Mỗi
địa danh trên mảnh đất Điện Biên lịch sử đều ghi dấu tình cảm của đồng
bào dân tộc đối với vị tướng tài ba. Xã Mường Phăng, nơi căn cứ Sở chỉ
huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, bà con các bản làng nghẹn ngào
nghe tin ông mất, xúc động ôn lại những công lao của ông đối với nhân
dân các dân tộc Tây Bắc.
Gắn bó với Điện Biên và Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử,
đã từ lâu, nhân dân các dân tộc Điện Biên coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp
như một "vị thần" của bản làng, chỉ huy đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Ngay từ sáng
sớm 5/10, bà con xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) đã tụ họp về nhà
Trưởng bản Lò Văn Ương, dưới chân Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Biên nghẹn giọng khi báo tin: “vị thần hộ mệnh”
của bản làng đã ra đi mãi mãi. Nghẹn ngào xúc động, những người từng
được gặp Đại tướng không quên những kỷ niệm của mình.
Ôm trong tay bức ảnh chụp chung với Đại tướng vào dịp Kỷ niệm 50 năm
Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2004), cụ Lù Thị Đôi, năm nay tròn 100
tuổi ở bản Phăng xúc động kể lại bằng tiếng dân tộc Thái: Năm đó, cụ
được đích thân Đại tướng giao nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát
địa hình, bắt đầu xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại
tướng căn dặn cụ: “Nhiệm vụ này rất quan trọng, cô là Trưởng ban vận
động của địa phương, phải tích cực tuyên truyền bà con ủng hộ chiến
dịch, nhưng cũng phải tuyệt đối giữ bí mật việc xây dựng căn cứ chỉ huy
để đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi.”
Sau đó, cụ như con thoi, đi khắp
các bản làng tuyên truyền vận động bà con, đóng góp sức người, sức của
cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng.
Ngay sau ngày chiến
thắng, Đại tướng lại gặp cụ, căn dặn là đất nước giải phóng rồi, nhưng
vẫn phải tham gia công tác để xây dựng đất nước, xây dựng bản làng. Nghe
lời Đại tướng, cụ đã tham gia công tác, làm Chủ tịch hội phụ nữ xã
Mường Phăng trong nhiều năm rồi mới nghỉ hưu. Năm 2004, nhân kỷ niệm 50
năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên thăm bà
con vùng căn cứ cách mạng. Đại tướng đã cho người đến tận nhà mời cụ đến
chụp ảnh chung, bởi sức khỏe của ông đã yếu, không biết sau này có còn
lên với bà con được nữa không.
Trưởng
bản Lò Văn Ương thay mặt nhân dân địa phương phát biểu, năm Đại tướng
lên thăm bà con, nhân dân khắp vùng đã kéo đến để gặp “vị thần” và cũng
là người con của bản làng. Bà con ở vùng này chịu ơn ông cụ lắm, vì đã
giúp nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm năm xưa, bây giờ lại tiếp tục
quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm
nghèo. Trên địa bàn xã đã có những ngôi trường được xây dựng nhờ sự hỗ
trợ của ông cụ và gia đình, giờ có ngôi trường mang tên Đại tướng. Nay
nghe tin cụ Giáp mất, bà con buồn lắm vì tình cảm quá sâu nặng, cứ như
trong bản mất đi người già làng vậy.
Tại
Ban quản lý hồ Lọong Luông ở xã Mường Phăng mà bà con vẫn gọi là “Hồ
Đại tướng,” bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết ngày 30/9/2008,
gửi Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đề nghị cho xây
dựng hồ thủy lợi này được phóng to, treo trang trọng từ ngày khởi công
công trình.
Trong thư, Đại tướng viết: “Mường Phăng là một trong những
di tích lịch sử quốc gia cần được bảo tồn. Đồng bào các dân tộc tỉnh
Điện Biên và xã Mường Phăng đã từng đóng góp sức người, sức của trong
hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng đất nước, đồng thời góp
phần giữ gìn di tích của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Để tạo điều kiện cho
đồng bào xã Mường Phăng thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo, đẩy
mạnh sản xuất, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tôi
đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc của Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng xây
dựng dự án trên.”
Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Biên cho
biết: “Sau khi hồ Lọong Luông được khánh thành vào đúng ngày 7/5/2013,
công trình này đã cấp nước tưới cho 150 ha đất trồng lúa sản xuất 2 vụ
của nhân dân các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… thuộc 6 bản trên địa bàn xã
Mường Phăng. Đồng thời công trình này cũng phục vụ cải tạo, tạo cảnh
quan môi trường sinh thái cho Khu di tích lịch sử Mường Phăng - Sở chỉ
huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Điện
Biên cũng đã bàn giao hồ Loọng Luông 1 cho nhân dân các bản trong khu
vực quản lý để thả cá, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế
tại địa phương."
Ông Lò Văn Biên xúc động bày tỏ: Nhân dân các dân tộc
địa phương luôn ghi nhớ công ơn của Đại tướng. Đại tướng mất đi, hỏi
đồng bào chúng tôi không đau buồn sao được.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba của dân tộc qua đời để lại
niềm tiếc thương trong lòng nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Nỗi
niềm của đồng bào trước sự mất mát này cũng giống như tâm sự của cụ Mùa A
Sấu, 80 tuổi, lão thành cách mạng ở phường Thanh Bình, thành phố Điện
Biên Phủ: “Tôi đi làm liên lạc cho bộ đội ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa
từ khi còn nhỏ. Ngày chưa giải phóng, cán bộ nói sau này cách mạng thành
công, nhân dân sẽ có đường đi, trường học, bệnh viện cho toàn dân được
hưởng. Bây giờ những điều mơ ước đã thành hiện thực nhờ công lao của Bác
Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giải phóng Điện Biên và đất nước. Tôi
vẫn nói chuyện với bà con ở quê mình là mong muốn trong ngày Kỷ niệm 60
năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2014), bà con sẽ được nhìn thấy Đại
tướng, hay ít nhất là được nghe lời Đại tướng nói với nhân dân Điện Biên
từ nơi dưỡng bệnh của mình. Hôm nay nghe tin ông mất, vậy là mong ước
của chúng tôi mãi mãi không còn được thực hiện”./.
Chu Quốc Hùng (TTXVN)