê hương, đất nước; vận động và phát huy vai trò của những
tổ chức, cá nhân kiều bào có uy tín, ảnh hưởng trong tập hợp, đoàn kết cộng đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp kiều bào và du học sinh tiêu biểu ở California, Hoa Kỳ tháng 5/2022. (Ảnh: TTXVN)
Đối với những tổ chức và cá nhân kiều bào còn định kiến, cần có những
biện pháp mang tính tổng thể và chủ động hơn nhằm mở rộng phạm vi tiếp
xúc, kiên trì vận động, thuyết phục trên cơ sở gia tăng điểm tương đồng,
chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân
tộc, thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết dân tộc, đó là: Mọi người
Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa
vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu
dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đều được tập hợp trong
khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn thông
qua các tổ chức đảng, đảng viên ở nước ngoài và bằng công tác tổ chức,
cán bộ.
Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng,
nhất là cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan đại diện đối với công tác hội
đoàn. Sau khi Đảng bộ Ngoài nước hợp nhất với Đảng bộ Bộ Ngoại giao theo
Quyết định số 209-QĐ/TW ngày 26/11/2019 của Bộ Chính trị, hiện Đảng
ủy Bộ Ngoại giao là cấp ủy phụ trách trực tiếp các đảng bộ, chi bộ cơ sở
ở ngoài nước. Hiện nay, có gần 11.000 đảng viên đang làm việc, học tập,
sinh sống ở nước ngoài, được bố trí sinh hoạt tại 69 tổ chức đảng ở cơ
sở, gồm 30 đảng bộ và 39 chi bộ, cùng hơn 500 tổ chức đảng trực thuộc.
Đây chính là lực lượng nòng cốt trực tiếp thực hiện vai trò lãnh đạo của
Đảng đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh chi bộ, đảng bộ tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước
ngoài, các đảng viên sinh hoạt trong các đảng bộ bộ phận, chi bộ ở nước
sở tại, như chi bộ lưu học sinh, lao động xuất khẩu, chuyên gia,...
phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, luôn gần gũi,
lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào; đồng thời, đẩy mạnh
tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Tích cực đầu tư, chăm lo xây dựng tổ chức đảng ở những nơi có đông
kiều bào sinh sống, nhiều học sinh, sinh viên, lao động xuất khẩu...
Đảng ủy, chi bộ cơ quan đại diện có trách nhiệm giữ mối liên hệ và lãnh
đạo chặt chẽ các tổ chức đảng và đảng viên nơi có đông người Việt Nam ở
nước ngoài sinh sống.
Về công tác tổ chức, cán bộ, cần nâng cao vai trò chuyên trách, quản
lý nhà nước thống nhất về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục
kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác người Việt Nam ở nước ngoài của
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để có một cơ quan chuyên
trách xứng tầm, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối
với người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời đáp ứng kỳ vọng của kiều bào.
Tăng cường lực lượng và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên
trách làm công tác cộng đồng; trong đó, chú trọng các bộ phận làm việc
trực tiếp tại nước sở tại theo hướng sâu sát, thực chất, hiệu quả, kịp
thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước
sở tại.
Thực tiễn cho thấy, các cơ quan đại diện nào có cán bộ chuyên trách
cộng đồng hoặc có thành lập ban công tác cộng đồng, công tác người Việt
Nam ở nước ngoài ở đó được triển khai tích cực, chủ động, sáng tạo. Vì
vậy, mô hình ban công tác cộng đồng tại các cơ quan đại diện cần được
nhân rộng ở các địa bàn, đặc biệt là những nơi có đông người Việt Nam ở
nước ngoài sinh sống.
Bên cạnh đó, cần tập trung chăm lo, củng cố, xây dựng các tổ chức hội
đoàn truyền thống vững mạnh, khuyến khích các hình thức tập hợp mới,
nâng cao chất lượng hoạt động của các hội đoàn theo hướng thiết thực,
hiệu quả, dân chủ, công khai, minh bạch. Kiện toàn bộ máy ban chấp hành,
chú trọng vận động những kiều bào là đảng viên, kiều bào nòng cốt, có
uy tín, ảnh hưởng tham gia ban chấp hành và tích cực đóng góp cho công
tác hội đoàn, qua đó kịp thời nắm được diễn biến tư tưởng của các hội
viên, phục vụ việc chuẩn y ban chấp hành hội đoàn sát với tình hình thực
tiễn, cũng như bảo đảm định hướng hoạt động của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.
Lớp học Tiếng Việt ở Ekaterinburg. (Ảnh: Vietnam+)
Ngoài ra, cần chú trọng, chăm lo bồi dưỡng cán bộ trẻ; đồng hành,
định hướng hoạt động của các hội sinh viên, hội lưu học sinh, du học
sinh, bởi đây là lực lượng nòng cốt trong việc thu hút và gắn kết người
Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, vận động để thu hút
thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các hội đoàn, tạo
dựng đội ngũ lãnh đạo hội đoàn kế cận. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán
bộ hội đoàn, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức,
kỹ năng dân vận; phát huy vai trò sự nhiệt tình, gương mẫu của cán bộ
hội đoàn.
Thứ tư, đổi mới và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác
người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, công tác hội đoàn nói riêng.
Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng là căn cứ để đánh giá, kiểm
tra, giám sát việc thực hiện của tổ chức đảng, đảng viên trong các tổ
chức của hệ thống chính trị. Do vậy, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát
việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác người
Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số
45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị. Công tác kiểm tra,
giám sát cần được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ, nghiêm minh và phát huy
được vai trò giám sát của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân
và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả
công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài. Kịp thời xử lý những trường hợp
đảng viên ở nước ngoài vi phạm quy định của Đảng.
Như vậy, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội
đoàn người Việt Nam ở nước ngoài là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh
hiện nay để Đảng ta tăng cường sự lãnh đạo, quan tâm, hỗ trợ, dẫn dắt
nhằm xây dựng các hội đoàn mạnh, giàu sức sống, phát huy hiệu quả vai
trò đoàn kết và tập hợp đông đảo đồng bào, xứng đáng là "điểm tựa" trong
công tác vận động kiều bào hướng về quê hương, góp phần củng cố vững
chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay xây dựng một Việt Nam
hùng cường và thịnh vượng./.
PHẠM QUANG HIỆU
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
(Nguồn: TTXVN)