(TG) - Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 nhằm mục đích tôn vinh những địa phương, tập thể, cá nhân, hộ gia đình điển hình trong công tác giảm nghèo bền vững.
Chiều 12/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức lễ trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả xuất sắc Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 lần thứ nhất năm 2017.
Đến dự và trao giải có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng chí Trương Minh Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Báo cáo tổng kết cuộc thi, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Sau 8 tháng phát động, Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của các cây bút chuyên nghiệp đến từ các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương và các tác giả không chuyên, gửi tác phẩm tham dự. Theo Ban tổ chức Cuộc thi, tính đến hết ngày 10/9/2017, Ban tổ chức đã tiếp nhận được hơn 300 tác phẩm dự thi của các cá nhân, tập thể các cơ quan báo chí trung ương và địa phương với các thể loại: phóng sự, ghi chép, bút ký, bài phản ánh, phóng sự ảnh, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình.
|
Các tác phẩm dự thi đã phản ánh được bức tranh toàn cảnh về viểc triển khai xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đa chiều, lấy hộ nghèo, xã, thôn bản nghèo, huyện nghèo làm chủ thể, ghi nhận sự quyết tâm tạo đổi mới trong việc xây dựng và thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều, khuyến khích sự chủ động vươn lên của địa phương, cơ sở và hộ nghèo ở các vùng, miền còn tỷ lệ hộ nghèo cao.
Cùng với việc phản ánh về chuyển động trong triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, các tác phẩm cũng đã khắc họa được các mô hình giảm nghèo ở địa phương như: trồng rừng, chăn nuôi, học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, vay vốn phát triển kinh tế đa dạng, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất.
Tuy là năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức, nhưng đã có nhiều cơ quan truyền thông, báo chí ở trung ương, địa phương hưởng ứng tham gia, các tác phẩm dự thi đã phản ánh được bức tranh toàn cảnh của cả nước về tiến trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc phản ánh việc đổi mới hệ thống, cơ chế thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững, sự quan tâm chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực của Quốc hội, Chính phủ cho mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020.
Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia cho biết: Trong hơn 30 năm đổi mới, phát triển và hội nhập, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có thành tựu nổi bật về xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm mạnh từ trên 58% năm 1993 xuống còn khoảng 7% theo chuẩn đa chiều vào năm 2017 (nếu theo chuẩn cũ thì năm 2015 đã giảm còn khoảng 4,5%). Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Mục tiêu Thiên niên kỷ chúng ta hoàn thành trước thời hạn, được Liên Hợp Quốc ghi nhận và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi Việt Nam là một điểm sáng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên toàn cầu.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia nhấn mạnh: Giai đoạn 2011-2015 có 16 Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng bước sang giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 2 Chương trình mục tiêu quốc gia là Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới. Đồng thời chúng ta cũng có 21 chương trình mục tiêu. Tất cả các chương trình này về cơ bản đều nhằm mục đích giảm nghèo, phát triển bền vững.
|
Đặc biệt, từ năm 2017 chúng ta triển khai chính sách giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, chú trọng bảo đảm người nghèo được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin. Tập trung ưu tiên nguồn lực cho các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích cộng đồng cùng tham gia, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện; chú trọng các giải pháp để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo.
Trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá có sự đóng góp to lớn của các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã thường xuyên, trực tiếp đưa thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; nêu được những mô hình tốt, cách làm hay, những gương điển hình tiên tiến cũng như phản ánh những vấn đề bức xúc về công tác giảm nghèo, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội theo chủ trương “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ban Tổ chức đã lựa chọn và trao 1 giải A (dành cho các tác giả tại Hệ phát thanh VOV2), 4 giải B, 8 giải C và 10 giải Khuyến khích. Trong 24 tác giả có tác phẩm đã đạt giải, có 02 tập thể có nhiều bài dự thi trong Cuộc thi năm 2017, trong đó có nhiều tác phẩm ấn tượng như: Phát triển kinh tế tập thể - đưa nông dân vào sản xuất lớn (nhóm tác giả Trần Phước, Thảo Ly); Đột phá để giảm nghèo bền vững (tác giả Vân Khánh); Chính sách giảm nghèo: vì sao vẫn như muối bỏ bể (nhóm tác giả Hoàng Thu Thùy, Thanh Phương, Giàng Seo Phùa, Thu Hà); Tốt nghiệp đại học để làm nông dân (nhóm tác giả Thanh Tâm, Hồng Nhung); Nghèo giữa rừng vàng (nhóm tác giả Hữu Đại, Cao Tùng, Thanh Tùng, Minh Sơn, Khánh Linh); Đào tạo nghề lao động nông thôn: “Cần câu để giảm nghèo” (tác giả Anh Tuấn).
Lễ trao giải là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động Tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10- 18/11/2017) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, hướng tới Ngày Quốc tế chống đói nghèo 17/10./.
Duy Phong