(TG)-Với sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền miệng ở Đảng bộ huyện Mường Khương đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong thời gian qua.
Mường Khương là huyện vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai, có diện tích đất tự nhiên 55.614,53 ha. Huyện có trên 73,6 km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc (trên 48 km đất liền còn lại là sông, suối nhỏ) với 01 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn, lối mở. Huyện có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, được coi là “phên dậu” của Tổ quốc.
Toàn huyện có 15 xã và 01 thị trấn (có 9 xã, thị trấn biên giới) với 209 thôn, tổ dân phố. Dân số trên toàn huyện trên 60 nghìn người gồm 14 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 88% (dân tộc Mông chiếm 43,65%, dân tộc Nùng chiếm 26,8%, dân tộc Kinh chiếm 11,9%, còn lại là các dân tộc khác). Đảng bộ huyện có trên 2700 đảng viên sinh hoạt tại 45 tổ chức cơ sở đảng gồm 19 đảng bộ, 26 chi bộ cơ sở (có 278 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, 209 chi bộ thôn, tổ dân phố độc lập).
Trong 10 năm qua (2007 - 2017), xác định công tác tuyên truyền miệng là nhiệm vụ của cấp ủy và cả hệ thống chính trị, Đảng bộ huyện đã quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 17- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” và Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 15/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng” đến cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy sức mạnh của cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị tham gia làm công tác tuyên truyền miệng.
Với sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền miệng ở Đảng bộ huyện Mường Khương đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong thời gian qua.
Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng, Đảng bộ huyện đã thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của huyện: Báo cáo viên cấp tỉnh công tác tại huyện là 03 đồng chí, báo cáo viên cấp huyện là 21 đồng chí, cộng tác viên dư luận xã hội của huyện là 20 đồng chí, báo cáo viên cấp xã là 192 đồng chí, tuyên truyền viên cấp xã là 627 đồng chí. Các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh công tác tại huyện đều có trình độ chuyên môn đại học trở lên, có trình độ cao cấp lý luận chính trị.
Đối với báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện, hầu hết có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học và trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Các báo cáo viên cấp xã có trình độ chuyên môn trung cấp và trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên. Hằng năm, Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo và Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện phối hợp tổ chức từ 02 - 04 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Bên cạnh đó, Huyện ủy chỉ đạo tổ chức hội thi báo cáo viên giỏi cấp huyện nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên học tập, rèn luyện, trau dồi kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, qua đó giúp cho đội ngũ báo cáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đảng bộ huyện cũng đã chỉ đạo duy trì tốt các hội nghị báo cáo viên từ huyện tới cơ sở 1 tháng/lần. Trong 10 năm, Huyện ủy chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu tổ chức 144 hội nghị báo cáo viên cấp huyện với trên 8.000 lượt người tham gia, cấp cơ sở tổ chức được 660 hội nghị báo cáo viên (lồng ghép với hội nghị tuyên vận) với trên 26.000 lượt người tham gia. Việc duy trì hội nghị báo cáo viên đã giúp cho đội ngũ báo cáo viên từ huyện tới cơ sở nắm bắt thông tin phục vụ cho công tác tuyên truyền ở cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần đưa thông tin chính thống, kịp thời đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện. Cũng thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng của huyện nắm bắt được thông tin, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn huyện cũng còn có những tồn tại, hạn chế: Một số cấp uỷ chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Vẫn còn một bộ phận báo cáo viên hạn chế về trình độ, kỹ năng tuyên truyền nên chưa thuyết phục người nghe, nhất là đội ngũ báo cáo viên ở các xã vùng cao. Công tác thông tin hai chiều còn hạn chế, chưa chú ý đến đối thoại giữa người nói và người nghe. Việc nắm bắt dư luận, dự báo tình hình, định hướng tư tưởng chưa có lúc, có nơi chưa kịp thời…
Trong tình hình hiện nay, việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Từ thực tiễn công tác tuyên truyền miệng ở Đảng bộ huyện Mường Khương cho thấy, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, xác định công tác tuyên truyền miệng không phải là nhiệm vụ riêng của đội ngũ báo cáo viên mà là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị. Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền miệng. Định kỳ sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền miệng, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những báo cáo viên có thành tích nổi bật trong công tác tuyên truyền miệng ở địa phương.
Hai là, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc xây dựng được đội ngũ báo cáo viên nòng cốt, chủ lực trong đội ngũ tuyên truyền miệng của Đảng nhằm kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng thông tin là hết sức quan trọng. Đội ngũ báo có viên, tuyên truyền viên không chỉ là lực lượng xung kích trong công tác tuyên truyền miệng mà còn phải là những chiến sĩ tiên phong trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động.
Do đó, cấp ủy các cấp cần kịp thời củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng. Lựa chọn những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; nắm vững những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ chuyên môn và kỹ năng tuyên truyền tốt. Chú trọng công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ đặc biệt là kỹ năng nói và viết cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Cùng với việc xây đựng đội ngũ, cấp ủy các cấp cần thông tin kịp thời những vấn đề thời sự, chính sách cho đội báo cáo viên, tuyên truyền viên thông qua các hội nghị báo cáo viên định kỳ. Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ, tổ chức tốt các hội thi báo cáo viên giỏi để đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên học tập, rèn luyện, trau dồi kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm nhằm làm phong phú vốn thông tin từ thực tiễn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhất là ở cơ sở.
Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền miệng. Nội dung tuyên truyền cần chú trọng thông tin những chủ trương, chính sách lớn, mới của Đảng và Nhà nước, những sự kiện chính trị quan trọng trong nước, quốc tế, địa phương và những vấn đề mà xã hội, người nghe quan tâm. Phương thức tuyên truyền phải kịp thời, đúng thời điểm và đúng đối tượng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, định hướng thông tin trước các sự kiện tác động đến tư tưởng, tình cảm, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt việc thông tin hai chiều, tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe, đặc biệt là thông tin từ cơ sở. Kết hợp chặt chẽ hoạt động tuyên truyền miệng với các hình thức tuyên truyền khác nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ công tác tư tưởng hiện nay.
Bốn là, tăng mức hỗ trợ kinh phí, đầu tư trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc nhằm tạo động lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phát huy cao nhất khả năng của mình và thu hút được những người có tâm huyết, thực sự có năng lực làm công tác tuyên truyền miệng./.
Ngô Thanh Hữu
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Khương, Lào Cai