Khi những bông hoa mai, hoa đào rừng bung nở đón chào Xuân mới thì
cũng là lúc người Dao ở xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập (Phú Thọ) tưng bừng
đón Tết nhảy.
Từ bao đời nay, Tết nhảy đã trở thành nét sinh hoạt văn
hóa đặc sắc không thể thiếu của người Dao trong mỗi dịp Tết đến, Xuân
về.
Đến xã Nga
Hoàng, huyện Yên Lập vào dịp giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Không khí đón
Tết của người dân tộc nơi đây tưng bừng bởi tiếng kèn, trống, thanh la,
não bạt và tiếng hò hét vui nhộn, vang vọng bản làng.
Hàng năm cứ vào
dịp tháng Chạp, trước Tết Nguyên đán vài ngày là người Dao nơi đây dù
làm ăn ở đâu xa cũng phải về để “hậu tạ” tổ tiên và chuẩn bị làm lễ
“hứa” đầu năm mới.
Theo già
làng Triệu Tài Tệ, khu 2, xã Nga Hoàng thì Tết nhảy là một nghi lễ đặc
biệt trong thờ cúng tổ tiên của người Dao Nga Hoàng nói riêng và của dân
tộc Dao nói chung.
Có nhiều dị bản về nguồn gốc của Tết nhảy nhưng nhìn
chung đều thống nhất về nội dung cơ bản sau: Trong chuyến di cư vượt
biển sang Việt Nam tìm đường sống của con cháu 12 họ Dao, sau nhiều
tháng lênh đênh trên biển mà chẳng tới bờ, bất ngờ đoàn thuyền của các
họ Dao gặp bão, bị sóng to gió lớn như muốn nhấn chìm thuyền, tính mạng
các họ Dao bị đe dọa.
Trong cơn nguy cấp, các họ Dao khấn cầu xin Bàn
Vương và tổ tiên giúp đỡ vượt qua cơn hoạn nạn, vào đến đất liền an toàn
và hứa sẽ làm lễ tạ ơn. Hầu hết các họ Dao hứa làm Tết nhảy. Lời cầu
linh ứng, từ đó về sau theo lời hứa, các họ người Dao tổ chức Tết nhảy
để tạ ơn tổ tiên nhưng tuỳ lời hứa của từng họ mà chu kỳ tổ chức Tết
nhảy của các họ khác nhau, thường từ 10-15 năm/lần.
Mục đích của Tết nhảy là thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, Bàn
Vương đã cứu mạng ngoài biển năm xưa; luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống
của gia đình, dòng tộc; cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành
viên trong gia tộc được mạnh khoẻ, ngày càng làm ăn phát đạt.
Tham dự Tết nhảy tại gia đình ông Triệu Như Thịnh, khu 2, xã Nga Hoàng
mới thấy hết được nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Dao nơi đây. Ông
Triệu Như Thịnh cho biết: Để tổ chức được một lễ Tết nhảy thì ngay từ
đầu năm, dòng họ đã phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các dụng cụ
để múa trong Tết nhảy. Lễ vật trong Tết nhảy gồm có gà, lợn, rượu, gạo
và giấy bản…
Dự Tết nhảy
với gia đình ông Thịnh ngoài người các thôn, bản trong xã còn có người
Dao ở các xã trong huyện Yên Lập (Phú Thọ) và một số vùng phụ cận như
người Dao ở huyện Ba Vì (Hà Nội).
Gia đình tổ chức Tết nhảy phải chuẩn bị rất kỹ về lương thực, thực
phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết khác để làm lễ vật dâng cúng và đủ để
thết đãi bà con trong thôn bản trong suốt thời gian diễn ra Tết nhảy.
Tuy nhiên, theo phong tục của người Dao ở Nga Hoàng thì nếu gia đình tổ
chức Tết nhảy chưa lo được hết thì những gia đình khác trong họ sẽ cùng
đứng ra lo liệu, và bà con trong thôn khi đến dự Tết nhảy cũng góp với
gia chủ con gà, cân gạo, chai rượu hoặc tiền.
Tết nhảy của người Dao Nga Hoàng được gọi là lễ “nhiàng chầm đao”.
Việc tổ chức Tết nhảy tùy vào điệu kiện kinh tế của từng gia đình và
không bị bắt buộc năm nào cũng tổ chức. Chính vì thế, dù là Tết của gia
đình nhưng gia đình phải mời cả bản, cả vùng ăn Tết tập thể và lại được
cả bản, cả vùng coi như Tết chung. Tất cả đều đến tham gia múa nhiều
điệu múa truyền thống như múa cờ, múa tế rùa, múa kiếm, múa chuông...
Theo tập tục, một lễ “nhiàng
chầm đao” gồm 3 phần chính là Khai lễ, Chính lễ và Lễ tiễn đưa. Trong ba
ngày ba đêm làm lễ, mỗi ngày phải hát và nhảy hết 12 bài hát cúng.
Trong suốt thời gian làm Tết
nhảy, chủ nhà mổ lợn, gói bánh để đãi khách. Họ vừa cúng, vừa uống rượu,
ăn cỗ, múa hát thay phiên nhau liên tục trong nhiều ngày. Điệu múa
chuông và múa kiếm, mỗi điệu được thực hiện 36 lần; điệu múa rùa từ 6
đến 9 lần. Những người múa trong Tết nhảy là nam giới không phân biệt
tuổi già hay tuổi trẻ hoặc vùng miền.
Tất cả đều tham gia nhiệt tình qua
đó thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tình cảm gắn bó keo sơn.
Đây cũng là dịp để người Dao ôn lại lịch sử gia đình, lịch sử của dân
tộc; ôn lại vốn văn hoá truyền thống của dân tộc mình thông qua nội dung
những bài khấn, những lời ca, điệu múa.
Qua Tết nhảy, bản sắc văn hoá
của người Dao được thể hiện một cách sâu sắc. Những bộ trang phục truyền
thống với đường thêu tinh tế có dịp được khoe sắc. Các bài cúng bằng
chữ Nôm Dao, các điệu múa, lời ca, các món ăn truyền thống... có dịp
được ôn lại để trao truyền cho thế hệ con cháu mai sau, góp phần giữ gìn
hồn thiêng của dân tộc.
Trước đây, để tổ chức một lễ Tết nhảy tốn kém rất nhiều, người Dao phải
làm trong ba năm liên tục. Năm đầu tiên làm một ngày một đêm, năm thứ
hai làm hai ngày hai đêm, năm thứ ba làm ba ngày ba đêm. Ngày nay, thực
hiện nếp sống văn hoá mới, gia đình nào có điều kiện thì tổ chức, khi tổ
chức người Dao ở Nga Hoàng chỉ thực hiện Tết nhảy trong ba ngày ba đêm
nhưng các nghi lễ và số lượt nghi lễ vẫn được cử hành đầy đủ theo quy
định.
Già làng Triệu Tài Tệ,
khẳng định Tết nhảy không chỉ là nghi lễ thể hiện sự biết ơn, tưởng
nhớ tới tổ tiên mà còn là nghi lễ cầu phúc, cầu may, với mong muốn tẩy
trừ hết những điều bất hạnh, rủi ro của năm cũ; cầu xin trời đất, tổ
tiên phù hộ cho do gia đình, dòng họ, làng bản một năm mới dồi dào sức
khoẻ, cầu cho mưa thuận gió hòa, công việc làm ăn thuận lợi. Đây cũng là
dịp để người Dao ôn lại lịch sử gia đình, lịch sử của dân tộc; ôn lại
vốn văn hóa truyền thống của người Dao thông qua nội dung những bài
khấn, những lời ca, điệu múa...
Ông Trịnh Phú Thông, cán bộ Văn hóa xã Nga Hoàng cho biết hiện người
Dao chiếm hơn 50% số dân của xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập. Sống trong một
môi trường nhiều thách thức đối với văn hóa truyền thống nhưng cho đến
nay nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Dao nơi đây vẫn được bảo tồn,
trong đó có Tết nhảy - nét sinh hoạt văn hóa mang tính tổng hợp của
các loại hình nghệ thuật dân gian như nhảy múa, âm nhạc, ngôn ngữ…
Nga Hoàng trời dần xẩm
tối, âm thanh của Tết nhảy vang rộn rã khắp núi rừng. Hai bên
đường, hoa đào, hoa mận khoe sắc tỏa hương và những nếp
nhà với ánh lửa hồng thấp thoáng báo hiệu mùa Xuân yên vui, no đủ với đồng bào các
dân tộc thiểu số Phú Thọ đang đến thật gần/.
Vũ Bắc