Hiện nay, có hơn 23.000 container phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển
thuộc Cục Hải quan các tỉnh, thành phố cần phải xử lý, trong đó chiếm số
lượng lớn nhất là các container đã lưu giữ trên 90 ngày.
Hiện vẫn còn lượng lớn container hàng hóa là phế liệu đang tồn đọng
tại cảng chưa có người nhận. Trong khi ấy, điểm khó là các hãng tàu rất
chậm trễ trong việc chấp nhận vận chuyển các lô hàng này ra khỏi lãnh
thổ Việt Nam.
Đây là những vấn đề được Bộ Tài chính nêu lên trong văn bản gửi Thủ
tướng Chính phủ về việc xử lý hàng tồn đọng là phế liệu tại cảng biển.
CHƯA TỚI 10% CONTEINER QUÁ 90 NGÀY TÌM ĐƯỢC CHỦ
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/2, có hơn 23.000
container phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển thuộc Cục Hải quan các
tỉnh, thành phố. Trong số này, chiếm số lượng lớn nhất là các container
đã lưu giữ trên 90 ngày với 9.825 container, tiếp theo là 7.048 chiếc
lưu giữ dưới 30 ngày và 6.580 chiếc lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày.
Lượng hàng phế liệu tồn nhiều nhất là ở Bà Rịa-Vũng Tàu với 9.468
container, tiếp theo là Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh với lần lượt
6.082 container và 4.689 container.
Với 9.825 container đã lưu giữ trên 90 ngày, Bộ Tài chính cho biết đã
có văn bản chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thông báo tìm chủ
hàng. Kết quả, các đơn vị đã thông báo tìm chủ với 9.444 container và
lượng container có người đến nhận hoặc xác định được chủ hàng là 955
container (chiếm tỷ lệ 9,7%). Ngược lại, còn 8.870 container, tức là
90,3% là hàng không có người đến nhận.
Theo Bộ Tài chính,
hiện tại, việc yêu cầu các hãng tàu vận chuyển các lô hàng tồn đọng ra
khỏi lãnh thổ Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tại Cục Hải quan tỉnh
Bà Rịa-Vũng Tàu, các hãng tàu chưa thực hiện tái xuất các lô hàng tồn
đọng.
Tại Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, hãng tàu đã hoàn thành thủ tục để
thực hiện tái xuất 19 container, 2 container đang được hãng tàu đã nhận
trách nhiệm để thực hiện tái xuất. Tuy nhiên, tổng cộng 21 container
trên vẫn đang lưu giữ tại cảng biển và chưa được thực hiện tái xuất.
Tương tự, tại Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng, hãng tàu đã nhận trách
nhiệm thực hiện 5 container nhưng vẫn chưa thực hiện vận chuyển lô hàng
ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Từ đó, Bộ Tài chính nêu quan điểm, cần sớm có biện pháp xử lý dứt
điểm toàn bộ các lô hàng phế liệu hiện nay. Đặc biệt, theo ngành tài
chính, cần có biện pháp nhất quán và quyết liệt để kiên quyết yêu cầu
các hãng tàu vận chuyển các lô hàng tồn đọng là phế liệu có nguy cơ gây ô
nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
BÁN ĐẤU GIÁ: LO DOANH NGHIỆP KHÔNG MẶN MÀ?
Để kịp thời chỉ đạo công tác xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu,
Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính thành lập Tổ
công tác liên ngành. Cụ thể, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) là Tổ
trưởng Tổ công tác liên ngành chịu trách nhiệm chỉ đạo điều hành, phân
công nhiệm vụ cho các thành viên để xử lý hàng tồn đọng.
Các thành viên của tổ công tác là: Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng
cục Môi trường), Bộ Giao thông Vận tải (Cục Hàng hải Việt Nam), Bộ Quốc
phòng (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố), lãnh đạo Ủy ban
Nhân dân các tỉnh, thành phố nơi có phế liệu tồn đọng.
Về phương án xử lý, theo Bộ Tài chính, trước hết, cần thành lập Hội
đồng xử lý hàng hóa tồn đọng với Chủ tịch là Cục trưởng Cục Hải quan
tỉnh, thành phố và thành viên là đại diện đơn vị liên quan. Các thành
viên hội đồng sẽ kiểm kê, phân loại hàng, xác định rõ hàng hóa tồn đọng
là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu tồn đọng đạt hay không đạt
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Sau kiểm kê, 2 phương án được Bộ Tài chính đưa ra. Với phương án 1, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan hải quan yêu cầu hãng
tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp hãng tàu không thực hiện, cơ quan hải quan lập danh sách
các hãng tàu để làm cơ sở kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu
biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra, vào cảng biển
Việt Nam.
Quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan thông báo nhưng hãng tàu chưa
thực hiện vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Hội đồng xử
lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức tiêu
hủy.
Chi phí tiêu hủy trích từ tiền thu được sau khi bán đấu giá đối với lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường.
Với phương án 2, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện
pháp xử lý bằng hình thức bán đấu giá toàn bộ các lô hàng tồn đọng, bao
gồm cả hàng phế liệu đạt và không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi
trường.
Doanh nghiệp trúng đấu giá có trách nhiệm tiêu hủy với các lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Tuy nhiên, với phương án này, điều lo lắng là việc lựa chọn doanh
nghiệp tham gia đấu giá để mua hàng hóa tồn đọng gặp nhiều khó khăn do
chi phí tiêu hủy rất lớn. Doanh nghiệp sẽ không đăng ký tham gia đấu giá
để thu mua các loại hàng hóa này. Từ đó, Bộ tài chính đề xuất lựa chọn
phương án 1./.
Xuân Dũng (Vietnam+)