Cơ chế nào để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo có hiệu quả trước sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ hiện nay?
“Doanh nghiệp phải xác định đổi mới sáng tạo là động lực và giải pháp tối ưu nhằm nâng cao tính cạnh tranh của Doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện...” Đó là thông điệp mà Chính phủ muốn gửi đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đổi mới, sáng tạo phải bắt đầu từ đâu? Cơ chế nào để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo có hiệu quả? Đó là những vấn đề lớn đặt ra cho cả doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương trước sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ hiện nay.
Báo cáo năng lực canh tranh toàn cầu năm 2018 được diễn đàn kinh tế thế giới công bố cho thấy, Việt Nam xếp thứ 77/140 quốc gia và vùng lãnh thổ về năng lực cạnh tranh, tụt 3 bậc so với năm 2017. Trong 12 trụ cột đánh giá, Việt Nam đạt điểm thấp nhất ở trụ cột năng lực sáng tạo. Tri thức và sáng tạo đang trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia.
Đổi mới sáng tạo là một xu hướng không thể chối từ. Việt Nam mặc định là một phần trong đó. Do nhận thức của nhiều chủ doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo chưa đầy đủ, chưa thấy được tác dụng, ý nghĩa cũng như sự cần thiết phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nên hoạt động đổi mới sáng tạo chưa quyết liệt, mạnh mẽ.
Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước Việt Nam không tham gia, đến cuộc cách mạng 4.0, nếu lỡ chuyến tàu lần này thì chúng ta khó có cơ hội bắt kịp thế giới. Các cuộc cách mạng công nghiệp thay đổi quan trọng nhất là năng suất lao động. Cách mạng 4.0, chuyển đổi số là yếu tố quyết định năng suất lao động.
Hiện nay năng suất lao động của Việt Nam khoảng 4.000 USD/người/năm, đây là con số rất thấp so với khu vực. bằng 1/10 hay 1/15 các nước trong khu vực. Yêu cầu bức thiết hiện nay là làm sao có thể đuổi kịp khu vực. Đối với doanh nghiệp, năng suất lao động là vấn đề sống còn. Tuy nhiên, để tăng năng suất thì những cải tiến hàng ngày.
Chủ tịch FPT Software cho rằng, nhân sự làm thêm giờ, chăm chỉ hơn không có tác động nhiều mà quan trọng là phải chuyển đổi số. Chuyển đổi từ những cái nhỏ nhất, ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả nhanh nhất:
“Hiện nay, doanh nghiệp nhanh hơn sẽ thắng các doanh nghiệp lớn hơn. Đối với tất cả doanh nghiệp lớn, nhỏ hay vừa, câu hỏi làm thế nào để chuyển đổi số? Câu trả lời là hãy dùng dữ liệu để thay đổi. Quan trọng là phải nhanh. Thứ hai là bắt đầu từ những việc rất nhỏ nhưng phải nhanh thì sẽ có tác dụng liên tục”.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nêu quan điểm, đổi mới sáng tạo, có hai phần. Đó là những thứ hiện hành và thứ hai là startup làm những thứ Việt Nam chưa có. Điều quan trọng nhất là thể chế phải tạo ra cho đổi mới sáng tạo nảy nở.
“Cái vướng mắc nhất theo tôi là tư duy và thể chế của chúng ta là theo cách làm theo quy định, tiến theo quy trình. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần gỡ thể chế. Từ đó tạo ra động lực, buộc doanh nghiệp phải đổi sáng tạo thì mới thành công. Một khi doanh nghiệp tìm kiếm thành công bằng đường khác hơn là đổi mới sáng tạo thì chúng ta nói vẫn cứ là nói”, ông Cung phân tích.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì cho rằng, với sự phát triển của thương mại điện tử hiện nay thì các doanh nghiệp siêu nhỏ, một cô thợ may ở Quảng Nam, một anh trồng cà phê ở Đăk Lắc hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường thế giới thông qua kinh tế số, thông qua thương mại điện tử để bán được hàng của mình sản xuất ra. Các doanh nghiệp lớn tự họ có thể đầu tư, có thể phát triển kinh tế số, nhưng nếu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể ứng dụng kinh tế số vào sản xuất, kinh doanh thì đó sẽ là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc nêu vấn đề: Chính phủ sẽ có sự hỗ trợ như thế nào đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ có thể tiếp cận được kinh tế số? Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được với chuyển đổi số, họ đang loay hoay với câu hỏi phải bắt đầu từ đâu và sẽ bước đi như thế nào.
“Chúng ta đang đứng trước nhiều quá trình chuyển đổi, nhưng quá trình chuyển đổi số đang là quá trình chuyển đổi quan trọng nhất, mang tính nền tảng của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ tạo môi trường, điều đó là dứt khoát. Trung tâm của đổi mới sáng tạo, trung tâm của chuyển đổi số là doanh nghiệp chứ không phải là Chính phủ. Mục tiêu chúng ta hướng tới là bứt phá và phát triển bền vững sẽ là tương lai”, ông Lộc cho hay.
Phát biểu tại diễn đàn CEO năm 2019 với chủ đề "Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo: Bứt phá từ tư duy đến hành động" vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và sự cạnh tranh của nền kinh tế.
Chính phủ ngày càng cải thiện thực chất hơn môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 5G và các mô hình kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, sự chủ động của doanh nghiệp vẫn là yếu tố quan trọng nhất.
“Từ bứt phá, đổi mới về tư duy, doanh nghiệp phải hành động ngay, kịp thời quyết liệt và khẩn trương. Có như vậy mới đạt được kết quả cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực và từng doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo. Trong sự nghiệp này, để thành công, các doanh nghiệp không đi một mình mà phải đoàn kết và đi cùng nhau. Chính phủ, các địa phương cam kết sẽ đồng hành, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại và phát triển bền vững, có sức cạnh tranh trên thị trường khi tự thân đổi mới, sáng tạo. Hoạt động đổi mới sáng tạo không phải chỉ diễn ra một lần mà doanh nghiệp phải liên tục không ngừng. Nói như Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Có nhiều yếu tố quyết định năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, đó là sự quan tâm của lãnh đạo, năng lực sáng tạo của đội ngũ, khả năng nắm bắt và xử lý thông tin và sự đầu tư cho đổi mới sáng tạo, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người./.
Theo VOV.VN