Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 13/8/2014 15:28'(GMT+7)

Đối ngoại đa phương trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hải Minh

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hải Minh

Tại Hội nghị “Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” tổ chức ngày 12/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã đề cập cách tiếp cận mới về đối ngoại đa phương trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. 

Ông Nguyễn Chí Vịnh cho rằng các diễn đàn đa phương trong lĩnh vực quốc phòng ngày càng trở nên quan trọng. Vì vậy, Việt Nam rất quan tâm đến hoạt động hợp tác quốc tế về quốc phòng, trong đó có hợp tác đa phương về quốc phòng, trước hết ở châu Á-Thái Bình Dương, Liên Hợp Quốc...

Hợp tác quốc phòng ở diễn đàn đa phương cũng như các lĩnh vực khác là vì hòa bình, ổn định, phát triển. Nhưng đặc trưng của hợp tác quốc phòng là xây dựng lòng tin và cam kết không sử dụng sức mạnh quốc phòng để đối phó, để xử lý các vấn đề của các quốc gia liên quan mà ngược lại, phải là việc sử dụng thế mạnh, sức mạnh trong hợp tác quốc phòng để cùng củng cố, đảm bảo hòa bình và đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống.

Cách đây 4 năm, năm 2010, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng của 18 quốc gia (10 nước ASEAN và 8 nước đối tác, đối thoại), trong đó có những quốc gia có tiềm lực quốc phòng mạnh nhất trên thế giới, đã ngồi với nhau để bàn về hòa bình và hợp tác; cam kết không sử dụng vũ lực; cam kết dùng tiềm lực quốc phòng để phục vụ hòa bình, ổn định thế giới. Những cam kết đó thể hiện sự thay đổi tích cực trong quan hệ giữa các nước tham dự hội nghị.

Theo ông Nguyễn Chí Vịnh, quốc phòng tham gia hợp tác đa phương trước hết là sự hợp tác trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia đồng thời tham gia đảm bảo ổn định hòa bình của khu vực và thế giới.

Thứ hai, yêu cầu khi tham gia hợp tác quốc phòng mang tính đa phương là mỗi nước vừa phải kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc mình, vừa cần quan tâm đến lợi ích của quốc gia khác trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Với Việt Nam, điều này đã được thể hiện rất rõ.

Chẳng hạn, ở Việt Nam không có khủng bố, nhưng Việt Nam tham gia rất tích cực vào hợp tác chống khủng bố trên thế giới; Việt Nam quan tâm đến nhiệm vụ chung của cộng đồng quốc tế trong chống cướp biển; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ… Đây là những ví dụ điển hình về việc Việt Nam chủ động hợp tác giữ gìn hòa bình thế giới. Chính vì lẽ đó, Việt Nam được thế giới ủng hộ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan do những cuộc chiến tranh trước đây để lại cũng như những thách thức an ninh phi truyền thống và trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Về một số vấn đề trong hợp tác quốc phòng trên các diễn đàn đa phương hay đề cập, trong đó có vấn đề tranh chấp, ông Nguyễn Chí Vịnh cho rằng vấn đề tranh chấp trước hết phải được giải quyết giữa các nước với nhau. Tuy nhiên, khi tranh chấp ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, khu vực (như tranh chấp trên biển) thì nó ảnh hưởng đến an ninh khu vực và thế giới chứ không chỉ những nước có tranh chấp. Vì thế, cách ứng xử không phải chỉ là giữa  2 nước với nhau mà cần đến luật pháp quốc tế. Đây là vấn đề chung mà diễn đàn đa phương là nơi rất thích hợp để giải quyết các vấn đề đó một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế được thừa nhận.

Từ đó có thể khẳng định diễn đàn đa phương tạo sự bình đẳng giữa các nước; là nơi tạo cho người có lẽ phải công khai lẽ phải của mình; các nước tham gia diễn đàn đa phương phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Đây là những điều kiện cơ bản để các nước giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất