Ngày 26/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2023 để thảo luận, xem xét 7 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và 2 dự thảo luật.
Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang, Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận, xem xét 7 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh gồm: Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Dẫn độ; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Quản lý phát triển đô thị; Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, Chính phủ cũng tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe tờ trình tóm tắt đề nghị xây dựng; báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định; tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành; xem xét về quy trình, thủ tục chuẩn bị; các yêu cầu, nguyên tắc xây dựng luật, pháp lệnh; tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; đồng thời phân tích sâu các vấn đề căn cơ và còn có ý kiến khác nhau tại các dự án luật, pháp lệnh.
Trong đó, đối với đề nghị xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các thành viên Chính phủ thảo luận sâu về vấn đề phân loại cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; phân công, phân cấp, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy; quy định cụ thể các hoạt động cứu nạn, cứu hộ có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà chưa được quy định trong văn bản Luật; xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy đối với một số nội dung quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy…
Đối với đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ, các đại biểu xem xét kỹ cơ sở pháp lý thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới của Việt Nam và quốc tế; quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động dẫn độ.
Về đề nghị xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, các đại biểu xem xét các nội dung liên quan cơ sở pháp lý thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phù hợp với bối cảnh, tình hình mới của Việt Nam và quốc tế; việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao về nơi có điều kiện tốt hơn để tiếp tục chấp hành án phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng.
Đối với đề nghị xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Chính phủ thống nhất xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; các chính sách bảo đảm nguồn lực; chế độ chính sách cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Với đề nghị xây dựng Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu thống nhất hoàn thiện quy định về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; hoạt động quản lý, bảo vệ các công trình, di tích thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; về lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng; bảo đảm nguồn lực; chế độ, chính sách cho các lực lượng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Về đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Chính phủ phân tích các chính sách về phân loại, quản lý phát triển bền vững hệ thống đô thị; quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị; quản lý phát triển hạ tầng đô thị; quản lý phát triển không gian ngầm đô thị…
Đối với đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, các thành viên Chính phủ nhất trí các chính sách nhằm mở rộng phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự, xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan; tạo cơ chế xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ; nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự theo hướng hoàn thiện quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian thực hiện nhanh, gọn, hiệu quả, hiện đại…
Chính phủ trân trọng tiếp thu ý kiến của các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội; hoan nghênh ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu tác động của Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nghiên cứu bổ sung phù hợp nhằm quản lý tốt hơn, chống tiêu cực, song tạo điều kiện, khuôn khổ pháp lý cho phát triển, để trình Quốc hội.
Cùng với cho ý kiến và kết luận đối với từng nội dung của các dự án Luật, pháp lệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các Phó Thủ tướng chỉ đạo và giao việc cụ thể cho các Bộ, ngành chủ trì, phối hợp tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ, đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo quy định, nhất là đối với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ và các đại biểu, cũng như sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng pháp luật; cảm ơn sự phối hợp của các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, góp phần quyết tâm cùng Chính phủ thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng cho biết, cho biết, trong năm 2023, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan đã nỗ lực đầu tư công sức xứng tầm và làm được nhiều việc cho đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế. Trong đó, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Theo Thủ tướng, tuy đạt nhiều kết quả, song vẫn còn nhiều vấn đề cần làm để hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển nhanh, bền vững, nhất là trong bối cảnh nhiều vấn đề mới phát sinh hoặc quy định chưa theo kịp thực tiễn hiện nay. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, các thành viên Chính phủ phải tiếp tục đổi mới và đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế nhằm khơi thông, tháo gỡ những vướng mắc và thúc đẩy quá trình phát triển.
Trong đó, tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng chính sách, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, trình dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong bối cảnh tình hình mới; đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho công tác thể chế; bổ sung, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm công tác pháp chế; có chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp.
Thủ tướng lưu ý, phải tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan; phối hợp chặt chẽ, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội; lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người có tâm huyết, ý kiến của nhân dân và tiếp thu, chắt lọc kinh nghiệm quốc tế áp dụng phù hợp vào điều kiện, hoàn cảnh đất nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành, theo hướng đổi mới, đơn giản hóa quy trình xây dựng pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát; cắt giảm tối đa thủ tục, giảm tối đa chi phí không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành quyết liệt thực hiện chương trình công tác về xây dựng pháp luật còn lại của năm 2023; khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn nợ đọng, những văn bản có hiệu lực từ 01/01/2024; điều chỉnh và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị các hồ sơ tài liệu và tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những nhiệm vụ phục vụ các Kỳ họp tới đây của Quốc hội khóa XV.