Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2010, chỉ tiêu về nhân lực ngành y tế trong 10.000 dân phải đạt trên 7 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học.
Thế nhưng, tỉ lệ này ở ĐBSCL đạt rất thấp, chỉ có 5,27 bác sĩ và 0,73 dược sĩ đại học cho 10.000 dân. Trong khi đó, mạng lưới y tế công lập và ngoài công lập ngày càng phát triển, nhu cầu được chăm sóc, khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao. Vì vậy, nguồn nhân lực đáp ứng cho ngành y tế hiện đang là trở lực lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, ĐBSCL có 3 vùng “trũng” lớn về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Trong đó, yếu nhất là về lĩnh vực y tế. Tổng hợp của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho thấy toàn vùng ĐBSCL có gần 17,6 triệu người nhưng chỉ có 9.264 bác sĩ và 1.279 dược sĩ đại học. Nếu so với phê duyệt của Chính phủ thì ĐBSCL còn thiếu 3.048 bác sĩ và 655 dược sĩ đại học trong y tế công lập và ngoài công lập, chỉ mới đáp ứng gần 75% số bác sĩ, dược sĩ đại học phục vụ nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Thành phố Cần Thơ là địa phương duy nhất của vùng đạt tỉ lệ 7 bác sĩ/10.000 dân, kế đến là Cà Mau với 6,26 bác sĩ. Thấp nhất là tỉnh Sóc Trăng 3,78 bác sĩ, đáp ứng được 54% và Hậu Giang là 4,05 bác sĩ, đáp ứng được 58% nhu cầu.
Riêng ở Kiên Giang, nhiều xã đảo, huyện đảo đang thiếu bác sĩ. Như xã đảo Thổ Chu có hơn 4 nghìn dân nhưng không có bác sĩ. Việc chăm sóc, chữa trị bệnh của người dân ở đây nhiều năm nay chỉ trông chờ vào các bác sĩ thuộc lực lượng Hải quân Vùng 5.
Mặc dù các địa phương có nhiều chính sách ưu đãi bác sĩ, dược sĩ có trình độ nhưng vẫn không thu hút được đội ngũ bác sĩ về công tác. Mặc khác, do điều kiện kinh phí khó khăn nên các địa phương cũng rất khó để giữ chân số bác sĩ giỏi ở lại công tác.
Ông Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng cho biết: “Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có tỷ lệ thấp nhất ĐBSCL, tỉnh tính toán lập đề án thông qua hội đồng nhân dân đầu tư kinh phi thu hút nguồn nhân lực. Chúng tôi đã trả 50 triệu đối với đại học, thạc sĩ, chuyên khoa cấp 1 là 100 triệu. Đối với chuyên khoa cấp 2 là tiến sĩ là 200 triệu. Hội đồng nhân dân thông qua năm qua rồi tới bây giờ gần 1 năm chỉ về 1 em chuyên khoa cấp 1, nên việc thu hút rất là khó khăn”.
Không chỉ các tỉnh vùng sâu, khó khăn về kinh tế thiếu bác sĩ, mà tại thành phố Cần Thơ tình trạng thiếu bác sĩ tại bệnh viện có khoa y học cổ truyền cũng trầm trọng. Nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện không có bác sĩ phụ trách khoa đông y.
Ông Huỳnh Văn Nhanh- Phó giám đốc Sở y tế Cần Thơ cho biết: “Ở Cần Thơ có bệnh viện Y học cổ truyền, nhưng 5 năm nay không thu nhận được 1 bác sĩ chuyên khoa nào y học cổ truyền. Ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ có khoa y học cổ truyền chỉ có 1 bác sĩ. Ở 9 quận, huyện chỉ có 2 quận, huyện có bác sĩ y học cổ truyền còn lại không có, do đó không thành lập khoa mà chỉ thành lập tổ y học cổ truyền hoạch lồng ghép khoa nội đông y”.
Không chỉ thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học về công tác mà hiện tượng chảy máu “chất xám” đang diễn ra ở nhiều địa phương. Con số thống kê gần đây cho thấy, chỉ có từ 23,6 % đến hơn 38 % sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2011 ở 4 ngành: bác sĩ đa khoa, bác sĩ Răng hàm mặt, dược sĩ đại học và cử nhân điều dưỡng về làm việc tại các cơ sở y tế địa phương. Đối với ngành bác sĩ Răng hàm mặt, không có sinh viên nào sau khi tốt nghiệp về công tác ở các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Long An, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre. Đối với ngành dược sĩ đại học, tình trạng tương tự.
Để giải quyết bài toán này, tại hội nghị đào tạo nguồn nhân lực y tế vùng ĐBSCL được tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, ĐBSCL có duy nhất Trường Đại học Y Dược Cần Thơ để đào tạo cán bộ y tế cho toàn vùng. Do vậy vùng ĐBSCL không thể trông chờ vào loại hình đào tạo hệ chính quy mà Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cần phải đa dạng hóa loại hình đào tạo như: trung cấp, liên thông, đào tạo theo địa chỉ sử dụng... Vì có đa dạng loại hình đào tạo mới giải quyết được vấn đề bức xúc về nguồn nhân lực y tế trong khu vực.
Để giải quyết tình trạng này, từ năm học 2012-2013, trường đại học Y Dược Cần Thơ đào tạo 17 mã ngành với qui mô đào tạo 8.670 sinh viên. Trong đó, có 8 mã ngành chính qui, 9 mã ngành liên thông, đào tạo theo nhu cầu cho các địa phương với số lượng 812 sinh viên/năm.
Đặc biệt, năm nay trường đại học Y dược Cần Thơ mở thêm ngành y học cổ truyền với chỉ tiêu tuyển sinh 50 cho cả vùng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề xuất tăng lên 100 chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành y học cổ truyền cho các địa phương.
Về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Lình- Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết: “Nguồn nhân lực y tế tỉnh nào cũng thấp, nhưng khả năng của trường thì cũng như vậy. Bây giờ thống nhất với nhau ở hệ chính quy phân cho mỗi tỉnh thêm 3 chỉ tiêu. Riêng An Giang, Hậu Giang thêm 5 chỉ tiêu và Sóc Trăng là 8 chỉ tiêu”.
Để thu hút nguồn nhân lực y tế về phục vụ ở địa phương các tỉnh ĐBSCL, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, Nhà nước cần có chính sách thu hút, đãi ngộ cho đội ngũ y, bác sĩ về địa phương công tác. Đồng thời phải tạo môi trường làm việc tốt cho nhân tài. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân lực y tế của vùng ĐBSCL./.
(Theo: Hữu Trãi/VOV)