Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2010-2015 tiếp tục được
tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối nhiệm kỳ 2015-2020.
Sau hai ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm cao,
chiều 15/10, Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ 2,
nhiệm kỳ 2015-2020 đã họp phiên bế mạc.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 46 người; bầu Ban Thường vụ gồm 15 người.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí
thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2010-2015 tiếp tục
được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối nhiệm kỳ 2015-2020.
Đại hội thống nhất mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2 là tiếp tục đổi mới
phương thức lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng
Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; chủ động hội nhập quốc tế; phát huy vai
trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới, nâng
cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh
nghiệp; tăng cường hiệu lực quản lý doanh nghiệp; nâng cao đời sống
người lao động; phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước
trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đóng góp tích
cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại hội xác định năm nhiệm vụ trọng tâm về thực hiện nhiệm vụ chính trị
gồm (1) tổ chức thực hiện thành công các mục tiêu đề án tái cơ cấu doanh
nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tăng năng suất
lao động gấp 2 lần năng suất lao động xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất
kinh doanh; (2) đổi mới, nâng cao năng lực quản trị hiện đại, phát
triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, xây dựng đội ngũ lãnh đạo doanh
nghiệp có phẩm chất, năng lực đáp ứng nhiệm vụ mới; (3) chủ động, tích
cực hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và triển khai chiến lược phát
triển ngành; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập
sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới; (4) đảm bảo việc làm, tăng thu
nhập, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao
động, tích cực bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, tiếp
tục thực hiện công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà
nước; (5) nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức cơ quan quản lý nhà nước
để tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu
đối với doanh nghiệp nhà nước.
Bốn nhiệm vụ then chốt về xây dựng Đảng được xác định gồm (1) đổi mới,
nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây
dựng Đảng của các cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp, Nâng cao chất
lượng công tác tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, công tác dân vận và
lãnh đạo các đoàn thể chính trị xã hội; (2) tăng cường lãnh đạo công tác
kiểm tra, giám sát, thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng
chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những biểu hiện suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức lối sống; (3) hoàn thiện mô hình tổ chức, tiếp
tục đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà
nước, trong các doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, tăng cường hiệu
lực quản lý doanh nghiệp; (4) nghiên cứu và đề xuất chức năng, nhiệm vụ
của Đảng bộ doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước chi phối và vốn nhà
nước không chi phối./.
(TTXVN)